Chợ Cọ quê mình

(Dân trí) - Ai đi xa nhớ tết quê không thể không nhớ về chợ Cọ. Từ ngày nhỏ dại tôi đã nghe đồn rằng chợ quê mình cứ đến tết thì tự đổi tên thành chợ Cọ. Chợ bắt đầu từ ngày 25 đến 29 tháng chạp, tới 30 chợ Cọ vẫn còn!

 
Chợ Cọ quê mình - 1


Những ngày ấy chợ đông quá tràn ra cả bên ngoài, ồn ào, náo nhiệt nhưng khẩn trương, mau lẹ và chóng tàn!

 

Chỉ có ngày tết chợ mới có cái tên kì lạ đó. Có lẽ vì trời lạnh quá, người đông quá, muốn mua muốn bán muốn xem gì cũng phải lao vào mà chen, vậy nên mới phải “cọ” vào nhau. Và chợ Cọ cũng vì thế mà thành. Có người còn đùa lạnh quá nên “cọ” vào cô, bác, anh, chị, em một tí cho ấm! Có người đã hỏi, “chợ Cọ quê mình bao nhiêu tuổi?”. Tôi bảo họ rằng, chắc là từ ngày quê mình có chợ. Một người khác lại bảo, có lẽ là khi quê mình có tết; có người thì ngắc ngứ mãi không trả lời được!

 

Dân “Cảy Thơi”, “Cảy Giót”, “Cảy Ngò”, “Cảy Quát”, “Cảy Đoài”... họp lại mà thành chợ Cọ. Những anh chị, những ông bà, chú bác, những o dì và các em nhỏ xúng xính, nô nức rủ nhau đi chợ tết. Cứ phải cùng nhau cuốc bộ mới vui, vừa hít hà cái lạnh, vừa nhâm nhi những câu chuyện kể, mà không biết đã đặt chân ở chợ từ khi nào. Cách nhau một cánh đồng tiếng nói đã khác, vậy nhưng không khí tết đều hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người.

 

Nhiều người bảo rằng chợ Cọ bây giờ kém vui hơn xưa. Bởi các làng đã có các chợ xép. Thậm chí một làng có đến hai, ba cái chợ nho nhỏ như thế; rồi hàng quán cũng thi nhau mọc lên như nấm, chưa phải đủ đầy nhưng tiện lắm, muốn mua bán gì ra khỏi nhà mấy bước là có ngay.

 

Chợ Cọ kém vui hơn xưa, bởi bây giờ bà con đi chợ sắm tết cả tháng trời trước đó. Hàng hóa thì sẵn, vậy là cứ khi nào đồng tiền dư giả, tiện thể đi chợ là mua. Khi con dao, cái thớt, cái mâm, khi chục bát, chục đĩa, rồi rổ, rá...

 

Những hàng mật, hàng nước mắm, hàng hương, hàng trầm... bây giờ người ta còn mang vào tận nhà để bán. Hơn nữa mồng hai tết chợ quê đã họp rồi, đồ ăn tươi sống gì cũng có, không cần phải mua đồ ăn thức uống dữ trữ trong nhiều ngày như trước.

 

Cuộc sống đã sung túc, khấm khá hơn, chợ Cọ vẫn còn! Người đi Nam đi Bắc, người đi xuôi đi ngược vẫn cứ muốn về đi chợ Cọ. Người nhỏ dại lớn lên rồi đi xa, khi trở về chợ Cọ vẫn còn. Người khuất núi, người ở lại vẫn còn đi chợ Cọ. Những ông lão, bà lão mái tóc bạc phơ đếm tuổi bằng mỗi lần đi chợ Cọ. Các cụ nắm tay đứa cháu nhỏ đứng giữa chợ mà trầm ngâm, ngẩn ngơ nhìn sự đổi thay của hồi ấy - bây giờ. Đồ đạc hàng hóa bày la liệt, lối dọc lối ngang khang trang và hiện đại hơn rồi. Kẻ chợ lượt là áo quần đẹp. Những bà lão bán quà quê, bánh đúc, bánh mướt nóng hổi, những tò he ngộ nghĩnh, những đôi câu đối đẹp lòng người thì vẫn còn... Nét xuân rộn ràng, náo nức tươi nguyên trên từng khuôn mặt.

 

Nhiều người đi chợ Cọ chỉ để nghe, để ngắm, để suy nghĩ và cảm nhận thời khắc Đông - Xuân đang xoay chuyển rất mau. Có người đi để bán cái rủi, mua về may, thấy lòng nhẹ bẫng giữa chốn quê. Lại có người đi chỉ để gặp gỡ bạn bè rồi hỏi han nhau, những câu chuyện không dài nhưng đậm đà chất quê. Có người đi chợ Cọ chỉ để trả món nợ mà ngày thường có vay mượn những khi khó khăn, túng bấn. Đi để nhớ, để kể cho những ai không may mắn được đi chợ Cọ, kể cho hậu thế và để mình khắc khoải mỗi khi tết đến xuân về.

 

Xuyến Chi - Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm