Chuyện "vứt xe ngoài vỉa hè không khoá"

(Dân trí) - Trong thời buổi hội nhập, chuyện chị em đi lao động nước ngoài để cải thiện kinh tế gia đình không còn hiếm nhưng liệu có thoát nghèo hay lại như "vứt xe ngoài vỉa hè không khóa”.

Những nỗi lo mơ hồ

 

Một thực tế là phụ nữ ăn tiêu tằn tiện hơn đàn ông nên trong thời gian đi nước ngoài thường sẽ tích bóp được nhiều hơn. Thế nhưng những người đàn ông ở nhà cũng đứng trước một núi những lo lắng khi vắng bóng bàn tay chăm sóc của người phụ nữ.

 

Đàn ông dù có đảm đang đến đâu cũng không thể quan tâm đến chuyện ăn uống, quần áo, tình cảm của con cái chu đáo như người phụ nữ. Những bữa ăn thất thường, khi là cơm bụi, khi là mì tôm, nhà cửa bề bộn, quần áo nhếch nhác…  là những thực tế mà không chỉ con cái mà chính những ông bố cũng gặp phải khi vợ vắng nhà. Đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ làm bố và làm mẹ là một sứ mệnh không dễ với bất kỳ người đàn ông nào.

 

Song mối lo lớn nhất trong lòng đàn ông là nguy cơ “mất vợ”. Phụ nữ là người giàu tình cảm và mềm yếu. Trong hoàn cảnh xa quê hương, xa gia đình, trong nỗi nhớ nhung và cô đơn xâm chiếm, họ rất cần một chỗ để chia sẻ, một chỗ dựa trong cuộc sống xứ người. Lúc ấy những người đồng cảnh ngộ gặp nhau…và chuyện “mất vợ” không khó xảy ra.

 

Cũng có ông chồng lo lắng khi vợ mình bước sang một cuộc sống sung túc hơn, khi cuộc sống nơi đất khách phồn hoa khác hẳn nơi quê nhà sẽ dễ làm con người ta cảm thấy choáng ngợp, suy nghĩ tình cảm cũng dễ mà đổi thay. Người ta không còn muốn quay về với cuộc sống bần hàn nheo nhóc trước kia. Và người chồng phải đối mặt với việc “một đi không trở lại” của các bà vợ.

 

Lại có những người suy nghĩ xa xôi hơn. Có thể người vợ đi chịu thương chịu khó, tằn tiện mong sớm có ngày trở về với chồng con, sớm cải thiện kinh tế gia đình. Nhưng còn các ông chồng ở nhà sống trong cảnh vắng vợ lâu ngày, họ tin vào người vợ đoan chính đấy nhưng ai dám chắc họ không “xảy chân” xa ngã. Hạnh phúc gia đình cũng rất đỗi mong manh.

 

Những nỗi buồn nhìn thấy

 

Người làng huyện Thanh Oai - Hà Tây không ai không biết chuyện cô Hải sau ba năm làm Osin ở Đài Loan về tuy xây được nhà cao đẹp nhất làng nhưng mặt lúc nào cũng buồn bã bởi cô con gái độc nhất của chị dù cho có khuyên bảo thế nào cũng nhất định không gọi chị là mẹ.

 

Gia đình anh chị xuất thân từ nông dân, cuộc sống lúc nào cũng phải tằn tiện. Không cam chịu mãi cảnh nghèo chị bàn với anh đi làm ôsin xứ người, anh ở nhà trông nom ruộng nương, chăm sóc con cái. Chị cũng yên tâm hơn vì bên anh còn có ông bà nội ngoại giúp đỡ. Đứa bé xa mẹ từ khi một tuổi nên trong tiềm thức của nó chỉ có bố và bà. Sự trở về đường đột của chị làm nó ngỡ ngàng. Bé nhất định không gọi chị là mẹ, không cho chị động vào người. Chị chỉ còn biết nằm bên con khi nó ngủ mà tủi thân khóc thầm.

 

Chuyện gia đình anh Bảng, chị Mai - Bắc Ninh cũng làm cho mọi người phải suy nghĩ. Sau mấy 4 năm lao động tại Malayxia trở về, kinh tế gia đình khấm khá lên trông thấy. Không những sửa sang được nhà cửa, chị còn mở được một cửa hàng tạp hóa to nhất huyện. Chuyện làm ăn của anh chị ngày một thuận lợi. Mọi chuyện sẽ vô cùng yên ấm nếu như không có chuyện con anh phải vào bệnh viện cấp cứu và cần tiếp máu. Nhận kết quả xét nghiệm, cả hai vợ chồng choáng váng khi biết mình nhiễm HIV. Họ nhìn nhau bàng hoàng không biết lỗi tại ai?

 

Đau lòng hơn chuyện gia đình chị Thơm - Hưng Yên. Chị Thơm cũng theo chân chị em trong xã đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Mấy tháng sau không chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt ở Nga chị bỏ dở hợp đồng trở về quê hương. Gánh nặng do vay nợ làm thủ tục xuất ngoại như “quả tạ” bên hông, gia đình anh chị chưa có cách nào để trả. Tám tháng sau ,chị sinh ra một đứa trẻ mà màu da thứ tóc có đến bảy tám đời nhà anh không có….

 

Lao động nước ngoài kinh tế gia đình có cơ hội được cải thiện hơn. Đó là một sự thật không ai phủ nhận. Tuy nhiên người phụ nữ ra nước ngoài làm kinh tế, phó thác vai trò, thiên chức của mình đã tạo ra một lỗ hổng không ai dễ thay thế. Một sự tính toán thiệt hơn sẽ giúp cho gia đình tránh được sự “trật đường ray” một cách đáng tiếc!


Lan Tường