Chuyện kể từ phòng khám Nam khoa

Có một bất ngờ tại phòng khám Nam khoa, là khoảng 10% các ông chồng đến điều trị vì vợ sử dụng ngôn ngữ “khủng bố”, khiến các ông tắt ngúm lửa lòng...

Chuyện kể từ phòng khám Nam khoa - 1


 

Tủi phận

 

Anh Hùng đến phòng khám vì cả tháng qua anh lâm cảnh “lực bất tòng tâm”. Cứ nghe vợ lên giọng là ngọn lửa tình trong anh như bị dội nước lạnh.

 

Anh kể: “Có một lần, tôi đi làm về mệt, cơ quan lại sắp thanh tra nhưng vợ cứ anh ơi, anh hỡi nhắc nhở “trả bài”. Cố chiều vợ, xong cô ấy buông một câu khiến tôi lạnh cả cột sống: “Sao mau quá vậy?”. Những lần sau vợ tiếp tục: “Xong rồi hả?”. Cú cuối cùng hạ “nốc ao” tôi là: “Dạo này anh yếu quá”.

 

Từ đó, tôi chưa “lên giọng” đã cảm thấy sức lực tiêu tan. Tôi đã cố ngủ đủ tám giờ/ngày, ăn các thức ăn có chứa nhiều đạm như thịt dê, hải sản và kể cả pín dê... nhưng chẳng ăn thua gì. Vì thế, tôi trốn nhiệm vụ luôn cho đỡ ngại. Nhưng nào có trốn được!”.

 

Cũng bị thái độ của vợ khiến mình “làm ăn” ngày càng sa sút, anh Trung tâm sự với bác sĩ (BS): “Tôi thấy mình không bị bệnh gì hết, bằng chứng là gặp những người phụ nữ khác, tôi vẫn có cảm xúc như thường. Thế nhưng, với người vợ mà mình bao năm theo đuổi mới cưới được thì “đàn em” lại án binh bất động. Vừa mới khởi đầu, cô ấy đã có thái độ cho tôi biết là mọi nỗ lực của tôi chỉ... làm phiền cô ấy mà thôi”.

 

Anh Tuấn “được” vợ hộ tống đến phòng khám. Cô vợ vào gặp BS trước, trình bày tường tận về tình hình bỏ “nhiệm sở” của chồng. Trao đổi với anh Tuấn, BS lại ngỡ ngàng khi anh phủ nhận tất cả: “Tôi có bệnh gì đâu! Cô ấy bệnh tưởng thì có. Suốt ngày càm ràm than thở, chê bai đủ điều khiến tôi mệt cầm canh. Thái độ đó thật khó chịu. Trong nhà lúc nào cô ấy cũng như đại tướng. Việc gì cũng giành làm, kể cả sửa điện, ống nước. Chỉ cần mọi việc chậm trễ một chút là cô ấy giành làm, rồi than khổ. Dần dần tôi “đình công” luôn cho cổ biết thân...”.

 

Mãi đến khi sắp bước lên xe hoa lần thứ ba trong đời, anh Hoàng mới tìm đến phòng khám Nam khoa. Anh kể: “Hai lần đầu tôi bị vợ bỏ chỉ vì “mần” hoài mà không có con. Ngặt một điều, các cô vừa chia tay tôi xong lấy chồng khác là ốm nghén liền. Tôi rất khổ tâm vì không biết chữa ở đâu nên đành chịu cảnh hẩm hiu. Nay biết rồi, tôi phải đi chữa cho hết bệnh rồi mới dám cưới người ta”.

 

Một bệnh nhân khác - anh Tùng lại “xin” BS tăng kích cỡ cho “đàn em”. Anh than: “Vợ tôi chê của tôi nhỏ quá! Sau lần chê bai này, mỗi lần lâm trận là cô lại thở dài đánh sượt”. Nhưng, khi BS yêu cầu anh đưa vợ tới để tư vấn thì anh lại đưa đến... cô bồ nhí!

 

Không bị vợ chê nhưng vẫn trở thành bệnh nhân là trường hợp anh Dũng - một doanh nhân. Giàu có nên anh yêu cầu vợ nghỉ làm. Chị ở nhà chỉ quanh quẩn ngày hai bữa cơm, đưa đón con đi học, rảnh rang lại lo đứng lo ngồi anh bị mấy cô nàng “móng tím” bỏ bùa mê. Thế là chị bỏ tiền ra “tút” lại nhan sắc, thoạt đầu chỉ là học trang điểm cho mặn mà hơn, sắm quần áo hàng hiệu để chồng nhờ vợ mà sang.

