Chuyện những người hiến… tinh binh
Vào bệnh viện Phụ sản tôi đã mục sở thị cái ngân hàng tinh trùng mà đối với nhiều người hãy còn rất lạ lẫm.
Phòng cho tinh trùng tôi cảm giác sạch sẽ đến vô trùng. Trước mặt tôi là những chiếc lọ nhỏ đậy nắp màu đỏ, được đánh dấu cẩn thận. Vị bác sĩ đang ghi chép sổ sách bảo: “Mẫu tinh trùng của nam giới đựng trong này. Chúng tôi sẽ lấy một lượng vừa đủ để tiến hành kiểm tra và xét nghiệm. Nếu kết quả tốt, sẽ cho vào thực hiện phương pháp đông tinh”. Không quá phức tạp như tôi hình dung, phương pháp đông tinh được thực hiện ngay trong chiếc thùng nhỏ có nắp đậy, màu trắng.
Sau khi tinh trùng đủ tiêu chuẩn “lưu hành”, sẽ được cho vào “két sắt”. “Két sắt” thực ra là một chiếc thùng tròn chuyên dụng có thể lưu giữ trong thời gian 50 năm. Và khi có khách hàng gõ cửa ngân hàng tinh trùng, “két sắt” được mở ra đưa “con giống” đi “gieo hạt”. Nhưng ở ngân hàng tinh trùng hiện nay, “đầu vào” đang rất ít, trong khi “đầu ra” thì “mênh mông”.
Câu chuyện của những tình nguyện viên
Rất ít người chịu hiến tinh trùng và vì thế khó khăn lắm tôi mới tiếp cận được một người đàn ông tình nguyện đến bệnh viện phụ sản để cho “con giống”. Trong một quán café nằm trên ngõ vắng, người đàn ông đề nghị được giấu tên này đã kể cho tôi nghe hành trình đi hiến tinh binh:
Tôi nảy ra ý định đi hiến tinh trùng khi chứng kiến vợ chồng một người bạn hiếm muộn vào bệnh viện xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm nhưng bác sĩ bảo phải xếp hàng chờ, ngân hàng đã hết tinh trùng.
Tôi nghĩ mình đang khỏe mạnh, tại sao không đi hiến tinh trùng để “góp vốn” cho “ngân hàng”. Thế là tôi thuyết phục bà xã đồng ý cho tôi đi. Mới đầu vợ tôi phản đối quyết liệt vì nghĩ đây là một việc bệnh hoạn, và cho tinh trùng là cho trực tiếp với người nhận. Rồi sau này đứa con tìm về nhận bố sẽ ra sao? Tôi phải vất vả thuyết phục, in nhiều tài liệu liên quan về cho bà xã đọc, cuối cùng bà xã cũng gật đầu. Dẫu biết, đó là tài sản riêng của tôi, và tôi “toàn quyền sử dụng”, nhưng tôi nghĩ đi hiến tinh trùng là việc tốt, nên không muốn phải lén lút giấu vợ.
Tôi vào bệnh viện được hướng dẫn làm xét nghiệm máu. Sau khi có kết quả, tôi được dẫn đi lấy tinh trùng. Đi dọc hành lang và đến một căn phòng có đông kẻ ra người vào. Tôi được phát một cái ống nhựa vô trùng và được hướng dẫn cách lấy tinh trùng. Tôi tưởng người ta sẽ lấy tinh trùng bằng phương pháp hiện đại nhưng hóa ra lại rất thủ công, phải tự lấy tinh trùng bằng tay, tức là... thủ dâm.
Kể đến đây, người đàn ông có vẻ ngượng, anh nhấp một ngụm café, nói tiếp:
Tôi ngồi ở ghế đợi và thấy vài người đàn ông cũng cầm cái ống nhựa như mình. Có người nét mặt căng thẳng, cứ đi lại dọc hành lang liên tục như thể đang chờ vợ đẻ ở bên trong. Có người bình thản, giở báo ra đọc. Tôi thấy cánh cửa mở, một người đàn ông bước ra, cái ống nhựa trên tay đã đầy. Một thanh niên bước vào. 10 phút, 15 phút - 30 phút vẫn không thấy anh chàng ra. Đến 45 phút, anh chàng mới ra khỏi cánh cửa, áo sơmi đã bỏ ngoài quần, nụ cười méo xệch: “Em không sao cho ra được”. Thôi coi như hết 45 phút, nghỉ hiệp một.
