Chuyện tình vượt khói lửa chiến tranh của cựu chiến binh và cô hàng xóm

Huyền Anh

(Dân trí) - Tại "Tình trăm năm" tập 106, vợ chồng ông Nguyễn Cự và bà Phạm Thị Phương xúc động kể lại chuyện tình sắt son vượt quãng thời gian nhiều đau đớn, khó khăn của chiến tranh khiến nhiều người xúc động.

Ông bà là hàng xóm nên từ nhỏ đã thường xuyên chơi đùa cùng nhau. Năm 18 tuổi, ông nhập ngũ, đến năm 27 tuổi, được gia đình mai mối, ông mới từ quân ngũ trở về đi xem mắt để tiến tới hôn nhân.

Ông Cự (72 tuổi) hài hước kể về lần đầu gặp lại cô em hàng xóm sau nhiều năm xa nhà: "Bước đầu nhìn là đã có cảm tình rồi, không ngờ cô Phương ngày xưa nay càng đẹp ra, sau đó có trao đổi chuyện trò với nhau một lúc thôi. Nhưng mà cái sự tìm hiểu của chúng tôi đúng phong cách, đúng hoàn cảnh của người lính: Chớp nhoáng, đánh nhanh rút gọn. Gia đình đặt vấn đề với nhà trường, cho cô nghỉ phép về nhà để lo tổ chức đám cưới".

Trong hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, cả hai không có thời gian gặp gỡ hẹn hò, thậm chí chưa từng nắm tay nhau và tiến tới hôn nhân khi chưa có tình yêu. Nhưng bà Phương (67 tuổi) bảo: "Ngày xưa thích bộ đội, thấy ông ấy cũng đẹp trai nên mê luôn".

Chuyện tình vượt khói lửa chiến tranh của cựu chiến binh và cô hàng xóm - 1

Bà Phương chờ đợi chồng đi kháng chiến biền biệt 6 năm, luôn nuôi hy vọng ngày ông trở về (Ảnh từ chương trình "Tình Trăm Năm").

Sau khi kết hôn, ông bà chỉ có 2 tháng sống đời vợ chồng, rồi ông lại lên đường tham gia kháng chiến. Trước ngày ông đi, bà khóc mấy đêm liền ướt đẫm chiếc khăn mùi xoa. Nghe đến đây, MC Quyền Linh xúc động nói rằng: "Tội phụ nữ thời ấy, cứ lấy chồng xong là chồng đi biền biệt, lúc đó chiến tranh mà, đi cũng chưa biết ngày về, mà không biết có về hay không".

Lần tham gia kháng chiến này, ông đi biền biệt tận 6 năm trời. Trong suốt khoảng thời gian xa cách ấy, bà Phương vẫn một lòng nghĩ về chồng nơi phương xa, chưa từng hối hận, oán trách mà luôn nuôi hy vọng ngày ông trở về. 

Năm 1980 ông bà mới có được đứa con đầu lòng khi ông chuyển công tác về TPHCM. Bồi hồi nhớ lại từng mẩu chuyện khó khăn vào thời bao cấp, ông Cự nghẹn ngào vừa thương con, vừa xót xa cho vợ: "Lúc đi Campuchia về, con trai lớn kể lại với tôi: Bố ơi, lúc bố đi vắng, ở nhà mẹ cho con ăn toàn tép khô, rặm cả mồm".

Bà Phương cũng xúc động không kém: "Thời đó đâu có gạo, lương chỉ có mấy chục đồng, có cơm thì nhường cho con, đi làm về ăn mấy củ khoai chứ có cơm đâu mà ăn. Nhiều khi cũng tủi thân, người ta có vợ có chồng no đủ, chồng mình lại suốt ngày đi xa, con thì bé. Mình vừa thương con, cũng lại thương cả chồng rồi thương bản thân mình luôn".

Hòa bình lập lại ông bà mới có thể cùng nắm tay nhau đi suốt những năm còn lại của cuộc đời. Trên sóng "Tình trăm năm", ông Cự mượn những vần thơ để thể hiện tình cảm của mình qua bài thơ "Vợ tôi" mà ông đã ấp ủ và đem theo suốt bao năm chinh chiến.

Chuyện tình vượt khói lửa chiến tranh của cựu chiến binh và cô hàng xóm - 2

Ông Cự mượn những vần thơ để thể hiện tình cảm của mình với vợ (Ảnh từ chương trình "Tình Trăm Năm").

Chuyện tình của ông bà là câu chuyện tình đơn giản nhưng đầy hy sinh và mãnh liệt của những đôi vợ chồng thời chiến, của những tình cảm gia đình đã đi qua khói lửa chiến tranh được tôi luyện dần trở nên sắt son. Câu chuyện ấy tiếp thêm niềm tin cho thế hệ trẻ vào những giá trị vĩnh hằng.