Chồng ơi, vợ... đẻ!

Chuyện kể rằng mấy chục năm trước, có ông chồng được vợ phái đi đón bà đỡ, ông đi biệt cả tháng mới ló mặt về.

“Ông cậu của tui đó chớ ai, lúc mợ của tui đẻ, kêu ổng đi rước bà đỡ, ông lẳng lặng đi một nước, cả tháng mới vác mặt về. Mợ tui thấy ổng liền xách chổi chà rượt ổng chạy có cờ…”, cô Mười Hai ngồi kể chuyện xưa với những người đang canh người thân sinh tại khu chờ tin bệnh viện Phụ sản Hùng Vương.
 
Chồng ơi, vợ... đẻ!  - 1
Chồng luôn bên vợ lúc mang thai và sinh con không còn là cảnh hiếm.

 

Bỗng một anh chàng cao ráo, mặt mày bặm trợn từ trong hớt hải chạy ra nói với cô Mười Hai: “Vợ con nó cứ đòi ăn, bác sĩ bảo phải chờ xì hơi mới ăn được. Má vào nói nó đi…”.

 

Nghe vậy, cô Mười Hai te te đứng dậy: “Mấy bà, mấy ông chờ tui tí, tui vào giải vây giùm thằng rể của tui”. Mọi người cười rân.  Một tiếng sau, nghĩa là đã hơn 10 giờ 30 tối, khu chờ tin vẫn ồn ào, tấp nập. Nhiều ông rối rít gọi điện về nhà báo tin. 

 

Một cô gái trên lầu tất tả đi xuống, oang oang nói: “Anh Năm ơi, bả đẻ rồi, ba ký tư”. Nghe thế, một người đàn ông đang ngồi cùng nhóm đàn ông trong góc sảnh, bật dậy, lột áo thun, huơ huơ trên đầu giống như khi cầu thủ đá bóng sút vào khung thành. 

 

Rồi anh ta vừa chạy vòng vòng vừa la: “Vợ tui đẻ rồi, vợ tui đẻ rồi, bà con ơi…”. Cả đám đông tỉnh ngủ, tiếng cười nói, chúc mừng náo động cả khu chờ tin. 

 

Vợ đẻ chồng cũng rặn theo

 

Sáng sớm, xuống căn-tin mua đồ, tôi tình cờ quen được anh Lê Minh Nhật, 35 tuổi, kinh doanh gas, quê ở Long An. Anh đang chăm vợ đẻ ở đây. Vợ anh đăng ký dịch vụ sinh gia đình nên anh được chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh vợ chuyển dạ.

 

“Mỗi lúc vợ oằn oại với cơn đau đẻ, tự nhiên mình cũng nhăn mặt, nhíu mày, mắc cười lắm nhe chị”. Anh còn tình nguyện đưa tay cho vợ cắn để… đỡ đau. Lúc tử cung của vợ  anh nở được 7 phân, bác sĩ đưa chị lên bàn sinh ở sát bên trong. Lúc bác sĩ thao tác giúp vợ rặn đẻ, anh Nhật đưa tay bấu chặt mép ghế, thì thầm đếm “1…2…2…rặn”.

 

Thỉnh thoảng, cơ mép anh giật giật theo những tiếng thở phì phò, rên rỉ của chị. Càng về sau, mồ hôi càng túa trên gương mặt, anh phải đưa tay lên, chùi lấy chùi để. Lúc đứa bé đỏ hỏn được đưa ra ngoài an toàn, nhìn con oe oe trên tay bác sĩ, nước mắt ông bố cứ tuôn ra còn miệng cười không ngớt. 

 

Anh Nhật tâm sự: “Mừng cho mẹ con nó mẹ tròn con vuông. Vợ tôi sinh lần đầu nên hai đứa đều run. Tôi có một người bà con, sinh xong rồi đi luôn do bị “làm băng”. Tôi lo cho vợ tôi quá”. “Lúc đầu, bác sĩ bảo vợ tôi chắc phải mổ do thai ngược. Sau đó, bác sĩ khám, hội chẩn lại rồi cho sinh thường. Tôi run lắm”.

