Còn nước còn tát

(Dân trí) - Thủy vốn thiệt thòi vì không có bố, song nó học hành chẳng kém ai, nhờ dì tôi tháo vát, còn xây được cái nhà mái bằng khang trang ngay khu công nghiệp. Thủy yêu rồi lấy Tùng, làm gần công ty nó, còn nhà thì cách chục cây.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhà Tùng có bốn anh em trai, nên mọi người động viên đến ở nhà vợ cho tiện đi làm. Hai đứa sống khá hạnh phúc. Vậy mà cách đây một tháng, vào dịp nghỉ lễ, nhà nó về quê chồng chơi. Vài hôm sau Thủy gọi cho tôi than thở: “Nhà chồng đã chẳng giúp được gì thì thôi, lại cứ trông chờ vào chúng em. Đòi hỏi phải chu cấp thế nọ thế kia, em tức khí bế con đi luôn, thế là anh ấy tức, cũng quay về dọn đồ rồi bỏ về nhà bố mẹ, còn xúc phạm em, bảo là muốn một mình nuôi con như mẹ phải không, thế mới cay”.

Ra là Tùng còn hai đứa em nữa đang học đại học, ông bà tuyên bố là đã nuôi Tùng ăn học rồi, thì giờ phải có trách nhiệm với các em. Rồi đến việc xây dựng mồ mả, nhà thờ họ cũng kêu hai đứa phải có nghĩa vụ góp phần nhiều, trong khi chúng dư dả gì cho cam, nghe nói có lúc còn phát ngại vì tiền sữa của con cũng phải “vay” bà ngoại.

“Kêu là chúng em chẳng phải thuê nhà, không cần mướn người trông con, tiền làm ra chỉ để ăn thôi thì thể nào chả dư, em ghét thói nhà quê hay ngó vào túi người khác. Con đã phải ở nhà vợ mà còn không biết ngại”.

Tôi đanh giọng: “Cẩn thận kẻo vách có tai, em không còn đường mà lùi đâu. Và nên xem lại mình, mới về nhà chồng chơi thôi mà không chịu được nhiệt là có vấn đề đấy, nên nhũn nhặn và hòa đồng hơn. Còn việc họ “bổ đầu” em chuyện nuôi em chồng thì nên nhắc Tùng tùy sức mình mà hỗ trợ. Có thể chia cho anh cả nuôi một chú, hai năm nữa chúng ra trường là nhàn chứ gì. Lo lắng, đùm bọc anh em ruột không đi đâu mà thiệt, nếu nó nằm ngoài khả năng thì từ chối ngay từ đầu, mất lòng trước được lòng sau. Ví như xây mộ với nhà thờ họ, mình chỉ góp chút gọi là, còn ai thích sang, thích oai thì bỏ tiền ra.

Mà việc em cả gan bế con bỏ đi là sai rồi, để chuyện lan ra cả nhà biết giấu mặt vào đâu”. Nó vẫn phụng phịu chưa chịu nhận mình sai.

Cứ nghĩ vợ chồng trẻ nhanh giận dỗi rồi chóng làm lành vậy mà ba tuần trôi qua, Thủy lại gọi cho tôi giọng trầm buồn “Anh Tùng vẫn chưa chịu về chị ạ”.

Tôi khuyên nên đến xin lỗi bố mẹ chồng vì đã nóng vội, đùng đùng bế con về nhà ngoại. Nó còn cứng cựa: “Đánh chết em cũng không đi. Bỏ nhau là cùng chứ gì”. Tôi chỉ thở dài: “Chia tay thì em khổ nhất và con em thiệt thòi nhất. Cứ suy nghĩ cho kỹ, lời thốt ra không rút lại được đâu”.

Sáng nay Thủy vừa gọi cho tôi thì thầm “Về rồi chị ạ. May có ngày Tết thiếu nhi, em xuống nước đến xin lỗi ông bà nội Bống, rồi rủ bố nó cùng đi chơi với con. Anh ấy cũng ân hận vì đã nói những lời khó nghe”. Tôi cười, chúc mừng em xử trí kịp thời, rồi bỗng nhớ đến trường hợp cô em gái của chị cùng phòng.

Chồng con bé cứ vui bên chén rượu là quên hết sự đời, lại thêm cái tính tự ái vặt, hay chấp trách vợ, con bé cú, quyết ra tòa cho lão tha hồ tự do. Nó hỏi ý kiến, chị gái cũng nhiệt tình khuyên em li dị cho đáng đời, để các lão sáng mắt ra đừng tưởng áp bức, lợi dụng được chị em mãi.

Tôi khuyên can, cho rằng chỉ trường hợp nào không cải tạo được, bần cùng mới phải thế, chứ còn nước còn tát, vợ chồng phải biết nhịn nhường cho qua những việc vặt vãnh. Đừng để cái tôi của mình lấn át, làm lú lẫn đầu óc. Cuối cùng con bé vẫn kiên quyết và giờ thì hối hận.

 
TSL