Chồng có như không!

Kết hôn, người phụ nữ nào cũng mong có được một bờ vai vững chắc và ấm nóng để nương tựa nhưng không phải ai cũng có được diễm phúc ấy. "Ván đã đóng thuyền" kéo theo bao hệ lụy khiến người phụ nữ nhiều khi phải gồng mình chịu đựng.

Những cục nợ không dễ cắt

 

8 giờ sáng, vừa bước chân vào phòng, Lan đã xổ một tràng với cô bạn đồng nghiệp: "Hôm qua tức ơi là tức. Lão chồng tao về muộn thì chớ, vừa vào nhà là đổ sụp ngay giữa cửa, rồi nôn thốc nôn tháo.

 

Đã thế lại còn cà khịa với vợ. Mình đã mệt mỏi thì chớ (Lan mang bầu 5 tháng), mà vẫn phải dọn hậu quả của lão. Thà không có chồng còn hơn".

 

Kết hôn gần 10 năm, Lan thường xuyên phải chịu đựng những cơn say bất chợt của chồng. Không biết bao nhiêu lần, khi bị chồng cà khịa trong cơn say, Lan tự nhủ "hay là bỏ quách cho xong", nhưng rồi mọi ý định vẫn chẳng được thực hiện.

 

Bởi, lúc không có hơi men, Hiếu, chồng Lan, là một người rất hiền. Thỉnh thoảng, anh còn mua cho vợ thứ này thứ khác, khiến Lan cảm thấy chồng không đến nỗi nào. Vả lại, Hiếu không phải người nát rượu. Anh chỉ tìm đến chất cay những khi gặp rắc rối trong cuộc sống.

 

Nhưng khổ nỗi, mỗi lần như vậy, Hiếu nói năng lung tung, có khi còn xúc phạm vợ khiến Lan cảm thấy căng thẳng, chán chường.

 

Đã một lần khăn gói ra riêng vì không chịu được ông chồng "điên khùng", Thanh, nhân viên bán hàng của một công ty máy tính, đến giờ cũng không hiểu mình lấy chồng để làm gì.

 

Thanh cho biết, cô chẳng nhận được ở chồng một sự chia sẻ nào về tình cảm lẫn kinh tế. Hằng tháng, mọi chi tiêu trong gia đình một tay Thanh lo hết, lương của chồng Thanh chỉ đủ để cho anh tiêu vặt. Không chỉ thế, cô còn chẳng thể nói chuyện tử tế được với chồng vì hễ bàn đến việc gì, dù nhỏ, là y như rằng cãi nhau.

 

"Nhà hỏng ống nước, bảo sửa, ông ấy gắt um lên, vặc lại mọi người: "Dùng gì mà suốt ngày hỏng". Con học bài không hiểu hỏi bố, ông ấy bảo: Học hành kiểu gì vậy, có mỗi thế mà cũng không hiểu? ". Công việc ở nhà của ông ấy chỉ là ăn cơm, xem ti vi và ngủ. Chấm hết", Thanh bức xúc.

 

Nhưng điều khiến cô bất mãn hơn là "chuyện ấy". "Đôi khi, có cảm giác mình không khác gì một thứ nô lệ. Lúc nào ông ấy cần là mình "phục vụ" vô điều kiện, bất kể muốn hay không, nếu từ chối, thể nào cũng cãi nhau tới sáng", Thanh thiểu não.

 

Thế nhưng, sau 6 tháng ly thân, cô đành chấp nhận quay lại chung sống vì không thể chịu nổi cảnh chia con.

 

"Không có thì thiếu, có lại thừa" là tâm trạng chung của nhiều phụ nữ không may vớ phải những ông chồng "không ra gì". Tâm, chủ một cửa hàng thời trang, có chồng say máu đỏ đen, từng thốt lên với bạn bè: "Không có thì mang tiếng là gái không chồng, nhưng lấy vào rồi chồng cũng có giúp được gì cho mình đâu, lại còn gây thêm phiền toái".

 

Nhanh nhẹn, tháo vát, từ chỗ không có gì, Tâm xây dựng được một cơ ngơi hoành tráng cho gia đình, bên cạnh đó là vài miếng đất để dành. Ai nhìn vào cũng bảo cô số sướng. Nhưng chỉ có cô là luôn cảm thấy thèm được như mấy đứa bạn, không no đủ lắm nhưng vợ chồng sớm tối có nhau.

 

Tuấn, chồng cô, hầu như không biết trong nhà có gì. Khi xây nhà, Tâm phải lo từng cân xi măng, viên gạch. Đến khi xây xong, Tuấn cũng chẳng biết nơi nào khác trong tòa nhà 4 tầng ngoài phòng ăn và phòng ngủ. Mọi việc trong nhà Tâm lo hết. Hàng ngày, Tuấn chỉ có mỗi việc đi chơi tenis và cá độ bóng đá.

 

Mấy người bạn thân biết chuyện từng khuyên Tâm ly hôn, nhưng cô chỉ thở dài: "Đâu phải dễ. Xưa nay, trong mắt bạn bè, người thân, mình vẫn là đứa giỏi giang, gia đình êm ấm, sung túc. Với lại lấy người khác cũng chẳng biết thế nào".

 

Xét người cũng nên nhìn lại mình

 

Ý nghĩ "giá có thể vứt quách được chồng đi" với người này chỉ là nhất thời, nhưng với người khác lại luôn thường trực. Song, dù thế nào, việc đó cũng không dễ dàng thực hiện. Với Tâm, lý do là sĩ diện với mọi người, với Thanh, đó là vì thương con, còn Lan lại vì cái nghĩa. Sự mơ hồ về tương lai "hậu ly hôn" cũng là một trở ngại đối với họ.

 

Thế nhưng, theo các chuyên gia tâm lý, trước khi có ý định "vứt quách chồng đi", sao bạn không thử quan tâm hơn đến chồng, dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng anh ấy, biết đâu sẽ thay đổi được tình hình?

 

Để có một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc, chị em cũng cần nhìn lại xem liệu ta đã hiểu chồng, nắm bắt được những nhu cầu cảm xúc của anh ấy chưa. Phải chăng các bạn chưa thực sự biết cách chia sẻ với nhau mọi việc trong cuộc sống gia đình?

 

Theo Thời Trang Trẻ