“Chỉ vì cái tủ nhà bà Ngọc”

(Dân trí) - Bà Tâm với bà Ngọc chơi thân với nhau, làm gì cũng có đôi. Hôm cùng bà Ngọc đi hỏi vợ cho con trai bà ấy, bà Tâm thấy em gái cô dâu xinh gái nhỏ nhẹ, vừa khéo vừa đảm thì thích lắm, cứ cuống quýt tít mù lên xun xoe hỏi thăm.

Không ngờ nó có người yêu rồi, bà đâm tiếc ngẩn ngơ, lại càng xót ruột, sao bọn “ra gì” toàn có nơi có chốn hết cả thế nhỉ? Ấy là vì bà nghĩ đến thằng Long nhà bà, vốn đẹp trai ngời ngời, song là kỹ sư chuyên phải đi giám sát công trình, nay đây mai đó nên sắp kề ba mươi vẫn chưa có ai, lúc nào bà cũng sợ con ế.

Hôm cùng bà bạn đi chọn mua tủ cho đôi trẻ, đến nhà ấy có đứa con gái nom nhanh nhẹn, lại nghe bố mẹ nó khoe vừa học xong đại học, có bằng cử nhân kinh tế rồi, đang chờ xin việc nên ra cửa hiệu giúp đỡ bố mẹ. Biết nó chưa có người yêu, bà Tâm cứ xán lại ướm hỏi. Nhà này dường như cũng thích vẻ chất phác, lại là cán bộ đàng hoàng của bà Tâm nên lịch sự mời mọc đến chơi...

Bà Tâm tức tốc gọi con trai về xem mặt, thằng con hiền lành cứ tin tưởng vào con mắt tinh đời của mẹ nên yên tâm hẹn hò. Chúng nó lấy nhau bà Tâm cứ khấp khởi cười suốt, mừng như vơ được vàng vậy.

Song chả được mấy hồi… chuyện là ngày trước ông bà hỗ trợ thằng Long mua cái nhà ở Hà Nội, có vay cậu em bà ít tiền, giờ cậu đang xây nhà, cũng muốn cho cậu vay lại chút ít gọi là tình cảm. Long đồng ý còn vợ nó thì giật phắt cái thẻ ATM của chồng rồi tuyên bố từ giờ để nó giữ, rồi nó đưa lại cho bao nhiêu thì đưa và ai muốn vay phải hỏi ý kiến nó.

Giả dụ chúng sống riêng thì bà chẳng can hệ vào làm gì, đằng này mọi thứ đều đến tay bà, từ sữa, bỉm đến cái giấy vệ sinh của mẹ con nhà nó bà cũng phải bao thầu, phục vụ, mà nó thì tiền tiêu có bao giờ tiếc tay. Trong khi đó bao năm nay anh em thằng Long vẫn tin tưởng vào tài thu vén của bà, vẫn hỏi ý kiến mẹ suốt. Bà luôn tính là dành dụm chứ có dám tiêu đâu, lương hai ông bà thừa sức lo liệu cho cái gia đình này, chả qua là bà tích cóp để phụ em thằng Long mua cái nhà gần nơi nó lập nghiệp … vậy mà con dâu khiến bà bất ngờ quá!

Công việc của con bé thấy cứ đi suốt, lương thấp mà không ổn định, nghe đâu nghỉ đẻ xong người ta cũng cho nó nghỉ. Ông bà chạy đôn chạy đáo, dốc lực dốc tiền, tính lo việc cho nó vì có cơ quan đang cần. Tất cả hồ sơ chỉ chờ nó đưa cái bằng tốt nghiệp đại học nữa là xong, mà chờ, giục mãi nó cứ lơ đi. Lâu sau mới thấy ngập ngừng chìa ra cái bằng trung cấp kế toán khiến bà ngã ngửa, vì cũng tin tưởng thông gia, nên chắc như đinh đóng cột với người ta, giờ thì…

Có người biết chuyện cứ lắc đầu “Nghĩ ngợi sao mà để con trai lấy con nhà Nhung “nháo”, bọn này toàn gọi là “Nhâng nháo” thôi, hay lật lọng lắm. Mà con nhà đấy thì nổi tiếng trường cấp ba là ăn chơi, cặp kè”. Bà thừ người im lặng, thì vì nhanh quá, gấp quá nên cực, làm sao tỏ tường hết được.

Thằng Long thì cứ khổ sở dằn vặt chẳng biết phải làm thế nào. Giờ cho vợ nó xuống Hà Nội với chồng cũng không ổn, vì con còn bé mà vợ không biết lo liệu trong khi chồng cứ phải đi công trình suốt. Ông bà đành ôm tất, rồi cố nhịn, bà Tâm ngậm bồ hòn làm ngọt, tại mình nóng ruột nên mới ra nông nỗi.

Vốn được bố mẹ đẻ chiều quen nên nó chả thiết và chả biết làm gì, sáng sáng cứ quẳng con bé quấy như ranh ở nhà để đi ăn sáng, gặp gỡ bạn bè đến chín mười giờ mới về. Ông Tâm bế cháu đi từ đầu dãy đến cuối dãy, hát hết bài nọ đến bài kia mà chẳng thấy tăm hơi con dâu đâu, có người hỏi thăm “Ông bế cháu đi dạo đấy ạ?” là ông vơ ngay lấy để nửa cười nửa ca cẩm: “Bố tiên sư, đi ăn sáng đến ba tiếng còn chưa về đây, khổ nhục quá, chỉ vì cái tủ nhà bà Ngọc”.

TSL