 

“May mà bác sĩ mát tay. Vợ tôi tuy nhỏ người mà “phi thường” ghê. Chỉ hít ra thở vào vài bận đã rặn ra con”. Anh còn bỏ nhỏ: “Lúc thấy bác sĩ đưa mấy dụng cụ sáng quắc vô người bả, tự nhiên tôi thấy đau giùm vợ. Không chỉ vậy, lúc bác sĩ xách chân vỗ cho em bé khóc như xách chân gà, tôi cứ sợ nó rớt”. Anh Nhật chẳng phải người đàn ông đầu tiên được chứng kiến vợ mình trong cơn đau chuyển dạ. Xã hội ngày càng phát triển, chuyện đàn ông đưa vợ đi đẻ, lo lắng cho vợ con đã hết sức bình thường. 

 

Không còn phải “đi biển” một mình

 

Nếu như trước đây, các bà vợ thường hay ca cẩm: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình” thì nay, chuyện các đức lang quân “xông pha trận mạc” đã trở nên phổ biến hơn. 

 

Có gặp gỡ các ông đi nuôi vợ đẻ mới thấy được nỗi lòng và tình yêu của họ dành cho người bạn đời của mình. Tối ngày 2-12-2008, khu chờ tin của bệnh viện Từ Dũ, TPHCM, đông nghịt người. Tôi lân la làm quen với một người đàn ông ngoài 30, tóc tai bơ phờ đang ngồi xổm trên gờ xi măng, rít thuốc liên tục. 

 

Anh cho biết mình là chủ một hiệu thuốc Đông y ở quận 5. Quá trình chăm vợ của anh trần ai hơn nhiều quý ông khác. Vợ anh bị thiếu ối, phải vào bệnh viện nằm theo dõi hơn nửa tháng trước khi sinh. Chị nằm viện bao ngày, anh “đóng đô, ăn dầm nằm dề” ở đây bằng ấy thời gian. Bác sĩ, hộ lý, ai cũng nhẵn mặt anh. 

 

Anh là người ít tin chuyện cúng bái, vậy mà tối nào cũng ra ngôi miếu thờ Phật bà trong khuôn viên bệnh viện để thắp nhang, cầu cho vợ sinh mẹ tròn con vuông. Không chỉ có anh, những người đàn ông khác tôi gặp cũng “tâm tư” không kém. Quên ăn, thiếu ngủ nhưng hễ thấy bóng bác sĩ, hộ lý là họ lại nhấp nhổm, lo lắng. 

 

Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực làm chồng, làm cha trong những thời điểm này dường như vượt ngưỡng chịu đựng của phần lớn các ông. Những căng thẳng suốt thời gian vợ mang thai của các ông chồng không chỉ vì lo lắng chuyện vợ sinh nở, họ còn chịu áp lực từ những toan tính về mặt tài chính gia đình, tương lai đứa con. 

 

Khi vợ chuẩn bị sinh, những ông chồng càng trở nên bấn loạn, lóng ngóng, vụng về hơn. Không làm chủ được hành vi, nhiều khi họ bực mình với cả bản thân. Khó ngủ, hay giật mình, đổ mồ hôi là trạng thái thường thấy ở các ông bố tương lai. Dù căng thẳng nhưng khi vợ vào phòng chuẩn bị sinh, ít quý ông nào chịu ngồi dưới phòng chờ mà rối rít đi tới đi lui như gà mắc đẻ. 

 

Chồng chăm vợ - phép nhiệm màu

 

Với tâm lý “vượt cạn vì chồng”, sản phụ nào cũng cần đến sự quan tâm đặc biệt từ ông xã. Thế nhưng, không phải quý ông nào cũng có thể chấp nhận việc thay băng cho vợ, giặt tã vệ sinh cho con. Nhiều người làm trong tâm trạng bị ép buộc hoặc sợ mang tiếng là vô tâm. Có những ông vào bệnh viện cho đầy đủ nghĩa vụ, còn các khoản săn sóc phó mặc cho chị em phụ nữ nhà vợ hay nhà mình. 

