Con người được lập trình để yêu?

(Dân trí) - Lễ tình nhân, 8/3, quà tặng, những bản nhạc lãng mạn, tiểu thuyết tình yêu… tất cả chưa chắc đã thực sự là nhân tố ảnh hưởng đến cảm xúc yêu đương của bạn.

 
Con người được lập trình để yêu?


Các nhà khoa học gần đây đưa ra giả thuyết rằng, có một nhân tố khác tham gia vào cảm xúc yêu đương của con người, đó chính là bản năng. Tình yêu, cụ thể là cảm giác đam mê muôn hình muôn dạng, là thứ cảm xúc vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát của con người.

 

Có vẻ như loài người được lập trình để đón nhận thứ cảm xúc vừa lớn lao vừa như hỗn độn này. Hãy quên hoa hồng hay những hộp socola hình tim đi, chính gene mới là cái “móc câu” kéo chúng ta vào tình trạng yêu đương không tài nào dứt ra được.

 

Sự tiến hóa của tình yêu

 

Theo Elizabeth Pillsworth, Bộ môn Tiến hóa nhân loại học, ĐH Bang Califoria (Mỹ), tình yêu đắm say xuất hiện từ buổi bình minh của loài người, là một trong những cảm xúc lâu đời nhất. Tổ tiên chúng ta ngay từ thời săn bắt và sống bầy đàn cũng đã biết yêu không khác gì con người ngày nay. Tình yêu khi đó khiến họ đến gần nhau vì mục đích sinh tồn, vì sự an toàn và duy trì nòi giống.

 

Ngày nay, con người có thể không còn cần nửa kia vì sự sinh tồn, vì cảm giác an toàn hay để sinh con nữa, nhưng trong trái tim yêu, những nhu cầu của họ vẫn vậy: Khao khát yêu và được yêu, được trải nghiệm thứ cảm xúc đam mê vừa lớn lao, vừa hỗn độn. Cảm xúc này luôn hiện hữu, bất chấp thế hệ, nền văn hóa hay biên giới lãnh thổ.

 

Vì sao tình yêu có thể sai khiến ta hành động điên rồ?

 

Có câu nói vui rằng, “khi yêu người ta không còn thông minh”, tình yêu đắm say có thể khiến “nạn nhân” của nó làm những việc điên rồ.

 

Theo Pillsworth, thực tế ghi nhận, con người dành đến 90% năng lượng sống để nghĩ về đối tượng mà họ khao khát, nghĩ cách có được trái tim đối phương. Họ mơ về khoảnh khắc tình yêu của mình được đáp lại, khi người ấy nói “trái tim anh/emcũng đang chung nhịp đập”.

 

Trong giai đoạn này, ai cũng có thể làm chuyện điên rồ để có được người mình yêu, để cháy hết mình với tình yêu, kể cả làm những việc trước đó họ chưa bao giờ làm. Dù sao đây cũng là một công cụ có lợi, người trong cuộc được nhiều hơn mất, cảm giác thỏa mãn, không còn gì phải hối hận khi tình cảm qua đi. Dẫu vậy, giai đoạn đặc biệt này thực tế diễn ra trong thời gian rất ngắn.

 

Tình yêu đồng nghĩa với “mãi mãi”?

 

Vì giai đoạn yêu điên dại diễn ra trong thời gian ngắn, nên khi nó qua đi, sẽ nhường chỗ cho thứ tình yêu ít nồng nhiệt hơn, tình cảm chạm đến một điểm mới. Vần đề đặt ra là, tại điểm đó, những người yêu nhau sẽ chia tay, hay trở thành một khối gắn kết lâu dài? Liệu có sự ảnh hưởng từ gene?

 

Khoa học vẫn đang tranh cãi về điểm này. Có ý kiến cho rằng con người khi đang yêu say đắm sẽ không còn nhìn thấy sự quyến rũ của những người khác nữa. Họ chỉ tập trung vào đối tượng của mình, bất chấp mọi đối tượng tiềm năng khác ở xung quanh. Ý kiến này nghiêng theo quan điểm tình yêu thủy chung.

 

Song cũng có những ý kiến bất đồng. Một số nghiên cứu khác cho rằng ngay cả khi đang yêu, đàn ông và đàn bà vẫn có thể bùng nổ những “cảm giác phụ”, như bị hấp dẫn bởi các đối tượng khác, cơ hội yêu đương khác nếu gặp điều kiện thuận lợi, yêu chung thủy chỉ là một giai đoạn của tình yêu mà thôi.

 

Cả hai luồng ý kiến đều chưa được khoa học chứng minh một cách đầy đủ, song có một điều chắc chắn là: Con người thực sự có khả năng sử dụng bản năng đi đôi với khả năng đánh giá, đưa ra quyết định. Tình yêu với những lợi ích và cả sai lầm của nó, đều có thể được điều khiển bởi khối óc hơn là bởi trái tim. Dẫu thế, tình yêu không bao giờ mất đi bản chất điên rồ của nó, bởi giai đoạn yêu đắm say luôn có trong trái tim mỗi người.

 

H.A

Theo RBM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm