Chuyện đau lòng từ hôn lễ của những hình nhân thế mạng

Câu chuyện nghe tưởng hoang đường nhưng lại đang trở thành vấn nạn nhức nhối, khi mà sự ngu muội vì mê tín dị đoan vẫn còn khá phổ biến ở nhiều vùng quê.

 
Chuyện đau lòng từ hôn lễ của những hình nhân thế mạng - 1

Hình minh họa.

Bà Tâm (quê ở Bắc Giang) có cậu con trai bị tai nạn giao thông mất từ năm 18 tuổi. Ngày ấy cả gia đình bà vật vã trong đau đớn nhiều tháng trời vì tiếc thương cậu quý tử nối dõi tông đường nổi tiếng đẹp trai, hào hoa, học giỏi nhưng lại đoản mệnh. Nỗi đau ấy cứ dai dẳng khiến cho bà gầy sọp đi, khuôn mặt lúc nào cũng rầu rĩ vì nhớ thương con.

 

Thời gian đầu người thân cũng lo bà không gượng dậy được vì suốt ngày ôm ảnh con khóc lóc, nằm bẹp trong buồng. Thế nhưng nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, bà vẫn phải quên đi để sống, để tiếp tục gánh vác trách nhiệm dâu trưởng bên họ nhà chồng.

 

Vài năm trôi qua, khi nỗi đau mất con đã vơi đi phần nào, vợ chồng bà lại phải sống trong tủi nhục vì những lời dị nghị, những câu chuyện nói ra nói vào của anh em họ hàng rằng ông bà không làm tròn bổn phận với tổ tiên. Cực chẳng đã, bà bàn với chồng tìm cách nhóm lại “ngọn lửa” tình yêu ở cái tuổi ngoài 50 với hy vọng có thằng cu để “rửa tội” với tổ tiên.

 

Từ đấy bà phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi tìm các loại thuốc quý, các loại nhân sâm, thảo mộc bổ dưỡng cho “chuyện ấy”, dù đắt cũng cố mua về tẩm bổ cho chồng. Hễ nghe ai mách ở đâu có thầy cúng, pháp sư giỏi trong chuyện giúp vợ chồng hiếm muộn đạt được ước nguyện có con là bà cũng cất công tìm đến.

 

Thế nhưng hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn. Buồn chán, mệt mỏi, nhiều đêm bà trốn chồng xuống bếp ngồi khóc một mình, thương cho số phận tủi nhục của mình vừa mất con lại vừa mang tiếng bất hiếu với tổ tiên, bị họ hàng nhà chồng dèm pha, dè bỉu.

 

Thế rồi bỗng một ngày, cô em chồng đòi anh em họ hàng tổ chức một cuộc họp. Cô bảo nghe mấy chị em ngoài chợ mách ở Hải Phòng có vị pháp sư rất giỏi trong chuyện làm pháp, yểm bùa, trừ ma... thế là cô và mấy bà bạn đã rủ nhau tìm đến để giải quyết những khúc mắc trong gia đình.

 

Khi nghe cô trình bày ước nguyện của dòng họ thì ông này phán có cách rất hiệu nghiệm nhưng gia đình phải chịu tốn kém và làm theo mọi chỉ dẫn của ông. Để tăng tính thuyết phục ông còn nói câu chuyện mà chị kể không phải hiếm, rất nhiều người đã tìm đến điện thờ của ông và được ông giúp đỡ hoàn thành ước nguyện.

 

Theo lời “vị pháp sư”, gia đình bà Tâm phải tìm một cô gái chết trẻ để tổ chức đám cưới cho cậu con trai đoản mệnh của mình. Ngày cưới phải có cô dâu, chú rể đầy đủ được làm bằng các hình nhân thế mạng. Mọi thủ tục từ dạm ngõ, ăn hỏi, lễ vật đều phải tổ chức như đám cưới người trần. Nếu không làm tươm tất, người âm quở trách thì gia đình sẽ gặp nhiều vận hạn... Hãi hùng khi nghe cô em chồng kể chuyện, bà Tâm bỏ cuộc họp chạy về úp mặt vào chăn khóc nức nở.

 

Bà không ngờ cuộc đời bà được gả vào ngôi nhà, dòng họ có danh giá, kinh tế khá giả, có địa vị vì được làm dâu trưởng mà bây giờ lại phải chịu cảnh oan nghiệt này. Thế nhưng trước sức ép của người thân, nỗi dằn vặt của chồng, bà đành cắn răng, muối mặt đi vay mượn tiền hỏi vợ cho cậu con trai đang nằm nơi chín suối.

 

Nghe người ta mách ở xã bên có cô con gái mất sớm vì bệnh máu trắng, bà Tâm liền tìm đến thưa chuyện. Nhà cô gái lúc đầu không hiểu, tưởng bà bị tâm thần nên xua đuổi. Sau nhiều lần như thế, cứ hễ thấy mặt bà là người ta liền đóng cổng không cho vào. Những món quà giá trị bà mang đến đều bị họ ném ra đường vì cho rằng bà mang đen đủi đến gia đình họ. Cuối cùng họ hàng nhà bà Tâm phải chi vài chục triệu để rước vị pháp sư kia về “làm phép” với mong muốn “nhà gái” ưng thuận làm lễ cưới cho đôi trẻ.

 

Nhà gái sau khi thấy vị pháp sư múa may, nhảy nhót rồi nghe ông vừa phán, vừa hù dọa thì run sợ và miễn cưỡng chấp nhận gả linh hồn cô con gái út của mình cho nhà trai. Đám cưới được tổ chức khá linh đình, có sự chứng kiến của quan viên hai họ, có cô dâu, chú rể được làm bằng các hình nhân thế mạng. Sau lễ thành hôn, mọi quà biếu, của hồi môn, lễ vật, thậm chí cả “đôi uyên ương” đều được đốt cho người âm.

 

Lễ cưới cho con trai diễn ra đã gần một năm mà “phép thuật” vẫn chưa hiệu nghiệm. Lúc này biết là mình đã bị lừa, lại thấy vợ mất ăn, mất ngủ, ngày đêm mong ngóng, hy vọng thì chồng bà Tâm mới thú thật mọi chuyện và xin vợ tha thứ.

 

Có một bí mật mà ông vẫn giấu bà và người thân nhiều năm nay. Đó là khi sinh thằng con trai duy nhất, bà bị nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng không kiểm soát được nên phải cắt bỏ tử cung và không thể có con được nữa. Nhưng vì lo sức khỏe của bà, vì sợ bà mặc cảm với bệnh tật ảnh hưởng đến điều trị nên ông quyết định việc này chỉ một mình ông biết.

 

Thế nhưng trước sức ép của họ mạc phải tiếp tục có con để nối dõi tông đường thì ông lại mơ hồ, hoang mang làm theo chỉ dẫn của những kẻ buôn thần bán thánh. Bây giờ, khi đã trải qua nhiều sóng gió, gia đình ông quyết định sống hạnh phúc, ngẩng mặt với đời, tu chí làm ăn trả nợ, vì có như thế, vợ chồng ông mới không phải một lần nữa mắc tội với tổ tiên.

 

Sinh lão, bệnh, tử là quy luật ở đời. Bởi thế sợi dây liên kết giữa hai thế giới âm dương cần được người đời giữ trong tâm. Nếu như ta quá mê tín mà làm những chuyện động trời để cầu mong hạnh phúc, cầu mong tiền bạc thì thật hoang đường. Cuộc sống chỉ thật sự hạnh phúc khi người ta biết cố gắng, biết yêu thương và quan tâm chăm sóc lẫn nhau mà thôi.

 

Theo Đang Yêu