Có nên nói toạc ra quá khứ của mẹ chồng?

(Dân trí) - Mọi việc quá đường đột, khiến tôi hơi choáng váng bất ngờ, không biết tiếp theo phải xử trí thế nào. Bố chồng tôi hiện đang bị tai biến, suy nghĩ vốn không được liền mạch, sáng suốt. Mẹ chồng tôi bắt ông làm di chúc để lại toàn bộ cửa nhà, ruộng vườn của ông bà tổ tiên cho chú em chồng tôi.

Có nên nói toạc ra quá khứ của mẹ chồng? - 1

Ban đầu chúng tôi cũng không biết, mãi cho đến khi người nhà phải lên xã làm giấy tờ, chứng thực gì đó thì tin mới đến tai cô em của bố chồng tôi. Cô tức tốc gọi chúng tôi về, nói rằng việc này tuyệt đối không được.

Ra là thời trẻ mẹ chồng tôi khá xinh xắn, ưa nhìn lại có tài lẻ ca hát nên bà tham gia vào phong trào văn công làng xã. Sau bà cặp kè với một người trong đội đến mức có thai. Khi bà đẻ ra thằng bé giống ông kia như tạc, bố chồng tôi vì quá xấu hổ, nhục nhã liền nhất quyết bỏ vợ. Ông kia cũng chẳng dám nhận con vì sợ bà vợ dữ như cọp.

Thế là mẹ chồng tôi đành bế đứa con đỏ hỏn về nhà ngoại, bố chồng tôi một thân một mình nuôi hai đứa con, là chị gái chồng và chồng tôi. Thấy cảnh hai đứa trẻ lếch thếch, tội quá, bà nội chồng tôi gạt bỏ mọi sỹ diện và phép tắc, khuyên nhủ bố chồng tôi đón mẹ chồng tôi về, chấp nhận cảnh nuôi con người.

Chuyện xưa dần lùi xa chẳng ai còn nhắc đến. Chị chồng và chồng tôi khi ấy còn ít tuổi nên chỉ nhớ mang máng, có một dạo mẹ bỏ về ngoại thôi chứ không rõ nguồn cơn.

Đó là vết nhơ trong quá khứ của mẹ chồng tôi, mà giờ nhắc lại chắc bà cũng đau khổ lắm.

Tuy nhiên, đành rằng chị chồng tôi và vợ chồng tôi đều đã tự mình gây dựng có cơ ngơi riêng trên thành phố, nhưng thiết nghĩ bà cũng nên tôn trọng họ đằng chồng mình một chút. Dù gì chú út cũng chỉ là con riêng của bà, biết đâu sau sẽ lại tìm về cội rễ nhà chú ấy, làm sao mà nhất tâm thờ cúng nội tộc họ này được.

Với cả, chỗ đất ấy sao không chia làm ba, giả sử chị chồng và chồng tôi không lấy thì cho chú còn được tiếng thảo là cho em. Hoặc ít nhất đất rộng chú út thích xây nhà ở đâu thì xây, còn nhà đang ở cứ để làm nhà chung, thờ tổ tiên, con cháu về thắp hương, chẳng chia cho ai hết… Đằng này bà tự tung tự tác, nhất quyết yêu cầu bố chồng tôi phải để lại hết cho chú út vì chú ấy thiệt thòi, học hành, công việc không bằng chị bằng anh.

Giờ chỉ bố chồng tôi là thấu rõ ràng mọi chuyện, nhưng ông không còn được minh mẫn, thành ra việc làm của mẹ chồng khiến cả con cái lẫn anh em đều không phục. Chúng tôi có nên lật lại chuyện xưa để bà biết điều hơn không?

Linh Nhi

Có nên nói toạc ra quá khứ của mẹ chồng? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm