Chuyện trai nuôi vợ đẻ

Bàn đến chuyện này, các ông thường xua tay, “chuyện vặt, có gì mà nói. Vợ có công đẻ, chồng có công… chạy tới, chạy lui. Tụi tui chỉ đóng vai phụ thôi, chạy vô xem mặt đứa nhỏ, phòng lúc nó lớn, nó hỏi... khi đó ba ở đâu?”.

 
Chuyện trai nuôi vợ đẻ


Mà các ông cũng khiêm tốn thật, vợ con mình mình nuôi, nói ra mang tiếng kể công. Đến các bệnh viên phụ sản, thấy các anh túm tụm với nhau thân thiết lắm. Hỏi ra, mới biết chả ai quen biết ai, cùng cảnh chờ vợ đẻ họ bỗng trở thành chiến hữu của nhau. Thế nhưng, họ toàn bàn chuyện thể thao, thời sự… lâu lâu mới nghe được vài câu có liên quan: Ông con so, hay đứa thứ hai; Ủa, ông thích con gái hả, tui có con trai, cũng mong con gái… Cũng lạ, họ ít hỏi đến “vợ ông thế nào?”.

 

Các bà lại khác. Sanh đẻ nằm yên một chỗ, nhưng ông xã hoạt động ra sao, biết hết. Có bà, sanh cách đây 5 năm, vẫn nhớ ông xã chăm nuôi mình thế nào. Chị Lê Ngọc Mỹ, một nhân viên ngành du lịch, cho biết: “Ổng có hao, chứ không có gầy mòn. Hao là hao tiền. Tự nhiên, ổng siêng hẳn, bác sĩ, y tá bảo mẹ em bé cần cái gì, là ổng chạy vèo đi mua liền. Hóa ra, ổng có “quỹ đen”. Nghĩ cũng thương chồng, mua sắm toàn đồ xịn, từ cái bô, cái thau tắm con… Mình sanh lần đầu, bao nhiêu khoản tiền phát sinh, không biết trước được, ông xã chi hết, vui vẻ, còn bồi dưỡng sộp cho các cô điều dưỡng… Vui trong bụng, mà cũng lo, ông xã dám “nhím” tiền riêng, lập quỹ đen, không công khai tài chính. Khi hỏi, lão chống chế: “Thì cũng để lo gia đình, như lúc vợ sanh nằm một chỗ, không lẽ theo hỏi tiền đâu, phải có tiền ngay chứ”. Nghe có lý, nhưng mình chỉ sanh hai lần, chẳng lẽ lại mong vào bệnh viện mổ xẻ gì đó, để móc được quỹ đen của chồng sao…”.

  

Còn chị Nguyễn Thị Tánh, giáo viên cấp 1, mới sanh được hai tháng lại hơi nghẹn ngào khi nhắc đến chồng. Chị nhỏ giọng tâm sự với mấy người bạn đến thăm: “Ổng đang giặt đồ, má ổng biết la chết, bởi vậy ổng giấu, bảo là thuê người giúp việc. Nhưng thật ra, thu nhập của hai vợ chồng đâu có bao nhiêu nên ổng xung phong làm hết việc nhà, còn tự đi chợ, vào bếp làm thức ăn bồi dưỡng cho vợ, cũng là để có sữa cho con. Nói thiệt, thấy chồng vậy cũng mừng, và cũng đầy nhiệt tình ăn mấy thứ ảnh nấu, ngán khủng khiếp mà không dám chê. Như món giò heo nấu với đậu đen, đậu ra đậu, heo ra heo… hai mỏi cả hàm mà ngày nào cũng ăn. Trời! Không ăn thì đói, mà ăn thì… phải tưởng tượng ra món khác mới nuốt nổi. Nghĩ thương chồng quá, ảnh đâu dám ăn, để dành cho vợ, nên nào có biết món ngon dở ra sao…”. Chị nói thêm: “Thật ra ổng cũng có nhiều thói hư tật xấu như lười tắm, hút thuốc, mê gái, nhậu nè… nhưng công nuôi vợ đẻ cũng gỡ được phần nào. Bởi vậy, cũng đang lo, hổng lẻ tôi đẻ hoài để ông chồng có cơ hội “lập công, chuộc tội”.

 

Còn chị Lê Thị Quỳnh, một kế toán viên, lại có trải nghiệm khác. Chị mới sinh được ba tháng, sinh đôi, hai thằng con trai. Mừng húm! Không chỉ vì “mẹ tròn, con vuông”, mà vì vừa thoát được cảnh “Món gì mẹ nó cũng phải ăn… đôi” theo “sáng kiến” của ông xã. Ông xã chị cứ nghĩ rằng, sinh đôi thì gì cũng phải đôi. Anh đi mua quần áo, là cứ phải hai cái giống nhau, hai bình sữa y chang nhau, cái xe đẩy đôi, cái nôi đôi…Theo đó, ngay từ lúc siêu âm phát hiện song thai, chị phải ăn một lúc từ hai cái trứng đến hai con gà… Đương nhiên, chị không thể ăn hết, và người trợ giúp là ông xã. Vì thế, ông xã chị tăng cân nhanh. Vợ vừa xẹp bụng, thì cũng là lúc bụng chồng to ra. Vợ bắt chồng tập thể dục bằng cách bế một thằng con đi vòng vòng, vợ bế một đứa. Ông chồng ham chơi, bỗng nhiên mê con nít. Chị nhận ra một chân lý: “Đàn ông thấy đứa nhỏ đỏ hỏn chẳng có cảm xúc gì đâu, chỉ đến khi chăm sóc nó, nựng nịu nó, tình cảm cha con mới trỗi dậy”. Việc chị đẻ sinh đôi cũng là lúc tạo cơ hội cho chồng thức cùng vợ con, chứ một mình chị xoay sở sao kịp. Thế mà, có lúc chị thấy anh vừa bế con, vừa ngủ gục, thằng nhỏ sém rớt xuống đất, chị phải sắm cái đây buộc nó vào bụng bố nó.

 

Nhiều ông bảo rằng (hổng biết thiệt không) ghen tỵ với phụ nữ khi không được… sinh đẻ. Mấy ông “đổ thừa” tạo hóa không ưu ái đàn ông, không cho đàn ông thiên chức. Thôi đành phải nuôi vợ đẻ để cũng có công lao với… vợ con!

 

Theo PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm