Chữ “hiếu” biết sao cho tròn

Đặng Thị Thu Hường

(Dân trí) - Cô em họ tôi sáng nay gọi điện khóc lóc. Câu chuyện của em thì cứ nghe hoài nghe mãi nhưng chẳng có cách nào giải quyết.

Chữ “hiếu” biết sao cho tròn - 1

Câu chuyện của em thì cứ nghe hoài nghe mãi nhưng chẳng có cách nào giải quyết. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Em sinh ra trong một gia đình khá giả, dưới em còn một em trai. Từ bé em đã luôn luôn nghe lời bố mẹ, còn em trai em thì ngỗ ngược. Nhưng bố mẹ em thì một phần vì thiên vị con trai, một phần vì luôn bị phản kháng nên với con trai, thái độ luôn mềm mỏng.

Nhưng với em, thì dù luôn ngoan ngoãn vâng lời, đổi lại lại luôn nhận được sự quản lý khắt khe. Đến khi em đã có gia đình, bố mẹ vẫn luôn can thiệp quá sâu vào cuộc sống gia đình nhỏ của em. Từ chuyện mua sắm thiết bị trong nhà, đến việc chi tiêu, bất kể việc gì, mẹ em cũng xắn tay can thiệp. Hễ chuyện trái ý là bà khó chịu mắng nhiếc, thậm chí chửi bới, không chỉ một lần, sẽ nhắc đi nhắc lại điều khó chịu đó ngày này qua ngày khác.

Chồng em là người yêu thương vợ và có khả năng nhẫn nhịn cao. Anh cũng biết nỗi khổ tâm vợ chịu đựng bao năm nay nên không vì thế mà dằn hắt vợ. Tuy nhiên dù chưa từng cằn nhằn trách cứ nhưng cuộc sống ngột ngạt khiến anh không tránh khỏi những tiếng thở dài mệt mỏi. Không nói ra nhưng hai vợ chồng đều cảm thấy đang phải chịu đựng một điều rất tệ. Thời gian gần đây, chồng em chuyển công tác xa nhà, em buồn lắm. Biết là chồng đi làm xa, tránh tiếp xúc với mẹ vợ, như thế cũng là một chuyện tốt nhưng cuộc sống vợ chồng xa cách, em cũng chưa dám nghĩ tới những hệ lụy sau này.

Em chỉ biết khóc vì cảm thấy bế tắc nhưng lại không biết phải làm thế nào. Phản kháng một lần thì sợ bố mẹ sẽ không chịu nổi cú sốc vì đã bao năm em chưa từng trái lời, không phản kháng thì em biết cuộc sống gia đình chẳng có mấy ngày thật sự bình yên.  

Câu chuyện của em thật ra cũng không phải là hiếm gặp trong xã hội bây giờ. Người lớn chúng ta thường mong các em bé ngoan ngoãn nghe lời ông bà cha mẹ. Học sinh đi học cũng vâng lời thầy cô. Tóm lại, cứ trẻ con thì phải vâng lời người lớn, gọi dạ bảo vâng là một minh chứng cho sự ngoan ngoãn khiến người lớn hài lòng.

Nhưng sự giáo dục như thế đã lấy đi những suy nghĩ độc lập, khả năng thể hiện bản thân. Có những bạn trẻ không từng dám bộc bạch thể hiện suy nghĩ cá nhân mình, dù là với bố mẹ, vì luôn sợ bố mẹ không đồng ý.

Có những bố mẹ trước điều mình cho là tốt cho con, chưa từng hỏi con có muốn làm điều đó không. Họ chưa từng nghĩ, lo cho con và áp đặt con mọi chuyện chính là tước đi quyền tự do, quyền được suy nghĩ và khả năng quyết đoán của con trong mọi chuyện. Suy nghĩ sai lầm dẫn đến cách giáo dục áp đặt tạo nên những đứa trẻ thụ động, không có chính kiến.

Không phải luôn ngoan ngoãn nghe lời đồng nghĩa tròn chữ hiếu. Những đứa con học thi trường nào do bố mẹ, đi làm công việc nào do bố mẹ, thậm chí kết hôn với ai do bố mẹ thực chất là những cậu ấm cô chiêu có lớn mà không chịu trưởng thành. Cứ tưởng báo hiếu bố mẹ là luôn nghe lời nhưng không từng nghĩ chính sự ỷ lại đã trút lên vai bố mẹ một gánh nặng.

Cái mệt mỏi được ngụy biện trong một cái vỏ yêu thương, đó là sự hãnh diện của bố mẹ vì luôn lo lắng chu đáo cho con. Con trì trệ thiếu quyết đoán nhưng lại tưởng đang làm tròn chữ hiếu.

Hiếu thuận với cha mẹ không phải đơn giản chỉ là vâng lời. Hiếu thuận với cha mẹ phải là biết sống tốt cuộc đời mình, tự mình có khả năng quyết định mọi việc, không tự biến mình thành gánh nặng cho cha mẹ. Bố mẹ đã vất vả lo lắng chăm sóc ta lúc ta còn nhỏ, đủ tuổi trưởng thành hãy nhấc gánh nặng ấy khỏi đôi vai họ, tự sống cuộc đời của mình để bố mẹ được an yên hưởng thú vui tuổi già, ấy mới là chữ “hiếu”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm