Chiều quá hóa hư

Được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu dễ làm cho trẻ có lối sống ích kỷ, sùng bái vật chất.

  

Thương con không đúng cách


Thương con không đúng cách

 

Là kế toán trưởng của một công ty xuất nhập khẩu, chồng là giám đốc công ty xây dựng nên kinh tế gia đình chị Vân Anh rất khá giả. Anh chị vốn xuất thân từ tỉnh lẻ, gia đình khó khăn nên phải phấn đấu rất nhiều mới có được vị trí ngày hôm nay. Chị không thể quên được những ngày vất vả ở quê khi phải làm cỏ, hái rau để có tiền ăn học. Khi đã có của ăn, của để, chị Vân Anh quyết định thay đổi từ trong ra ngoài.

 

Từ đó, chị cũng thường dạy con phải biết “sành điệu”. “Con bé nhà chị còn nhỏ nhưng xài toàn đồ hiệu không hà. Mua đồ không có thương hiệu là nó không thèm dùng”, chị Vân Anh khoe với các đồng nghiệp. Vài bạn thân của chị tán thưởng: “Chị sành điệu vầy, con bé cũng sành điệu là phải. Đúng là “mẹ nào con nấy”. Có ai thắc mắc, chị bảo: “Thời mình sống khổ quá rồi thì phải cho con cái sung sướng”. Vất vả ngược xuôi suốt thời tuổi trẻ để tạo dựng cơ nghiệp, anh Quang, chồng chị, cũng muốn vợ con được sung sướng nên sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của vợ con.

 

Còn anh Bình, trưởng phòng kinh doanh công ty nhựa T.Đ (quận 5, TPHCM), kể có lần vô tình nghe cậu con trai 14 tuổi nói chuyện điện thoại cùng bạn mà anh hốt hoảng. Thằng bé nói: “Cái điện thoại cũ hả, tao bán lấy tiền xài rồi. Về nhà chỉ cần bảo mất điện thoại là hôm sau ba mẹ mua ngay cho một cái mới, xịn hơn...”.

 

Anh Bình than thở: “Tôi bận việc công ty từ sáng đến tối, mẹ chúng cũng vậy nên 2 đứa con giao cho chị giúp việc. Vì muốn con được bằng bạn bè nên chúng cần gì tôi cũng cho, không ngờ thằng bé lại hư hỏng, lừa dối cha mẹ như vậy”.

 

Tại một tiệc cưới của đồng nghiệp, chị Loan (nhà ở quận Tân Bình, TPHCM) dẫn cô con gái lớn đến giới thiệu cùng đồng nghiệp, đối tác. Cô bé có vóc dáng thanh mảnh, cân đối, gương mặt xinh đẹp và đặc biệt cháu ăn mặc, trang điểm như người lớn. Chị Loan khoe: “Con bé mới 17 tuổi nhưng có nhiều gia đình đại gia đòi bỏ rượu, đợi đến 18 tuổi cưới ngay nhưng vợ chồng mình chưa chịu”.

 

Đợi khi chị đi khuất, bạn chị kề tai tôi nói nhỏ: “Gia đình đại gia cưới chứ tôi thì không cưới cho con trai mình đâu. Lớn bằng ấy mà sáng ngủ dậy không xếp nổi cái mền thì làm được gì”.

 

Vốn quan niệm: “Con gái thì phải xinh đẹp để kiếm chồng giàu”, chị Loan không cho con gái động tay đến việc gì ngoài việc ăn và học. Chị cũng đầu tư chăm sóc sắc đẹp cho con gái sớm nên nhìn cô bé già dặn hơn tuổi 17 rất nhiều.

 

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, Trung tâm Tâm lý trẻ, lo cho con đầy đủ là trách nhiệm của cha mẹ, tuy nhiên, cha mẹ phải thận trọng vì trẻ không chỉ phát triển về thể chất mà còn định hướng hình thành nhân cách. Không ít cha mẹ nuông chiều con nhằm thỏa mãn những ước mơ, khát vọng thời trẻ của cha mẹ.

 

Việc quá nuông chiều hoặc cung phụng đầy đủ vật chất có thể khiến trẻ có lối sống ích kỷ, không biết quý trọng đồng tiền. Nhiều đứa trẻ lớn lên có lối sống sùng bái vật chất sẽ nghèo nàn về đời sống tinh thần, vô cảm với mọi người xung quanh.
 

Ích kỷ khi vào đời

 

Mỗi lần nhắc đến con gái, bà T.N.H (Cai Lậy- Tiền Giang) chỉ biết khóc. Bà chia tay chồng khi con gái còn rất nhỏ. Luôn cảm thấy mình có lỗi khi không cho con một gia đình đầy đủ, hạnh phúc như bao đứa trẻ khác nên bà luôn đáp ứng mọi đòi hỏi của cô con gái dù hoàn cảnh không khá giả. Khi con gái theo học ngành du lịch, bà phải vất vả làm thuê để có tiền gửi cho con. Nhiều lúc không tiền, bà phải đi bán máu. Có người nhắc nhở bà phải nói cho con gái hiểu để chia sẻ nhưng bà chỉ cười: “Sau này, nó sẽ hiểu”. Chẳng biết cô có hiểu không nhưng khi ra trường, có việc làm ổn định, cô cũng không về thăm người mẹ nghèo.

 

Theo Ngân Hà

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm