Chồng già qua đời, nhân tình đem “trả” về cho vợ

Họ đã sống hạnh phúc bên vợ con trong nhiều chục năm, nhưng đến khi tưởng chừng được an hưởng tuổi già bên vợ với sự phụng dưỡng của con cái, thì họ lại “đổ đốn”, ra bên ngoài tìm của lạ. Đến khi sự việc bị phát hiện, nhiều hệ quả đau lòng đã xảy ra cho chính họ và cho gia đình.


Hình minh họa: Người Lao Động

Hình minh họa: Người Lao Động


Ông L. 60 tuổi và đã có gần 40 năm sống hạnh phúc bên người vợ hiền dịu của mình. Họ có với nhau ba người con, đều đã trưởng thành. Hai con lớn đã lập gia đình và có con cái đề huề, cậu con trai út cũng đã tốt nghiệp đại học và có người yêu. Nhìn vào gia đình ông, ai cũng khen ngợi người cha già tần tảo nuôi các con nên người. Ông từng trải qua nhiều nghề khác nhau để chăm lo cho gia đình, và nghề ông gắn bó lâu dài nhất là nghề lái xe. Ngày ấy, vào những năm 90, vợ chồng ông vay mượn anh em, bạn bè mua được một cái xe công nông để ông chở thuê vật liệu xây dựng cho các công trình. Sau vài năm, thu nhập ổn định, vợ chồng ông quyết định đổi đời xe, từ xe công nông lên một chiếc ô tô cỡ vừa. Gia đình ông có của ăn của để, con cái ăn học nên người.

Khi ông L. có tuổi, con cháu muốn ông ở nhà an hưởng tuổi già, nhưng ông không nghe. Không ai biết rằng, đằng sau vẻ hăng say lao động của ông, là một bí mật động trời: Ông L. đã có nhân tình trẻ.

Do nghề lái xe thường xuyên rong ruổi trên những tuyến đường, ông quen cô H., nhân tình của ông bây giờ. Cô H. chỉ đáng tuổi con đầu của ông, nhưng có vẻ mặn mà của một bà mẹ ba con và nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Ông biết về cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã bị đổ vỡ của cô và càng thương hơn người con gái dù còn trẻ nhưng phải một mình nuôi ba con nhỏ. Thế rồi, “tiếng lành đồn xa, tiếng ác cũng đồn xa”, mọi người trong huyện đều biết chuyện ông L. có bồ.

Vợ con ông vừa bất ngờ vừa thất vọng. Tưởng chừng ông sẽ hối hận, xấu hổ mà quay về bên gia đình, nhưng không ngờ, ông càng có lý do để công khai chuyện tình của mình. Mặc cho vợ khóc cạn nước mắt, con hết lời khuyên can, xóm làng đàm tiếu, ông L. vẫn không từ bỏ mối tình ngang trái, mà còn tỏ vẻ giận dỗi ra mặt khi không ai hiểu mình. Ngày cậu con trai út của ông cưới vợ, niềm hạnh phúc cũng không trọn vẹn, bởi bố bận chăm lo cho người tình người tình và những đứa con của cô mà không góp mặt.

Sau những căng thẳng trong gia đình, cuối cùng, ông L. đã quyết định ly hôn, từ bỏ gia đình để sống trọn vẹn với người tình trẻ trong một căn nhà thuê cách nhà cũ chỉ vài cây số. Từ đó, ông và vợ mới thường xuyên đi giao hàng cùng nhau, gặp gỡ khách hàng của ông. Cô vợ mới luôn kè kè bên ông, nhưng không phải để động viên, giúp đỡ người chồng già, mà để quản lý thu nhập. Sau vài tháng ở bên vợ mới, người ta không còn thấy ông lái chiếc xe thân thuộc nữa. Ông đã bán xe, trở thành người lái thuê. Nhìn vào cảnh tượng ấy, ai cũng cảm thấy e ngại, không hiểu nổi lý do. Mỗi khi có người hỏi đến chồng, đôi mắt vợ cũ ông lại ngấn lệ, ánh mắt buồn nhìn xa xăm.

