Của chồng công vợ… trước

(Dân trí) - Lớn lên, rung động, yêu và kết hôn, người ta thường tìm đến những đối tác còn chưa “đập hộp”. Ấy vậy mà trong xã hội hiện đại, đang manh nha một thế hệ “tầm gửi” mới, chỉ ưa hàng “second hand” (*) nhưng “chất lượng cao”.

Tầm gửi thế hệ mới

 

Trâm, một sơn nữ Tuyên Quang, chua xót nhận kết quả thi đại học. Trượt, Trâm cay đắng nuốt nước mắt vào trong, quyết tâm về thủ đô ôn luyện.

 

Được một người quen giới thiệu, Trâm may mắn thuê được một phòng trọ khá sạch đẹp và hợp túi tiền. Xóm trọ gồm ba phòng và nhà “ông chủ”. Hai phòng bên cạnh là của hai anh sinh viên mới tốt nghiệp, họ đi làm liên miên, cuối tuần mới tạt qua nhà một chút.

Vậy là xóm trọ hầu như lúc nào cũng chỉ có Trâm và ông chủ. Gọi là ông chủ chứ thực ra “anh ấy” mới ngoài 30. Anh sống một mình khiến Trâm tò mò. Qua những lần nói chuyện đầu tiên, cô biết được vợ anh đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan và…ở lại luôn bên đó cùng ông chủ của mình.

 

Một kế hoạch tiết kiệm tiền chi tiêu hàng tháng được Trâm lên chi tiết. Bắt đầu từ việc vệ sinh xóm, tiện thể quét hộ anh cái sân. Một tuần sau, Trâm đã chuyển từ “sân” vào “nhà”. Cô lau nhà, dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc. Có người giúp đỡ, “anh chủ” cũng thấy vui hơn. Vừa nói chuyện vừa lau lại cái TV, sửa lại cái bóng đèn đã hỏng…

 

Cứ như thế sau hai tháng, từ giảm tiền điện, không thu tiền nước, đến miễn phí tiền nhà, Trâm “mở cờ trong bụng” khi kế hoạch được hoàn thành xuất sắc.

 

Nhưng cũng từ đây, ước mơ đại học dần rời xa Trâm. Không còn hứng thú gì với sách vở, Trâm dành toàn bộ thời gian để chuyển từ “nhà” xuống “bếp” của anh chủ. Đồng thời chờ đợi ngày “tiếp quản” cơ ngơi mà người vợ “xứ Đoài” của anh đã gửi tiền về xây dựng.

 

Đầu tiên là mua hộ anh con cá, mớ rau, rồi cắm hộ anh nồi cơm. Chẳng bao lâu hai người bắt đầu ăn chung. Những lá thư trả lời cho mối tình đầu thời phổ thông cứ thưa dần rồi tắt lịm.

 

Cuộc sống cứ thế trôi qua. Giờ đây, nhìn các tân sinh viên háo hức lên đường nhập học, Trâm chợt thấy chạnh lòng. Biết làm gì đây khi ước mơ và hoài bão đã rời xa? Chẳng lẽ cứ trông chờ vào xóm trọ giờ đây chỉ còn hai phòng đóng tiền? Hay là về quê? Thôi đành “tầm gửi” nơi “phồn hoa” chờ cơ hội mới.

 

May mắn hơn Trâm, Thu học tại trường Trung cấp Kinh tế được người quen giới thiệu làm gia sư cho một học sinh tiểu học ngay trong nội thành Hà Nội. Ngay sau vài buổi dạy đầu tiên, Thu được biết mẹ cháu mất cách đây ba năm vì bệnh nặng, do vậy đối tượng của Thu đã chuyển từ “con” qua “bố”.

 

Biết anh thuê mình làm gia sư nhưng có nghĩa là trông nom con giúp anh những lúc anh bận việc vắng nhà, Thu không tiếc công sức chăm sóc học sinh nhằm làm “viên gạch lót đường” để tiếp cận và chinh phục “phụ huynh”.

 

Những buổi học cứ kéo dài dần, không chỉ dạy học, Thu còn lo cho học sinh tắm rửa, ăn uống. Hôm nào cô cũng cố nán lại chờ bố cháu về rồi mới tạm biệt. Lâu dần, sự có mặt của Thu trở nên quen thuộc trong gia đình học sinh. Thu mừng thầm khi mình có vai trò ngày càng quan trọng không chỉ với học sinh mà còn cả phụ huynh.

 

Đang loay hoay chưa biết làm cách nào để “xúc tiến” mối quan hệ gần gũi hơn với phụ huynh học sinh, Thu mừng như bắt được vàng khi học sinh gọi điện: “Mời cô đi ăn với bố con con”. Bữa ăn thật đầm ấm và hạnh phúc. Cô giáo và phụ huynh nói chuyện không biết chán về cậu học sinh tiểu học.

 

Giờ đây, Thu đang “nuôi mộng” không chỉ chăm sóc học sinh mà còn “nâng khăn sửa túi” cho phụ huynh. Bạn bè bảo số Thu may mắn, “chuột sa chĩnh gạo”. Thu mỉm cười đầy hàm ý: “Dù sao cũng “của chồng công…người vợ đã quá cố của anh ấy”, mình sẽ cố gắng để xứng đáng với những gì có được”. 

 

Chỉ lấy chồng già, góa vợ, không con

 

Hình ảnh các hoàng tử đẹp trai, hào hoa ngày càng ít xuất hiện trong giấc mơ của “tầm gửi” thế hệ mới. Họ luôn tìm cách tiếp cận các “cây đại thụ” góa vợ và không vướng bận con cái.

 

Xuân, quản lý một nhà hàng nổi tiếng thẳng thắn: “Mình chưa bao giờ chờ đợi một hoàng tử đẹp trai giàu có cả. Mình luôn chủ động tiếp cận những người đàn ông thành đạt trong kinh doanh nhưng lại kém may mắn về gia đình. Chẳng có gì ngăn cản họ hạnh phúc cả. Mình sẽ là người làm việc đó”.

 

Điều này giải thích tại sao khi Xuân không ngần ngại lên xe hoa cùng một ông chủ người Nhật đã ngoài 60 và góa vợ từ 20 năm nay. Theo Xuân: “Tình yêu không có tuổi, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng”.

 

Cũng như Xuân, Dung, nhân viên văn phòng từ chối không biết bao nhiêu chàng đẹp trai đầy nhiệt huyết tuổi trẻ để đi theo tiếng gọi trái tim. Dung lên xe hoa cùng người tình gần bằng tuổi… ông ngoại mình.

 

Dung nói: “Yêu nghĩa là phải đảm bảo cuộc sống cho nhau. Nếu yêu và lấy “anh ấy”, cuộc sống của mình sẽ được đảm bảo ngay cả khi “anh ấy” không còn trên đời này nữa”.

 

Thực ra cũng khó hiểu cái mà Dung và Xuân cho là hạnh phúc và tình yêu và cũng không ai trách cứ gì họ cả. Chỉ có điều không thể không nghi ngờ rằng họ đang chờ đợi ngày được thừa kế gia sản mà chồng cùng… người vợ trước đã dày công xây dựng. 

 

Thanh Phong


(*) hàng second hand
: đồ đã qua sử dụng. Trong bài viết này "hàng second hand" ám chỉ những người đàn ông đã có vợ.