 

Khi không còn gì để “tân trang”, cô vợ trẻ bèn nâng kích cỡ vòng một cho có vẻ “núi lửa”, dù trước đó cô đã thuộc loại “núi đồi trùng điệp”. Sau chuyến đi công tác Hàn Quốc một tháng về, thấy vợ mình có vòng một “vĩ đại” quá, anh Dũng sinh nghi, đến khi nhìn cận cảnh, anh bị sốc, “đàn em” án binh bất động.

 

Anh phân trần với BS: “Tôi không biết làm sao bây giờ. Cảm giác của tôi mỗi lần gần vợ như gần người lạ! Bắt vợ chịu đau để bỏ “núi lửa” ra thì không nỡ mà gần vợ cũng không xong. Thôi thì xin BS giúp tôi vượt qua nỗi khổ “của lạ” này!”.

 

Hãy “hát lời tình yêu”

 

Với đàn ông, lời khen tiếng chê của vợ đóng vai trò rất quan trọng, có thể là “xăng dầu” thổi bùng ngọn lửa yêu thương nhưng cũng có thể là nước lạnh dập tắt mọi đam mê, bởi “chuyện ấy” chỉ hành động được khi có sự ra lệnh của hệ thần kinh.

 

Với đa số đàn ông, khi rơi vào tình huống “trên bảo dưới không nghe”, họ luôn có cảm giác xấu hổ, thất bại và tự đánh giá mình không phải là một người đàn ông thực sự. Sự hoang mang, lo lắng đó dần làm thay đổi thái độ và cách hành xử của họ. Để thành công trong điều trị, rất cần sự hợp tác từ người vợ. Sự quan tâm chăm sóc, lời nói ngọt ngào trìu mến của vợ là liều thuốc hiệu quả điều trị cho bệnh lạc phách, lạc tấu trong “hát song ca”.

 

Nhiều anh chồng rất ngại phải đi khám vì cho rằng đây là bệnh khó nói, ít ai chịu thổ lộ hoàn cảnh của mình, dù là với BS! Thế nhưng, theo  các nhà khoa học, nam giới ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể rơi vào tình trạng yếu sinh lý tạm thời.

 

Có khoảng 152 triệu đàn ông trên thế giới bị bệnh rối loạn cương dương (ED). Vì vậy, khi có bệnh hãy đi khám vì đây là bệnh không của riêng ai. Bệnh tuy không nguy hiểm, không gây tử vong, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống tinh thần và đe dọa hạnh phúc gia đình. Hiện nay, kết quả điều trị các trường hợp xuất tinh sớm và yếu sinh lý rất khả quan.

 

BS Nguyễn Thành Như - Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân TPHCM, tổng kết: “Trong nhiều trường hợp, sau khi điều trị, sẽ kéo dài được thời gian “hát song ca” lên gấp đôi so với trước khi điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị này không thể giúp bệnh nhân vượt qua được tổn thương về tâm lý”. Với những trường hợp bệnh nhân luôn có suy nghĩ bi quan, cho rằng mình không thể thực thi “nhiệm vụ”, thì phải chuyển sang điều trị tâm lý.

 

Bên cạnh lời nói, thái độ của vợ, còn có nhiều nguyên nhân khiến các ông chồng không  thể “hát lời tình yêu” như: Làm việc mệt mỏi, căng thẳng, thường xuyên thức khuya, rối loạn tiết tố sinh dục nam, tiểu đường... Do đó, khi phát hiện chồng có vẻ... yếu, các bà vợ nên khuyên chồng đi khám tổng quát để tìm nguyên nhân. Nếu có bệnh trầm cảm, tiểu đường, nên điều trị sớm, vì đây là những bệnh gây ảnh hưởng đến “chuyện ấy”.

 

Riêng với chuyện tăng “kích cỡ”, đơn vị Nam học chỉ điều trị kéo dài dương vật cho những trường hợp bị tai nạn làm ngắn mất “bảo bối”. Với những trường hợp “đứng núi này trông núi nọ” thì không điều trị vì đương sự không có bệnh. Theo các BS có kinh nghiệm về Nam khoa, khả năng của “đàn em” không phụ thuộc vào kích thước to hay nhỏ mà phụ thuộc vào độ cứng và thời gian.

 

 

Theo Phương Nam

Phụ Nữ