Đến lượt tôi bước vào căn phòng nhỏ, có một chiếc bàn và một chiếc ghế, bồn tiểu đứng, trên tường treo ảnh đôi nam nữ trong tư thế “mát mẻ”. Mồ hôi tôi toát ra ướt đẫm cả áo. Tôi chưa bao giờ quen làm việc này. 5 phút rồi 10 phút trôi qua, tôi hình dung ra cảnh mình thất bại đi ra cửa trong tiếng cười của các “đồng nghiệp”. Nhưng rồi, cuối cùng thì tôi cũng đã làm xong cái việc cần làm.
Tinh trùng của tôi được đưa đi xét nghiệm HIV, viêm gan, giang mai, đặc biệt là xét nghiệm nhiễm sắc thể. Khi tôi quay lại, bác sĩ báo tin tinh trùng của tôi đủ điều kiện để nạp vào “két sắt” ngân hàng. Tuy nhiên, 3 tháng sau, tôi còn phải quay lại thử máu để đảm bảo chắc chắn mình không có HIV.
Người đàn ông cười bảo: “Chuyện đi hiến “tinh binh” chỉ có thế, sau đó tôi hoàn toàn không biết tinh trùng của mình gửi trong ngân hàng sẽ cho ai “mượn”. Nhưng khi nghe tin vợ chồng người bạn đã sinh một cháu bé bụ bẫm nhờ nguồn “vốn” của ngân hàng tinh trùng, tôi thực sự thấy vui vì mình đã làm một việc ý nghĩa.
Cái cảnh kẻ ra người vào ở phòng hiến “tinh binh” mà người đàn ông vừa kể khiến cho tôi có cảm giác, ngân hàng tinh trùng đang rất dồi dào. Nhưng thực tế ngân hàng tinh trùng hiện nay đang rất “kẹt” vốn. Bác sĩ Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc bệnh viện phụ sản TW cho biết bộ phận lưu trữ tinh trùng của bệnh viện hiện vẫn chưa thực sự thực hiện chức năng của một ngân hàng, nghĩa là có người cho và người nhận, mà chỉ là nơi khách hàng gửi tinh trùng vào bảo quản để dùng cho chính mình. Nguyên nhân chủ yếu là không có người hiến.
Khi ngân hàng tinh trùng “bí” đầu vào
Bác sĩ Tiến tâm sự: “Việc bí “đầu vào” cho ngân hàng tinh trùng khiến cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh muốn xin tinh trùng để thụ tinh ống nghiệm phải xếp hàng chờ đợi. Tôi nghĩ bao giờ hiến tinh trùng phải như hiến máu nhân đạo thì vấn đề này mới được giải quyết. Người dân chưa thực sự nghe và nghĩ nhiều đến việc hiến tinh trùng. Trong khi đó, các bác sĩ vẫn chưa nghĩ ra cách vận động hiến tinh trùng nào thực sự hiệu quả”.
Ngay ở cổng bệnh viện C, khi tôi đề cập tới vấn đề hiến tinh trùng, Thế Hùng, một chàng trai đang đưa vợ đi khám thai, nói ngay: “Máu thì tôi có thể hiến, nhưng tinh trùng thì không, chẳng lẽ con mình lại để người khác nuôi? Sau này ra đường đâm xe, không khéo lại con đánh bố”.
Bác sĩ Tiến nói với tôi: “Có những lúc bí quá, bệnh viện phải vào các đơn vị bộ đội đặt vấn đề xin tinh trùng”.
Ông bảo: “Đây là một việc cần sự khéo léo. Cùng cánh đàn ông với nhau nói chuyện dễ hơn. Ban đầu là thủ thỉ mong họ cảm thông với những cặp vợ chồng hiếm muộn, kể cho họ nghe cuộc sống gia đình của những đôi vợ chồng không sinh được con bất hạnh như thế nào... rồi sau đó ngỏ ý xin, âu cũng là việc làm từ thiện”.
Ông kể: “Không ít người khi nghe tôi đặt vấn đề cứ tưởng là tôi nói đùa. Nói chung, tỉ lệ người cho ít lắm”.
Có lẽ vì ngân hàng tinh trùng “eo hẹp” vốn như thế, nên khâu “đầu vào” cũng không đặt nặng vấn đề học vấn của người đi hiến “con giống”, chỉ cần tối thiểu tốt nghiệp THCS. Các ngân hàng tinh trùng đang “kẹt” vốn, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ phá sản bởi vì đây chắc chắn là loại ngân hàng duy nhất trên thế giới này không hoạt động vì lợi nhuận. Thứ lợi nhuận mà nó đem đến còn trên cả tiền, ấy là những đứa trẻ khỏe mạnh, ấy là những niềm vui được làm bố, làm mẹ của biết bao nhiêu cặp vợ chồng hiếm muộn.
Theo Gia đình trẻ