Cô gái song tính và nỗi ám ảnh trận đòn của mẹ

Không chỉ bị kỳ thị, nhiều người đồng tính, song tính hiện nay đang bị chính những người thân trong gia đình hắt hủi, gây bạo lực. Thực trạng đáng buồn này, dù xảy ra từ lâu nhưng vẫn chưa có biện pháp nào để hỗ trợ giúp họ thoát khỏi bạo lực.

Bị chửi bới, xúc phạm, đánh đòn

N.T.T.H (25 tuổi, quê Hải Phòng) là cô gái đa tài. H từng ở trong đội tuyển bắn súng, võ thuật. Sau đó cô thi đại học, đậu khoa kế toán. Thế nhưng tình yêu với trẻ khiếm thính sau những lần đi gia sư khiến cô quyết định đi học lớp ngôn ngữ tay rồi rẽ sang nghề giáo. Dù là người đa tài, biết võ thuật, biết bắn súng thể thao, biết múa ba lê, chơi piano, làm đồ hanmade, dạy trẻ khiếm thính, phiên dịch… nhưng cuộc sống của H lại khá bi kịch.


T.T.T.H (trái) từng chịu nhiều trận đòn roi của chính mẹ cô. N.V.C.C

T.T.T.H (trái) từng chịu nhiều trận đòn roi của chính mẹ cô. N.V.C.C

Một nghiên cứu của CSAGA thực hiện trong năm 2016 trên 387 người đồng tính nữ và gia đình, bạn bè họ cho thấy, định kiến với đồng tính nữ vẫn rất nặng nề. Chỉ có 15,5% người được hỏi hiểu đúng về đồng tính; 15,6% người cho rằng họ sẽ ngăn cấm và phản đối khi biết con gái là người đồng tính; 4,2% tìm cách chữa trị cho con, 8,3% đánh đập về thể xác, 8,3% bắt lập gia đình hoặc chửi bới, đay nghiến…

H kể lại: “Lúc đầu khi nhận ra việc em là người song tính (yêu cả nam và nữ), em đã rất hoang mang. Một thời gian dài em bị rơi vào trạng thái thích hành hạ bản thân, nhiều lần tự cắt tay chảy máu để giải toả stress. Sau khi tìm hiểu trên mạng, em mới dần thấu hiểu bản thân rồi sống lạc quan, làm quen với các bạn đồng tính, song tính”.

T.H chia sẻ, những lần hoang mang, thấy lo sợ cô thường tâm sự với mẹ mong sự đồng cảm từ bà, thế nhưng thay vì giúp con gái vượt qua khủng hoảng, mẹ cô lại chửi bới, mắng nhiếc, thậm chí có lần còn đánh cô bầm tím hết người.

Vì vậy, những căng thẳng, stress ở H càng kéo dài. Những trận đòn của mẹ còn ám ảnh H tới tận bây giờ, dù bây giờ cô không còn sống chung với mẹ nữa.

“Lúc em chia sẻ mình là người song tính, mẹ em đã rất sốc. Bà càng sốc hơn khi thấy em yêu một người con gái. Nhiều lần bà đã không tiếc lời miệt thị, mắng chửi em. Không chỉ có mẹ, nhiều người trong họ hàng cũng ra sức phản đối mối tình của hai đứa em. Với mẹ, bà luôn cho rằng có mắng chửi, đánh đập thì mới nên người” - T.H kể lại.

Mới đây, lúc cô về nhà thắp hương nhân ngày giỗ bố, mẹ cô còn dùng những lời lẽ tục tĩu nhất để mắng cô. Bà mắng cô là loại bệnh hoạn, không lừa được con trai nên mới yêu một đứa con gái. Đã thế, bà rêu rao là cô yêu gái chỉ có tiệt nòi, không thể đẻ được...

T.H chia sẻ: “Những lúc bị mẹ mắng chửi, đánh đập như vậy, em cảm thấy uất nghẹn, cảm thấy tủi hổ, lúc đầu cũng chỉ muốn kết thúc cuộc đời cho song. Đến bây giờ dù đã gần chục năm trôi đi kể từ ngày em nhận ra giới tính thật và sống chung như vợ chồng với một chuyển giới nam (nữ chuyển giới thành nam), mẹ vẫn chưa thể tha thứ chấp nhận cho điều này”.

Cô gái song tính và nỗi ám ảnh trận đòn của mẹ - 2

Cũng như T.H, “chồng” cô - N.T.N.B là nữ chuyển giới nam cũng bị mọi người trong gia đình kỳ thị. B cho biết, dù bố mẹ đẻ rất thương, chúc phúc hai đứa nhưng anh chị ruột và anh em trong họ hàng vẫn không thể chấp nhận việc hai cô gái yêu nhau và sống chung như vợ chồng. Vì thế, dù không bạo lực thể xác nhưng B cũng thường xuyên gặp phải sự kỳ thị, bạo lực tinh thần mỗi khi về gia đình có công việc.

Dễ rơi vào bi kịch nếu bị bạo lực

Bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ dân số cho rằng, trường hợp của B và T.H không phải là trường hợp cá biệt. Khi gặp bạo lực gia đình, người đồng tính dễ rơi vào trầm cảm, sống khép kín. Nhiều em bỏ học giữa chừng, bỏ nhà đi lang thang và dễ sa vào tệ nạn xã hội, phạm tội, có em tự tử, có em làm nghề mại dâm hoặc hành xác bản thân.

Trước đó, trong một nghiên cứu năm 2012 với 2.000 đồng tính nữ của Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội, môi trường trong phát triển ISee cho thấy, 54% đồng tính nữ bị gia đình phản đối yêu nữ; 46,6% bị ép lấy chồng; 22% bị mắng mỏ, xúc phạm; 19% bị theo dõi, quản lý; 11,5% bị nhờ thầy lang, bác sĩ “chữa bệnh”; 8,2% bị nhờ thầy cúng “đuổi con ma nam” đi; 10,3% bị đánh; 11% bị từ mặt, đuổi đi…

Tình trạng này đối với những người chuyển giới từ nữ sang nam (lộ về mặt hình thức) còn nặng nề hơn rất nhiều với 64% bị phản đối, 55,6% bị ép lấy chồng; 18% bị nhờ thầy lang, bác sĩ; 14,5% bị từ mặt, đuổi đi…

Để bảo vệ người đồng tính khỏi bạo lực gia đình, bà Hoàng Tú Anh cho rằng cần có điều luật riêng, can thiệp riêng thì mới hiểu đúng và giúp đúng. Hiện nay luật pháp ở nước ta, đặc biệt là Luật Phòng chống bạo lực gia đình chỉ dành cho 2 giới nam và nữ mà không dành cho một số giới thiểu số còn lại (đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới, song tính) nên phần đa trong số này vẫn bị bạo lực gia đình.

Về giải pháp hạn chế bạo lực, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA) cho rằng đồng tính là một xu hướng tình dục có sẵn trong gen, không thể thay đổi. Vì thế, theo bà, phải có cách ứng xử khác. “Các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, tìm hiểu thông tin một cách chính xác, khoa học rồi mới có cách trò chuyện, chia sẻ hay hành động can thiệp vào cuộc sống của con. Nếu miệt thị, hắt hủi có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc” - bà Vân Anh cảnh báo.

Theo Thùy Anh
Dân Việt