Cố giữ chân chồng bằng cách sinh con

“Tôi đã nhầm tai hại khi nghĩ rằng nếu có con, anh ấy sẽ hay về nhà và quan tâm đến vợ hơn”, chị Hồng Minh, sống ở thị xã Tam Điệp, Ninh Bình, chua xót...

Cố giữ chân chồng bằng cách sinh con - 1
 
Cưới nhau đã ba năm, Minh chưa bao giờ hạnh phúc mặc dù Hùng là người đàn ông trong mơ mà chị tìm cách cưới bằng được.

 

Hồi đó Hùng đã có người yêu, một cô gái kém Minh cả về nhan sắc lẫn gu thẩm mỹ. Tin ở sự hấp dẫn của mình, Minh quyết chinh phục Hùng, và anh đã ngã vào giường cùng cô trong một lần đi chơi với nhóm bạn. Sau đó, với sức ép của hai bên gia đình, Hùng phải cưới Minh để đứa con trong bụng cô có cha. Nhưng rồi đứa bé không thể ra đời sau lần Minh ngã xe.

 

Hùng hay xung phong đi công tác xa, hoặc đi nhậu đến khuya, thậm chí qua đêm, khi về cũng không mặn mà với vợ. Tìm cách quyến rũ chồng không ăn thua, Minh đâm ra cáu bẳn, luôn tra hỏi, trách móc. Những trận cãi nhau xảy ra ngày càng thường xuyên, rồi Hùng tuyên bố: “Cả anh và em đều không muốn cuộc sống như thế này, có lẽ ly hôn là tốt nhất”. Không thể chấp nhận điều đó, Minh cố níu kéo.

 

Chị nghĩ nếu có con, niềm hạnh phúc làm cha sẽ giúp Hùng chí thú với gia đình và phát sinh tình cảm với vợ. Vì thế, Minh tìm cách có thai lần nữa. Em bé ra đời, Hùng thuê giúp việc phục vụ hai mẹ con, nhưng bản thân anh càng ít về hơn, lấy cớ “em đã có con để bầu bạn rồi”. Đến nay, Minh không còn hy vọng về tình yêu của chồng nữa. Nhưng nghĩ đến chuyện ly hôn để bắt đầu lại với một người khác, chị lại nghẹn ngào vì thương đứa con chưa đầy tuổi.

 

Khác với chuyện của Minh, vợ chồng chị Ngọc Bích ở Thanh Trì, Hà Nội, từng yêu nhau thắm thiết. Nhưng sau 7 năm chung sống, khi đứa con đầu đã 6 tuổi, chị cảm nhận rõ tình yêu đã nhạt đi rất nhiều. Rồi khi biết chồng có bồ, Bích đau xót bởi lấy nhau chưa lâu mà gia đình đã có nguy cơ tan vỡ, càng khổ tâm hơn khi thấy cảm xúc của mình không giống với sự ghen tuông.

 

Tuy nhiên, chị không tin mình đã hết yêu chồng, nghĩ chẳng qua sự lãng mạn mất đi do cuộc sống vất vả. Vì thế nên khi Khương hứa chấm dứt mối tình ngoài luồng kia, chị quyết định hâm nóng tình yêu bằng cách sinh thêm con. Khương đồng ý vì chính anh cũng hy vọng như vậy.

 

Quả thật đứa con thứ hai đã khiến họ gần nhau hơn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả Khương và Bích đều nhận ra tình cảm giữa họ giống sự cộng tác hơn là tình yêu. Nghe tin chồng lại có tình nhân, Bích không ghen nhưng thực sự khủng hoảng. Một mặt, chị muốn ly hôn để cả hai tìm tình yêu mới, mặt khác lại muốn giữ gia đình bởi với hai đứa con, cơ hội làm lại của chị không nhiều. 

 

Đứa con có thể thành gánh nặng

 

Sinh thêm con để níu kéo cuộc hôn nhân đã rạn nứt là một kiểu “cố đấm ăn xôi” mà không ít người áp dụng. Tuy nhiên, khả năng thành công lại rất ít. 

 

Đứa con chỉ có thể là mối dây hàn gắn nếu mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không nghiêm trọng, và điều quan trọng là dù ít hay nhiều, họ còn yêu nhau. Còn nếu những rạn nứt đã quá lớn, hoặc căn nguyên gây mâu thuẫn giữa hai người thuộc loại không thể giải quyết, đứa con sẽ không giúp bố mẹ xích lại gần nhau. Thậm chí, sự có mặt của đứa trẻ sẽ làm tăng sự vất vả, căng thẳng cho đôi vợ chồng, nhất là phụ nữ. Nó cũng có thể trở thành vật cản khi họ muốn ly hôn. Vì con, họ có thể vẫn tiếp tục chung sống khi tình cảm không còn, và không chỉ bố mẹ mà đứa bé cũng phải chịu khổ. 

 

“Nếu định sinh thêm con để tránh tan vỡ gia đình, bạn hãy nghĩ rằng, tại sao các gia đình khác có đủ con cái mà vẫn tan vỡ?”. Thay vì tạo ra một đứa trẻ, lúc này bạn nên suy xét kỹ đâu là nguyên nhân cuộc khủng hoảng của gia đình mình, và mình có khả năng giải quyết nguyên nhân đó không. Từ đó, bạn sẽ có quyết định đúng đắn là tiếp tục chung sống hay chia tay. 

 

Và việc chia tay nếu không tránh khỏi thì đứa con cũng sẽ không thực hiện được vai trò “kết nối” mà bố mẹ kỳ vọng khi sinh ra nó.

 

Theo Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm