Chữ “Nhẫn” trong hôn nhân

(Dân trí) - Rất nhiều những đôi, khi yêu nhau thì quyết có nhau nhưng chỉ một thời gian ngắn chung sống đã “tan đàn xẻ nghé”. Phần nhiều là vì thiếu chữ “Nhẫn” trong ứng xử gia đình.

Chữ “Nhẫn” trong hôn nhân gia đình được hiểu theo nhiều nghĩa và ít nhiều đều mang ý nghĩa tiêu cực. Vì vậy, trước hết phải khẳng định rõ rằng: Nhẫn không phải là nhục, không phải là cam chịu, luồn cúi hay hạ thấp mình. Nhẫn là “vì nhau” mà sống mà hành động.

 

Có tình yêu thì mới cưới nhau. Nhưng hôn nhân không chỉ đơn giản là màu hồng, giữ gìn hạnh phúc hôn nhân cần thật nhiều hy sinh và tha thứ nữa bởi đâu có ai hoàn hảo. Bỏ qua những giận hờn vụn vặt, nhỏ nhặt chính là để bảo vệ cái hạnh phúc của mình thì chắc chắn là việc đáng phải làm.

 

Nhẫn không chỉ là chịu đựng mà là tha thứ. Nhờ có Từ, Bi, Hỷ, Xả mà ta có được Nhẫn một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Bởi thế, Nhẫn còn là thuốc đối trị sân hận, làm chủ được bản thân. Nhờ kiên nhẫn, độ lượng mà bớt được cái tính nóng nảy chỉ làm hỏng việc, mất hòa khí với người xung quanh và đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng.

 

Nếu người chồng có tính trăng hoa khó bỏ mà người vợ lại "làm cho ra nhẽ", cho thiên hạ thấy rõ "cái bộ mặt của anh", để khỏi ấm ức thiệt thòi thì khi hết giận, hết hờn... cũng là lúc gia đình "tan đàn xẻ nghé"... Lúc đó, hỏi ai là người chiến thắng? 

 

Nhưng nếu cũng người chồng ấy mà người vợ kiên trì, chịu đựng, con cái không biết, gia đình vẫn ấm êm... rồi tìm cách kéo chồng về, "lạt mềm buộc chặt" như chuyên tâm hơn vào gia đình, nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ hơn, con lớn khỏe, học hành tấn tới rồi kiên quyết và cứng rắn trong quản lý kinh tế (từ tiền nong, xe, nhà, tất cả đều đứng tên vợ)…  thì chẳng khác nào phương thuốc hữu hiệu, người chồng sẽ dần dần suy nghĩ lại, bớt tính lẳng lơ, chuyên chú vào làm ăn và chăm lo cho gia đình nhiều hơn.

 

Thiết nghĩ, hôn nhân có nền tảng từ tình yêu, lại có thêm chữ “Nhẫn” thì không có khó khăn hay trở ngại nào là không thể vượt qua.

 

Trình Anh