 

Phóng viên vờ “lên án” chuyện này với một chị cũng đi nuôi đẻ. Ngạc nhiên thay, chị lại biện hộ giúp họ: “Em đừng vội trách các ông. Những chuyện như thế không thuộc bản năng của họ. Vợ vượt cạn một chặng, nhưng họ vượt ải đến ba, bốn bận. Chuyện đưa vợ đi đẻ là đã vượt quá sức tưởng tượng của họ. Chặng tiếp theo là nuôi vợ càng khiến nhiều đấng nam nhi khóc không thành tiếng”.

 

“Do vậy, những ông có thể chăm cho vợ từng miếng ăn, giấc ngủ,  thay tã cho con cái không chỉ là thần tượng trong mắt các bà mà còn là chuyện rất rất phi thường trước các đấng mày râu khác”. Chị nói chẳng ngoa. 

 

Vào các buổi trưa hay buổi chiều, ngoài hành lang ở các bệnh viện phụ sản xuất hiện không ít các ông tay xách nách mang. Nào là cà-mên, bình thủy, tã lót, băng vệ sinh… Một ông tưởng tôi cũng đi nuôi người nhà liền níu tay: “Cô có biết cái bô dẹt dẹt người ta bán ở đâu không? Vợ tôi sinh mổ, không đi được…”.

 

Việc phải làm, phải mua những thứ không thuộc lĩnh vực của mình đã gây ra không ít chuyện “bé cái lầm” của cánh mày râu. 

 

Chuyện của anh Hoàng Hải, ngụ tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh, TPHCM, chăm vợ đẻ ở khoa Sản A, bệnh viện Từ Dũ, là một ví dụ. Tối đầu tiên trông vợ, thấy chị máu me ướt đẫm, anh Hải lo lắng tưởng vợ bị băng huyết. 

 

Anh chạy gọi bác sĩ: “Bác sĩ ơi, cứu vợ tôi với…!”. Đến khi chị nhờ đi mua giúp bịch băng vệ sinh, anh chàng lớ ngớ cầm về túi bông gòn to “tổ chảng”. Chị cáu tiết, gắt um. 

 

Vất vả thế, nhưng các “anh hùng” vẫn xắn tay chăm vợ. Nhiều ông còn cẩn thận giặt từng cái váy đẫm máu cho vợ, chiếc tã đầy phân xu của con. Đó chính là hành động giúp họ thắt chặt tình nghĩa vợ chồng. Một bác sĩ sản khoa cho biết: “Tôi luôn khuyến khích việc chồng nuôi vợ, dù các ông khá vụng về. Với phụ nữ, đó là liều thuốc tốt nhất sau những đau đớn họ chịu đựng”.

 

“Nhiều phụ nữ phải sinh mổ, đau đến độ không dám đứng dậy, nhưng khi nhìn thấy chồng vất vả, họ cố đi để đỡ đần chồng. Tình yêu là phép nhiệm màu trong những lúc khó khăn như thế…”.

 

Ai bảo đàn ông thường vô tâm

 

Cuộc sống vợ chồng có nhiều cột mốc khác nhau. Mỗi cột mốc là một bước để họ nhìn lại mối quan hệ của mình. Sinh con là một trong những cột mốc quan trọng nhất. 

 

Trong hôn nhân, vì những lý do khách quan, người đàn ông có thể lơ là, ít quan tâm đến vợ, nhưng, sau khi chứng kiến cảnh đau đớn, vất vả vượt cạn, không ít người cảm thấy mình có lỗi với vợ. Quyết tâm chăm sóc vợ thật tốt là một điều chân thật và ý nghĩa của họ dành cho vợ. 

 

Ba ngày cùng các ông đi nuôi vợ đẻ, tôi chứng kiến không ít niềm vui và cả nước mắt. Bên cạnh hạnh phúc khi bế đứa con đỏ hỏn trên tay, tôi thấy cả những giọt nước mắt của người đàn ông khi phải chọn “giữ mẹ hay giữ con”. 

 

Câu trả lời thường là: “Hãy giữ lấy vợ tôi”. Thế mới biết trái tim người đàn ông cũng sâu rộng, dạt dào đấy chứ! Chỉ tại họ là đàn ông nên khó biểu lộ ra thôi.

 

Theo Tiếp thị & Gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm