Cụ… non

(Dân trí) - Thế giới nội tâm vô cùng phong phú của trẻ có thể dạy cho người lớn rất nhiều điều. Và rồi sau những lần dở khóc dở cười chứng kiến con “chỉnh” cha mẹ, ta tự hỏi: Cái giá của sự già sớm và thông minh nhạy cảm này liệu có phải là tuổi thơ bị đánh cắp không?

Kin “khôn” rất sớm. Không ai trong xóm hay cùng công sở với bố mẹ Kin lại không biết về “hiện tượng” này.

 

Hồi mới 2 tuổi rưỡi, nhóc Kin đã từng đứng chặn đầu xe tôi hỏi: “Chị đi dép ấy mà đi học à?” - lúc ấy tôi đang đi tông xỏ ngón. Thế mới hay, đúng là tụi nó lớn sớm thật. Ở cái tuổi lớn hơn nó, một nguyên tắc tế nhị như thế liệu có mấy người phân biệt được?

 

Rồi hôm nay, lại cái giọng lanh lảnh ấy, tôi nghe con bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao cô dâu về nhà chồng lại phải khóc?”. Mẹ nó rằng: “Thì khóc thế thôi. Về nhà chồng lại “tí tởn” ngay ấy mà”.

 

Không rõ lúc ấy mặt con bé biểu cảm thế nào và mẹ nó thì ra sao, nhưng qua ô cửa sổ giữa hai nhà, tôi nghe con bé hỏi lại: “Thế ngày xưa lấy bố, mẹ cũng tí tởn thế à?”.

 

Liệu rằng mẹ Kin có chột dạ khi mình đã dùng một từ như thế, một cách giải thích như thế để nói về người khác với cô con gái mới 5 tuổi?

 

Bé Tin 3 tuổi, cũng là một “hiện tượng cụ non”. Lớn lên cùng với sự thủ thỉ dạy dỗ của người bà vốn có niềm tin tôn giáo rất lớn, Tin thường đặt những câu hỏi mang tính triết lý rất cao: “Khổ là gì hả bà ?”, “Sao người ta yêu nhau lại phải khóc?”, “Hạnh phúc là gì?”. Không phải lúc nào bà nội Tin cũng biết trả lời cậu bé, nhưng Tin vẫn tiếp tục tò mò với những phạm trù trừu tượng như thế của cuộc sống.

 

Có lần, Tin tâm sự với bà: “Con rất thất vọng về bố”. Như thế, khi chứng kiến bố cãi bà ngoại, và quát bà rất to, Tin đứng ra giữa nhà cũng mắng lại với giọng rất nghiêm: “Bố, bố quay lại xin lỗi bà đi. Bố không được làm như thế, bố phải xin lỗi bà ngay.”

 

Thử hỏi trước một hoàn cảnh như thế, bố Tin không có thể không suy nghĩ được hay sao? Và lẽ nào điều đó lại chẳng khiến chúng ta mảy may bận tâm chút nào?

 

Thêm một câu chuyện khác của bé Mi. Sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ là nghệ sỹ - hai nghệ sỹ trẻ ham mê cuộc sống hiện đại và sự nghiệp sáng tác. Họ không thích ràng buộc, họ có con chung, sống chung nhưng không làm hôn thú.

 

Cô con gái nhỏ được nuôi bằng “dòng sữa” của bà ngoại từ khi mới lọt lòng. Bố mẹ Mi rất ít khi ở nhà, ngày ở nhà thì lại chẳng mấy khi “nhẹ” lời với nhau. Họ cáu lên thì cả căn nhà ồn ã đủ thứ tiếng chửi mắng, đập bát đĩa, đổ vỡ chai lọ...

 

Từ nhỏ đã chứng kiến cảnh ấy, Mi lại tự nhiên có sự phát triển trí thông minh theo một chiều hướng khác. Con bé rất sớm học cách gần gũi và tranh thủ tình thương nơi người khác, như để bù đắp những gì nó không có được nơi bố mẹ.

 

Bà ngoại Mi đã từng phải khóc nấc lên khi nghe Mi kể chuyện: “Đêm qua con nằm giữa bố mẹ. Tay này con để lên bụng mẹ này, tay này còn để lên ngực bố này”. Bà xót thương đứa cháu 4 tuổi đã phải suy tính tình yêu thương. 

 

Cũng giống như Mi, từ khi còn bé, Trâm đã được “tôi luyện” bằng những cuộc cãi vã của bố mẹ. Mẹ thì nói to, bố ngà ngà say mà còn vô tình thượng cẳng chân hạ cẳng tay lên vợ.

 

Mới đầu cô bé khóc dữ lắm, rồi dần dà, nó chẳng khóc nữa. Nó bắt đầu nói, nói tỉ tê với bố rằng: “Bố ơi, bố đừng đánh mẹ nữa”, với mẹ rằng : “Mẹ ơi, mẹ đừng cãi bố nữa”. Nhưng không biết vì mải mê cuộc sống riêng hay vì không hiểu hết tâm sự của con gái, mà bố mẹ Trâm vẫn đều đặn hàng đêm phân bua, phàn nàn, cáu gắt.

 

Và rồi, con bé chẳng tỉ tê với bố, chẳng rì rầm với mẹ nữa. Mỗi lần bố mẹ khẩu chiến, nó lại cười: “Nhà mình vui thật. Nếu bố mẹ không cãi nhau nữa có khi sẽ mất vui…”. Bạn thấy vui vì một cô bé thông minh sắc sảo hay buồn vì đứa trẻ mới 7 tuổi đầu đã mỉa mai một câu chua xót thế?

 

Chúng ta tự hào rằng “con tôi, cháu tôi khôn lắm, cái gì nó cũng biết…”. Đi đâu, gặp ai ta cũng khoe xem nó nói được gì, nó khôn ra sao, nó nhạy cảm thế nào. Nhưng chúng ta quên rằng mỗi động thái của người lớn đều không lọt qua đôi mắt còn rất ngây thơ và trái tim non nớt của trẻ.

 

Hãy để mỗi lời nói, mỗi hành động của bạn không làm cho con yêu phải sớm già đi.

 

Psyché