Coi thường vợ ở nhà, tôi không ngờ phải trả giá sớm
(Dân trí) - Trong nhà tôi, dù tôi nói gì, vợ cũng nhún nhường, nín nhịn, chẳng bao giờ dám cãi. Tôi luôn tự đắc vì mình kiếm được nhiều tiền nhưng rồi đến ngày...
Không phải quá tự tin, nhưng đúng là tôi có cuộc sống mà nhiều người mơ ước. Công ty của tôi làm ăn rất tốt, thu nhập của tôi cao hơn vợ nhiều.
Cô ấy yêu thích viết lách nên ngoài việc ở nhà chăm con cái, thời gian còn lại đều cặm cụi viết. Tuy nhiên, lương cộng tác viên của vợ chỉ bằng tôi làm cố thêm một buổi hoặc bớt đi một bữa nhậu với bạn bè. Cho nên nói thật, tôi không coi trọng công việc của vợ.
Đôi khi, tôi dè bỉu: "Tiền hàng tháng tôi đưa về cho em bằng cả năm em viết. Vứt hết sách vở, giấy tờ của em đi, tập trung đưa đón con đi học, nấu nướng, dọn dẹp nhà là được rồi".
Vợ tôi buồn nhưng không nói lại. Người đời bảo không sai: "Mạnh về gạo, bạo về tiền". Ở bất cứ đâu, người nào có tiền, người ấy có tiếng nói.
Trong nhà tôi cũng vậy, dù tôi nói gì, vợ cũng nhún nhường, nín nhịn, chẳng cãi qua cãi lại bao giờ. Tuy nhiên, cô ấy vẫn bướng bỉnh giữ lại công việc buồn tẻ, chán ngắt đó. Mặc dù ở góc độ là người đàn ông của gia đình, tôi đã làm rất tốt vai trò gánh vác kinh tế. Vì cậy hàng tháng đều đưa tiền cho vợ lo toan mọi việc, tôi dần coi thường sự đóng góp của cô ấy.
Tôi không cần biết hàng ngày vợ làm những gì, đưa đón con, dạy con học và làm những công việc vụn vặt khác. Ngay cả quan hệ ứng xử đối nội, đối ngoại trong gia đình, tôi cũng phó mặc để vợ tự lo.
Suy cho cùng, nếu không có tiền của tôi cầm về thì sự chăm chỉ của cô ấy giúp ích được gì, cho ai? Tôi đi chơi, đi quan hệ đối tác, cặp kè vài ba mối tình vui vẻ, vợ biết nhưng vẫn yên lặng để cho tôi đi sớm, về khuya.
Chắc cô ấy biết, có nhắc cũng chẳng được nên tôi đi ra ngoài được coi là dạng lãng tử, biết ăn chơi, hưởng thụ nhưng cũng biết làm ăn. Tuy nhiên, đôi khi trong làm ăn cũng có vận hạn, tôi vì tin bạn hàng, đối tác nên đã dồn hết vốn liếng vào một dự án lớn và rồi đổ bể. Công ty cứ từ đó mà sa sút, cố cầm cự được hơn một năm thì phá sản.
Tôi trắng tay, không còn công ty, không còn nhân viên. Bạn bè bù khú khi trước, những người đàn bà từng nói yêu đương với tôi..., tất cả đều quay lưng. Tôi bị sốc, mỗi ngày đều ở nhà ôm đầu trong nỗi cô đơn, tủi hận, chê trách nhân tình thế thái.
Đến lúc này, tôi mới thấy giá trị của gia đình, bố mẹ, vợ con. Những người mà thường khi vui vẻ, thành đạt, tôi ít quan tâm nhất, nay lại là những người ở lại bên cạnh tôi, tìm cách nâng đỡ, phục hồi tinh thần cho tôi.
Vợ vỗ về, an ủi: "Anh đừng lo nghĩ nhiều. Anh là người thông minh, tài giỏi, em tin anh sẽ khởi động lại được thôi. Thời gian này coi như tạm nghỉ dưỡng cho thư thái rồi công việc mình bắt đầu lại".
Nghe vợ nói, tôi chỉ ước mình không phải đàn ông để được khóc nức nở cho thỏa lòng ấm ức. Nhưng lúc này đây, tôi chỉ biết ngồi im, ôm cô ấy thay lời cảm ơn.
Một nỗi xúc động lớn lao dâng lên tận đáy lòng. Lời nói giản đơn của vợ không ngờ cho tôi niềm tin và động lực lớn. Thôi "sông có khúc, người có lúc", coi như đây là thử thách tôi phải vượt qua.
Cũng may là nhờ khó khăn, tôi nhìn nhận được nhiều thứ. Sau tất cả, tôi vẫn có gia đình để yêu thương. Vợ tôi nói đúng, cứ tặng cho mình vài bữa nghỉ ngơi rồi tôi sẽ bắt đầu lại. Tôi không tin mình không thể thành công với ý chí và kinh nghiệm của mình. Giờ đây, mỗi ngày, tôi phụ vợ đưa con lớn đi học, dạy kèm con nhỏ, dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, gọi điện hỏi thăm bố mẹ hai bên...
Nhoáng một lúc đã thấy hết trưa, hết chiều, hết tối. Tôi không hiểu vợ tôi lấy đâu ra thời gian để viết lách, đăng bài, trong khi vẫn giải quyết tốt các công việc khác. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, tôi thú nhận tôi nể vợ. Ánh mắt cô ấy cười cười nhìn tôi lấp lánh. Buổi tối hôm đó, tôi nghiêm túc xin lỗi vợ con.
Nhìn khung cảnh gia đình đầm ấm, vui vẻ, tôi thấy thật bình yên. Hóa ra hạnh phúc là như vậy, không cần tốn nhiều tiền vào những bữa ăn thừa mứa trong nhà hàng sang trọng để mua chuộc, trả nợ và hứa hẹn với nhau những điều đao to búa lớn. Hạnh phúc đơn giản chỉ là nụ cười và ánh mắt dịu dàng mà người thân dành cho ta và trái tim ta cảm nhận được.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.