Chiều chồng mà chẳng được yêu

(Dân trí) - Dù đã muộn giờ làm, Hà vẫn vòng qua công ty chồng đưa cho anh lọ thuốc nhỏ mũi vì cứ trở trời, Quốc lại hay sụt sịt. Cô còn nhét thêm cho anh gói khăn giấy… Thấy vợ xem mình như con nít trước mặt đồng nghiệp, Quốc chỉ thêm tức.

Rất nhiều người phụ nữ yêu chiều chồng một cách thái quá, chăm sóc chồng như chẳng khác nào mẹ chăm con. Những tưởng như thế sẽ được chồng yêu nhưng không ít người phải ngậm ngùi lãnh hậu quả từ việc chiều chồng của mình.

Chăm chồng như trẻ lên ba

Hơn Quốc hai tuổi nên Hà nghĩ mình chăm sóc chồng là đương nhiên. Việc lo lắng cơm nước, giặt giũ quần áo như những người phụ nữ khác đã đành, Hà còn lo cho anh từng ly từng tý. Bao nhiêu việc trong nhà, Quốc có động tay vào Hà cũng không cho, cô tự mình cáng đáng cho bằng hết.

Biết các thói quen của chồng, nên Hà luôn chuẩn bị sẵn phục vụ anh. Quốc có thói quen uống một cốc nước trước khi đi ngủ, nên tối nào Hà cũng để sẵn cốc nước cạnh giường cho anh. Buổi sáng, Quốc hay chạy thể dục, còn Hà đi thì đi chợ nhưng trước khi đi phải đưa quần áo thể thao, tất, giày chờ anh thay xong, Hà mới chịu dắt xe đi chợ. Nhiều lần Quốc nói những việc này anh tự lo được thì Hà gạt tay: “Việc gì em làm được cứ để em. Chăm chồng có thừa đâu”.

Mỗi lần Quốc có biểu hiện ốm đau gì là Hà lại cuống cuồng lên. Quốc có chứng viêm xoang, trở trời là sụt sịt, chỉ cần uống liều thuốc là khỏi thế mà lần nào Hà cũng sốt vó, đòi anh xin nghỉ làm. Tính ra tháng đôi lần như thế, có gì trầm trọng mà phải nghỉ việc, Quốc không chịu thế là Hà bắt anh phải mang thuốc nhỏ mũi và khăn giấy bên người thì cô mới yên tâm đi làm.

Tương tự, chồng và cậu con trai học lớp một được Hoài dùng chung một “bảng biểu” để chăm sóc. Buổi sáng, hai chiếc bàn chải đánh răng kèm khăn mặt được Hoài lấy sẵn cho hai bố con. Ăn sáng xong, mặc đồ cho con, Hoài cũng xếp sẵn quần áo cho chồng. Đi xuống nhà, hai đôi giày đã xếp sẵn, chồng và con trai Hoài chỉ việc xỏ chân vào. Có lẽ chỉ khác cậu con trai thì Hoài đưa đến lớp, còn Thiện chồng cô thì được… tự đi đến cơ quan.

Mà thật ra, cậu con trai khi ở trường, còn có những giờ… ngoài vòng tay của Hoài. Còn Thiện có ở cơ quan thì vẫn được Hoài săn sóc như thường. Nhiều lúc quá mệt mỏi vì vợ, Thiện cố tình không nghe điện thoại thì chỉ thêm bị quấy rầy.

Chồng dễ sinh hư

Cũng vì Hà cáng đáng hết mọi việc trong gia đình, chuyện gì cũng không dám làm phiền đến chồng mà Quốc thấy mình không phải bận tâm điều gì. Quốc không hề muốn mình được vợ chăm sóc đặc biệt như thế nhưng anh không muốn thì vợ anh vẫn… chiều.

Từ một người đàn ông luôn đặt vai trò gia đình lên trên, muốn chăm lo cho gia đình, Quốc dần trở thành một người vô trách nhiệm, việc nhỏ thì vợ lo đã đành nhưng ngay cả việc lớn, Quốc cũng thoái thác, bỏ mặc hết cho Hà. Từ chỗ khâm phục, quý mến tính dịu dàng, biết quan tâm người khác của Hà giờ anh trở nên coi thường cô.

Hà vẫn còn may mắn hơn so với Hoài là còn cơ hội thay đổi. Hoài không để Thiện phải động tay vào việc gì vì thương chồng, muốn chứng tỏ vai trò vợ đảm nhưng chồng cô không nghĩ thế. Để khẳng định bản lĩnh của mình, thấy mình vẫn còn có ý nghĩa, Thiện đã qua lại với người phụ nữ khác.

Yêu thương chồng như thế mà bị phụ bạc, Hoài khóc lóc, làm to chuyện thì Thiện thủng thẳng nói: “Ở bên người khác tôi mới là thằng đàn ông trưởng thành. Còn ở bên cô tôi mãi chỉ là thằng cu Tý lên ba”. 

Muốn giữ chồng người phụ nữ cần phải biết cách chiều chồng. Nhưng khi chiều chồng không đúng cách, thái quá thì rất dễ phản tác dụng. Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý, khi người vợ quá “chăm bón” cho chồng sẽ gặp một trong hai tình huống sau: một là người chồng sẽ khinh thường vợ và ngược lại họ cảm giác bị vợ coi thường. Lúc đó, người đàn ông đều dễ “trượt dốc”, tổ ấm gia đình bị lung lay… Thế mới biết, chiều chồng chưa phải đã hay.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm