Chồng ấy à, phải dạy chứ!
Bà xã của anh hàng xóm nhà tôi la toáng lên: “Chồng ấy à? Phải dạy chứ! Đàn ông chẳng qua chỉ là một thằng bé lớn đầu”. Vừa dứt câu, chị bị anh chồng tiến sĩ đạp cho một đạp ngã dúi dụi...
Có một thực tế như vầy: Người ta hay dùng từ “phái mạnh” để chỉ các anh và “phái yếu” để chỉ các chị. Những người ủng hộ “phái mạnh” thì bảo mạnh luôn thắng yếu; còn người ủng hộ phe tóc dài thì cho rằng “mạnh dùng sức, yếu dùng thế” nên chưa chắc ai thắng ai! Đem lý lẽ ấy vào cuộc sống vợ chồng thì gia đình sẽ biến thành bãi chiến trường. Mà các bạn biết rồi, trong mọi cuộc chiến tranh, cả hai bên đều là những người chiến bại!
Có câu rằng “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Nói như vậy không phải đổ lỗi cho... ông trời khi vớ phải anh chồng vũ phu. Theo tôi, trời sinh ở đây là sự sắp đặt ngẫu nhiên của các yếu tố cấu thành một cơ thể người. Còn cha mẹ sinh là yếu tố di truyền mà thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ đi sau để cho ra một người đẹp xấu, cao thấp, hoàn chỉnh hay không.
Lại nói đến chuyện hôn nhân, người xưa đúc kết: “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”. Theo tôi, dòng ở đây là nề nếp gia phong, là sự giáo dục mà con cái được hưởng. Vì sao nói đến nông dân hay những người ít học người ta hay cho rằng đó là những người cục súc, lỗ mãng? Là vì những tầng lớp ấy thường nghèo khó, không có điều kiện học hành, giao tiếp với xã hội, lại thêm họ quá vất vả mưu sinh nên không thể kiềm chế những ứng xử không phù hợp khi quá mệt nhọc. Bạn cứ thử đặt mình vô trường hợp ấy mà coi. Đang mệt, đang khổ, đang đói, đang lo lắng mà có anh chồng hay chị vợ lải nhải một bên tai, không nổi điên mới là lạ!
Trở lại chuyện “Ai dạy ai?”, rõ ràng đa số anh chị em không thích từ “dạy”. Vợ chồng sống chung nhà, ngủ chung giường, ăn chung mâm mà hơn thua nhau làm gì? Chồng hơn vợ hay vợ hơn chồng một chút có sao đâu? Vấn đề ở đây là lễ nghĩa, nhường nhịn, yêu thương.
Người xưa đã dạy: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “lời nói không mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”, kinh nghiệm ông bà truyền lại là điều đáng học hỏi. Có cô vợ nấu canh hơi mặn, anh chồng húp một miếng nhổ toẹt rồi mắng: “Nấu như vầy cho chó nó ăn”. Chị vợ đốp lại: “Hóa ra trong nhà này không phải có một con chó mà có tới hai con vì từ trước tới giờ tôi vẫn nấu cho ăn mà”. Thế là “bốp”, “xoảng”... Chị vợ bầm một con mắt, mâm cơm bay xuống đất. Con chó ngồi chực sẵn hưởng trọn.
Thế nhưng cũng trong trường hợp này, anh chồng vui vẻ: “Không biết hôm nay miệng mồm anh thế nào mà thấy món này hơi mặn đó em”. Chị vợ nếm một miếng, lập tức gật gù: “Em cũng thấy vậy. Tại hồi nãy em lỡ tay cho hơi nhiều muối. Thôi, anh ăn món khác đi, lần sau em sẽ nấu lạt hơn”. Tôi đã sống cạnh cặp vợ chồng thứ hai này 28 năm. Tới giờ họ vẫn “anh anh, em em” ngọt ngào dù đã có sui gia. Đáng nói là thông gia vô cùng quý nể, thân thiết như ruột thịt. Do vậy con cái cũng được nhờ.
Bình đẳng, bình quyền nghĩa là chuyện ai nấy làm, vai ai nấy sắm chớ các chị đừng bắt các anh phải chửa đẻ, cho con bú; còn các anh cũng đừng bắt các chị vác bao lúa nặng 1 tạ như mình.
Còn chị nào có quan niệm: “Chồng ấy à, phải dạy chứ...” thì tôi xin can.
Theo Thùy Dung
NLĐ