Chồng tôi đi ở rể

(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học, anh tạm biệt gia đình, tự thân vận động đi tìm việc, bươn trải cuộc sống bước đầu đầy gian khó. Và anh đã gặp tôi. Dường như là số phận, chúng tôi yêu nhau. “Đất lành chim đậu”, tình yêu của tôi đã giữ chân anh lại nơi này.

Gia đình hai bên đều không muốn chúng tôi đến với nhau, vì sợ “mất con”. Nhưng rồi bố mẹ cũng tôn trọng quyết định của con cái.
 
Chồng tôi đi ở rể - 1


 

Chúng tôi lấy nhau hai bàn tay trắng. Cả hai bên gia đình đều khó khăn nên chẳng giúp được gì. Một năm sau ngày cưới, con gái tôi chào đời. Sự có mặt của con, những tiếng khóc, tiếng cười của con đã xua tan bao nỗi cực nhọc, lo toan.

 

Nhưng chúng tôi không dám né tránh thực tế, đó là vấn đề kinh tế. Vợ chồng viên chức nhà nước, lương ba cọc ba đồng, nhà cửa chưa có phải đi ở trọ, trong một tháng nào tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước... Vợ chồng son thì tạm đủ nếu biết chi tiêu. Nhưng có con thì đúng là khó khăn quá. 

 

Vợ chồng tôi quyết định đưa con về nhà ngoại. Tôi biết chồng tôi đã phải suy nghĩ và tự đấu tranh nhiều. Phần tôi cũng lo lắng, sợ gia đình va chạm...

 

Từ ngày chúng tôi về, hàng xóm nhiều bà “quan tâm”: “Ôi dào, cháu bà nội tội bà ngoại”, “Tưởng gả con gái đi lấy chồng thiên hạ là sướng, ai dè...”. Lời tiếng đó khiến mẹ tôi chạnh lòng. Nhưng thương con, thương cháu, bà vẫn vui vẻ, cố gắng chăm sóc cháu ngoại chu đáo để con cái yên tâm làm ăn, tích cóp.  Bà bảo, “ với bố mẹ, con nào cũng là con, cháu nào cũng quý, bố mẹ không phân biệt dâu là con, rể là khách”. Điều này cũng một phần an ủi chàng con rể của bà.

 

Về phía chồng tôi, anh sống rất biết trước biết sau. Biết bà ngoại ở nhà trông cháu vất vả, mỗi khi đi làm về anh hồ hởi hỏi han bà, quan tâm đúng lúc mỗi lần bà ốm đau, mua hết nhân sâm lại đến linh chi....với mong muốn “bà chịu khó ăn uống giữ sức khoẻ còn trông cháu giúp vợ chồng con”. Mẹ tôi thì xót ruột “mấy trăm hộp thuốc chứ ít à, để mẹ mua được mấy cân thịt ăn cả tuần”. Nói vậy nhưng bà rất cảm động tấm lòng con rể.     

 

Ngày nào cũng vậy, cơm nước xong, chồng tôi lại giặt một chậu quần áo cho cả nhà. Mẹ tôi và đứa em gái ngại với anh, cứ tranh phần làm, nhưng anh không đồng ý. “Cả ngày mẹ trông cháu vất vả rồi, cứ để con. Còn dì tập trung vào mà ôn, cố gắng thi lớp chuyên”. Bố mẹ tôi rất hài lòng về chàng rể. Ông bà vẫn thường bảo: “Trên đời có chồng mày là một”.

 

Đối với tôi, đó là niềm vui, niềm tự hào có anh làm chồng. Và tôi rất yên tâm để con ở nhà ngoại, để chồng đi ở rể.

 

Bông SuKa