Như ông L., ông K. cũng bỏ lại vợ con đi theo người phụ nữ khác sau nhiều năm chung sống hạnh phúc. Bà A., người tình của ông, là một người buôn bán nhỏ, tuổi đã ngoài 40, nhưng do bề ngoài không ưa nhìn nên không tìm được bến đỗ. Tưởng chừng bà sẽ ở vậy đến già, nhưng duyên số đã đưa ông L. đến bên bà để gắn bó với bà suốt quãng đời còn lại. Chỉ có điều, ông đến bên bà quá muộn, khi đã già, con cháu đề huề.

Vượt qua sự phản đối của cả gia đình, dư luận, ông K. bỏ lại gia đình hạnh phúc với cuộc sống đủ đầy, chuyển hẳn đến ở với bà A. Ông chấp nhận việc gia đình quay lưng với người cha bội bạc. Họ sống trong một căn nhà thuê ngay gần khu chợ bà A. bán hàng với thu nhập từ việc buôn bán của bà và tiền lương hưu của ông.

May mắn thay, bà A. có con trong niềm vui sướng vô bờ mà chính bà cũng không dám nghĩ tới. Đó là một cậu con trai, niềm hạnh phúc muộn màng của bà. Gia đình nhỏ sống khá đầm ấm, bỏ qua mọi đàm tiếu bên ngoài. Sau vài năm tích cóp, với sự trợ giúp của anh em bà A., hai ông bà cũng mua được một miếng đất nhỏ, dự định sẽ tiết kiệm thêm tiền để xây nhà trên mảnh đất ấy. Tưởng chừng hai người sẽ nồng nàn bên nhau cho đến cuối cuộc đời. Nhưng khi con trai của ông bà 7 tuổi, ông K. mất sau một trận ốm nặng, khi giấc mơ xây nhà của ông và người tình còn chưa thực hiện được.

Ông K. mất, không chỉ là nỗi đau vô bờ bến với bà A., mà còn đưa bà vào một tình thế vô cùng khó xử: chủ nhà trọ không đồng ý cho bà tổ chức tang lễ trong ngôi nhà của mình. Không còn cách nào khác, sau nhiều lần trăn trở, bà đành tìm đến người vợ cũ của ông K. trình bày hoàn cảnh, cũng như mong mỏi được đưa chồng về đó tổ chức tang lễ.

Gia đình, con cái ông K. không khỏi bất ngờ và tủi nhục, bởi một người đã lìa bỏ vợ con tưởng chừng phải sống giàu có, đàng hoàng, lại lâm vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy. Tình không còn, nhưng chút nghĩa vợ chồng sau bao năm chung sống vẫn lưu, vợ cũ của ông K. đồng ý với điều kiện bà A. chỉ được phép có mặt, không được tham gia vào việc tổ chức. Các con ông mặc dù vẫn lo liệu chuyện hậu sự chu đáo cho cha, nhưng nỗi uất hận người cha phụ bạc vẫn còn nguyên vẹn. Họ làm một tấm biển khá lớn ngay trước cổng vào: “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Hành động của các con ông để lại nhiều suy nghĩ khác nhau trong lòng người thân, bạn bè đến viếng. Người thì cho rằng đó là hậu quả đáng đời của ông, người khác lại nói: đúng ra các con không nên làm thế, dù gì ông K. cũng đã mất và cũng từng là người cha nuôi nấng họ nên người... Và đến tận bây giờ, người ta vẫn nhắc lại câu chuyện của ông K. như một bài học cho mình và cho người.

Có thể nói, dù là bất cứ lứa tuổi nào ngoại tình thì cũng để lại những hệ quả buồn, đặc biệt là những người đã có tuổi, được coi là tấm gương cho con cháu noi theo. Chuyện của ông L. và ông K. chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện như thế. Họ có cuộc sống khác nhau, có cái lý khác nhau để tìm đến người tình mới khi tuổi đã xế chiều, nhưng những vết thương lòng của người vợ đã đồng cam cộng khổ trong mấy chục năm trời cũng như con cháu họ, có lẽ sẽ không phai mờ theo năm tháng.

Theo Tình Linh
Vietnamnet