Cô gái ấy có nên lấy chồng?

Chủ nhật tuần này khá đặc biệt. Thanh Tâm cùng nhóm bạn gái thân tổ chức đi chơi tại địa điểm cách thành phố vài chục cây số. Lâu rồi, nhóm bạn gái thân thiết từ thời cấp 3 của Thanh Tâm mới “dám” tách hoàn toàn khỏi chồng con, bếp núc để trở lại thời con gái vô tư.

Trời đã vào thu nên khí hậu vùng trung du mát mẻ tuyệt vời. Thanh Tâm khoan khoái thả tầm mắt giữa màu xanh ngút ngàn. Đang lúc vô cùng thư giãn thì chuông điện thoại reo.

Cô gái điện thoại cho Thanh Tâm sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc. Khi còn bé, cô đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ thường xuyên cãi cọ và hầu như không nhận được sự chăm chút của bố mẹ. Năm 12 tuổi, trong một lần đi học thêm, cô nhìn thấy bố mình chở một phụ nữ trẻ vào khách sạn. Theo phản xạ, cô định chạy về báo ngay cho mẹ nhưng đã kịp kìm nén, để hôm sau nói chuyện với bố. 

Cô gái ấy có nên lấy chồng?




Trái với suy nghĩ của cô, ông bố không hề tỏ ra hối hận mà còn mắng cô thậm tệ, đe cô là ông sẽ “không để yên” nếu cô không giữ được bí mật. Cuộc sống bình thường của cô bé bỗng chốc nhuốm màu địa ngục. Cô không thể nào tập trung học hành trong cả mấy tháng sau đó. Họp phụ huynh, thấy kết quả học tập của con gái sa sút, lại đúng lúc mẹ đi công tác xa nhà mấy tháng, bố phạt không cho cô ăn cơm tối mấy hôm liền. Hình ảnh người cha trong cô đã rơi xuống đáy thảm hại. Cô sống lặng lẽ như một cái bóng suốt cả thời thiếu nữ của mình. May mà cô còn là người ham đọc sách và những cuốn sách mách bảo cho cô biết rằng, muốn có một cuộc sống tốt đẹp thì có rất nhiều cách nhưng cách mà cô có thể làm được dễ nhất là học thật tốt.

Rồi cô thi đỗ đại học, kiếm được việc làm thêm đủ để trang trải chi phí cho một cuộc sống căn cơ. Bề ngoài, cuộc sống của cô như thế là tạm ổn nhưng sâu thẳm trong lòng, cô biết mình không phải là người phụ nữ bình thường. Cô chưa từng có một cảm xúc đặc biệt với đàn ông nhưng lại có cảm giác nhớ nhung một cô bạn cùng học cấp 3. Khi ra trường, mỗi đứa học một nơi, cô thấy mình thực sự có nhu cầu quan tâm đến cuộc sống hiện tại của cô ấy.

Cô gái tha thiết hỏi Thanh Tâm: Như vậy, có phải cháu là les (đồng tính nữ) hay không? Nếu chưa từng có cảm xúc với người khác giới thì có nên lấy chồng hay không? Cô còn nói thêm rằng, qua sách báo, cô được biết có những người sinh ra mang giới tính thứ ba nhưng vẫn cố gắng để lập gia đình, cuối cùng đều không có hạnh phúc, thậm chí rơi vào bi kịch.

Thanh Tâm phân tích cho cô gái hiểu rằng nếu les do “giời sinh” thì có lẽ đành chấp nhận. Nhưng ở trong hoàn cảnh cụ thể của cô thì khả năng đó là hậu quả của những chấn động tâm lý. Có thể, từ những ấn tượng xấu xí về người cha mà cô đâm ra ác cảm với cả “nửa phần còn lại của thế giới”. Bên cạnh đó, dường như cô không có sự quan tâm của người mẹ để có thể cân bằng tâm lý. Với trường hợp của cô thì có lẽ, chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân mình. Chính cô chứ không ai khác, sẽ là người “thử” để xác nhận đúng giới tính của mình.

Thanh Tâm khuyên cô hãy thử kết bạn với một vài bạn trai tốt xung quanh, cố gắng chơi với nhau thật đúng nghĩa bạn bè, hoàn toàn vô tư. Trong quá trình giao lưu, biết đâu cô sẽ nhận ra đàn ông không đáng ghét như mình nghĩ. Thanh Tâm tin rằng, sau một thời gian, cô sẽ bật cười với những ý nghĩ về giới tính ngày hôm nay của mình.

Theo Tổng đài Tư vấn Thanh Tâm
Phụ nữ Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm