Có nên khuyến khích con làm việc nhà bằng cách thưởng tiền?

(Dân trí) - Tôi đi làm xa thường xuyên vắng nhà. Việc anh em, nhà cửa, con cái vì vậy chủ yếu đặt hết lên vai vợ. Lâu nay, việc dạy con cái tôi cũng không can thiệp sâu vì tôi nghĩ vợ ở nhà với con nhiều hơn, hiểu con nhiều hơn thì sẽ có những phương pháp dạy con hợp lý. Thế nhưng mấy hôm nay tôi và vợ đang căng thẳng vì vấn đề này.

Có nên khuyến khích con làm việc nhà bằng cách thưởng tiền? - 1

Vợ chồng tôi có hai đứa con trai, đứa lớn năm nay học lớp 2, đứa bé vừa tròn 4 tuổi. Dạo này về nhà tôi thấy cậu trai lớn rất chăm chỉ làm việc nhà, ăn xong biết phụ mẹ rửa bát, mẹ bảo lau nhà là đi xách nước cầm chổi lau ngay, quần áo giặt xong cũng biết lấy ra đem đi phơi. Nhìn con làm việc nhà, nghĩ không có bố ở nhà nên con phải làm việc sớm để đỡ đần mẹ, tôi vừa tự hào lại vừa thương con.

Chủ nhật vừa rồi tôi về nhà, thấy con đi lấy chổi lau nhà, tôi bảo “con ra ngoài chơi với các bạn đi, để đấy bố lau nhà cho”, tưởng con sẽ vui mừng, không ngờ nó không chịu. Nó bảo “con phải làm kiếm tiền để đến hè mua điện thoại thông minh”. Tôi ngơ ngác không hiểu con đang nói gì nên hỏi vợ. Vợ tôi bảo rằng hai mẹ con giao ước với nhau, mỗi khi cu cậu làm việc nhà mẹ sẽ thưởng tiền. Cụ thể, rửa bát mẹ trả tiền; phơi quần áo mẹ trả tiền; lau nhà mẹ trả tiền; thu dọn đồ chơi gọn gàng đúng chỗ mẹ trả tiền... Sau khi liệt kê một loạt các khoản tiền phải trả cho cu con, vợ tôi còn hí hửng khoe: Từ ngày áp dụng chính sách “có làm có thưởng” này cu cậu chăm chỉ hăng say làm việc nhà lắm anh ạ!

Nghe vợ nói tôi vô cùng hốt hoảng. Tôi không ngờ đó là cách vợ tôi dạy con làm việc nhà. Tôi nói “em làm vậy là làm hư con”. Nói qua nói lại hai vợ chồng cãi nhau khá căng thẳng. Cuối cùng vợ tôi vừa khóc vừa nói:

- Anh vắng nhà quanh năm suốt tháng, một mình em ở nhà một nách hai con, bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu chuyện phải lo. Làm không hết mới phải bảo con làm. Anh xem, con nhà người ta từng này tuổi ăn còn phải nịnh phải ép, phải đút từng thìa, còn con mình đã hì hụi rửa bát, lau nhà. Mình thưởng nó tiền, vừa là động viên, cũng là cách dạy con muốn có tiền thì phải lao động. Như vậy có gì là không tốt mà anh cáu bẳn, to tiếng?

- Anh biết là em ở nhà vất vả, cũng đồng ý với việc em khuyến khích con làm việc nhà. Nhưng con nó còn nhỏ, em phải dạy để con hiểu rằng là con cái thì phải biết giúp đỡ bố mẹ, nhỏ thì làm việc nhỏ, làm khi rảnh rỗi. Nếu cần có thể dùng các hình thức khen thưởng khác, chứ không phải em bỏ tiền ra để mua sức lao động của con. Bố mẹ nuôi con chẳng kể gì, con làm chút việc vặt lại lấy tiền của bố mẹ là không được. Làm vậy, riết rồi, làm gì con nó cũng quy đổi ra tiền. Em không cho nó tiền, nó sẽ không giúp đỡ em việc gì cả. Em xem lớn lên rồi nó cứ sống theo lối thực dụng ngay cả với bố mẹ mình như vậy thì có được không?

Đó là quan điểm của tôi, thế nhưng vợ tôi cứ một mực cho rằng cô ấy làm vậy không có gì sai cả. Cô ấy một hai cho rằng thưởng tiền cho con, một là khuyến khích động viên con, hai là dạy con biết muốn có tiền thì phải làm việc. Tiền mình bỏ sức ra mới kiếm được thì sẽ biết tiếc, biết tiết kiệm và không đòi mua lung tung nữa.

Cuối cùng vợ tôi nói cùn với tôi: “Anh ở nhà dùng lời mà dạy con làm việc nhà xem nó có chịu làm không?Trẻ con bây giờ nó khôn lắm. Dạy con biết kiếm tiền sớm cũng tốt, biết kiếm tiền mới biết tiêu tiền”. Đến nước này thì tôi cũng đến bó tay với suy nghĩ của vợ.

Tôi cũng biết dạy con mỗi người mỗi kiểu, mỗi người một quan niệm và phương pháp khác nhau. Đó cũng là một trong những nguyên nhân gây mâu thuẫn trong nhiều nội bộ gia đình. Vợ tôi cũng nói như vậy và cô ấy cho rằng mục đích cuối cùng mới là quan trọng: ấy là con chịu làm việc nhà.

Tôi cho rằng vợ tôi chỉ nhìn nghĩ đến cái trước mắt mà không lường trước được hậu quả lâu dài sau này, còn cho rằng tôi quá nguyên tắc, máy móc và không linh động. Chẳng lẽ nào tôi đã lo sợ quá xa?

B. G