Con dâu nói trống không

(Dân trí) - Dẫu đã được nghe nhiều câu chuyện “mẹ chồng nàng dâu” từ sách, báo, từ những người bạn của mình. Nhưng đến khi chính thức bước vào cuộc, tôi mới cảm nhận được hết “ nỗi khổ” của mẹ chồng… <i/>(Thu Nguyen, Nha Trang)</i>

Con dâu nói trống không - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
21 tuổi tôi có con. 50 tuổi tôi được làm mẹ chồng…

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức ở Hà Nội .  Bố mẹ tôi là bác sĩ , 5 anh em tôi  đều phương trưởng và có  dâu, rể đầy đủ. Mỗi lần ra Hà Nội công tác, anh chị em tôi lại ngồi bên nhau ôn lại những chuyện xưa của gia đình, chuyện thông gia, chuyện dâu, rể… Với các anh, việc làm bố chồng, bố vợ thật đơn giản nhưng với các chị em gái thì  việc làm mẹ chồng, mẹ vợ có biết bao điều  phải  chia sẻ, thậm chí tranh cãi gay gắt. Nào là thằng con rể mặt cứ lầm lì, cả ngày không nói một câu, thằng thì mồm mép như tép nhảy, thằng thì khéo léo không biết lúc nào nó nói thật, không biết lúc nào  nó giả vờ…Riêng chuyện các con dâu thì khỏi phải bàn.

Con dâu của các chị em tôi dù cũng có những điều này điều kia, nhưng về cơ bản là các cháu  đều sinh ra và lớn lên ở các tỉnh phía bắc, ít nhiều chịu khuôn phép của cảnh làm dâu. Nếu sống chung với gia đình nhà chồng thì ít ra cũng phải biết đi thưa về chào, ngày 30 tết phải lo cơm cúng ông bà, phải chuẩn bị cơm nếu nhà có khách..v..vv..

Nhưng  hoàn cảnh làm mẹ chồng của tôi lại khác. Con dâu tôi người miền Nam, cháu rất lanh lẹ, hoạt bát, biết nấu ăn và đặc biệt là chăm con rất chu đáo. Nếu như thế thì chẳng có gì để tôi phàn nàn, nhưng càng sống lâu tôi càng tỏ ra bực mình vì  cái cách cư xử, nói năng  của cháu. Những lúc như vậy tôi lại bụng bảo dạ : con dâu mà…rồi chặc lưỡi cho qua. Tôi rất thích sắm quần áo cho cháu nội , hí hửng về nựng nịu cháu ,ướm lên người cháu những bộ áo quần tôi vừa mua và thích thú ngắm nhìn cháu. Nhưng sau lần ấy , tôi để ý thấy  không bao giờ  con dâu tôi cho  cháu  mặc  lại bộ quần áo ấy (và tôi biết rằng  con dâu tôi không thích  màu sắc tôi chọn vì nó không phải là màu đỏ, màu vàng, màu cam rực rỡ như màu con dâu tôi thích ). Thế là đã  3 năm nay tôi không mua quần áo cho cháu nội của mình, dù có nhiều khi đi Shoping tôi vẫn không bỏ thói quen dừng lại quầy bán quần áo trẻ em để ngắm nghía, xuýt xoa…

Con dâu tôi rất mau mồm mau miệng với hàng  xóm, với khách khứa, bạn bè của mẹ chồng , với họ hàng từ Hà Nội vào chơi . Nhưng không hiểu sao với mẹ chồng nó lại hà tiện lời chào đến như vậy . Phải nói là  về làm dâu nhà tôi đã 5 năm, chưa bao giờ  con dâu cất tiếng chào mẹ chồng khi ra khỏi nhà hoặc khi đi làm về. nó cứ lủi lủi đi, lủi lủi về , đùn  đẩy cho con , cho chồng chào… và thậm chí khi nhắn tin cho mẹ  chồng nó cũng không có thói quen sử dụng chủ ngữ . Nó viết trong tin nhắn: “ Bay chuyến mấy giờ? “, ” Xuống máy bay chưa?”, hoặc: “Chiều nay ăn gì? Có cần mua thêm gì không?”…. Vốn là giáo viên dạy văn, tôi không khỏi bực mình mỗi khi đọc những tin nhắn như vậy. Tôi đem chuyện này nói với con trai thì nó bảo “Nhà vợ con quen như thế rồi”. Tôi và chồng không sống với nhau, nhưng có đôi lần gặp nhau, anh ấy cũng than phiền rằng chẳng bao giờ nó chào “bố ạ”, hoặc “con mời bố ăn cơm” như những cô con dâu người miền bắc… Chúng tôi đều là giáo viên, đều đã từng dạy sự lễ phép cho nhiều lớp học sinh. Nhưng với con dâu mình, tôi thật khổ tâm khi không thể gọi cháu nhắc nhở, răn dạy , vì tôi sợ nó nghĩ rằng “sao mẹ khó thế? Bắt bẻ con từng chút một…đúng là làm dâu người bắc khó thật v..v..

Chuyện muôn thuở “mẹ chồng nàng dâu” nhà tôi thoạt nghe có thể các bạn thấy chẳng có gì quan trọng, gọi nó lên chỉ dạy, mắng cho vài câu là xong…nhưng thật ra tôi cũng có lỗi khi không “dạy con từ thuở còn thơ …” nên mới ra nông nỗi này. Tự tôi chuốc nỗi bực vào mình nên các anh chị tôi bảo: cô dở quá !Đúng là tôi dở thật, nhưng nhắc nhở con dâu một lời chào mẹ chồng sau 5 năm chung sống thì với tôi thật khó…
 
Bạn có thể chia sẻ ngay dưới phần Gửi bình luận cuối bài hoặc gửi về địa chỉ: tygt@dantri.com.vn. (Lưu ý: Bài viết được chọn đăng sẽ không có nhuận bút. Vui lòng viết tiếng Việt có dấu, tiêu đề, email (subject) ghi gửi mục: Chuyện của tôi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm