Chị em dâu không thể dung hòa với nhau

Tôi không có ý chống đối chị dâu nhưng cũng không thể chối bỏ được cảm giác khó chịu mỗi khi chạm mặt chị. Cuối cùng, tôi đành tìm cách tránh mặt chị...

Chị em dâu không thể dung hòa với nhau - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Trước khi kết hôn, tôi biết mình sẽ phải chấp nhận chung sống trong một gia đình tôn thờ giá trị truyền thống. Đặc biệt là bố mẹ chồng, họ luôn khuyến khích các thành viên trong gia đình hòa thuận và gắn bó với nhau.

Nhà chồng tôi rộng 24 m2, có 4 tầng và được phân chia rất rõ ràng. Tầng 1 là không gian sinh hoạt chung; tầng 2 dành cho bố mẹ chồng; gia đình anh chồng ở tầng 3; vợ chồng tôi ở tầng 4. Sống trong không gian quây quần và đầm ấm như vậy, tôi càng coi trọng việc nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, tôi không hiểu tại sao gần đây mình luôn cảm thấy khó chịu với chị dâu.

Chị là người trung thực, đáng tin cậy và chưa bao giờ làm điều gì gây tổn thương cho tôi hay bất kỳ ai khác trong gia đình. Nhưng chị luôn nhìn thế giới bằng hai màu đen và trắng. Chị cố gắng dạy dỗ con cái để chúng đạt được kết quả học tập tốt nhưng tôi có cảm giác chị hơi xem nhẹ trí tuệ cảm xúc, mà đó mới là đặc điểm chính để tôi đánh giá cao ở một con người. Tôi không thích cách chị hay dùng một câu hỏi cho mọi vấn đề. Điều này khiến tôi có cảm giác chị là người hời hợt, thiếu tinh tế. Ngay cả khi hai chị em đang thảo luận về một chủ đề như mối quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình, chị cũng chỉ hỏi chỏng lỏn một câu: "Điều đó tốt hay xấu?".

Chị cũng rất quan tâm đến sức khỏe và có hẳn một danh sách những thứ chị không ăn vì cho rằng "chúng không tốt cho sức khỏe". Tôi đã từng cố gắng làm nhiều món đặc biệt vào dịp cuối tuần nhưng chị chẳng bao giờ ăn, dù chỉ là vài miếng để tỏ ra lịch sự. Càng ngày, tôi càng cảm thấy khó bắt chuyện với chị vì tôi không biết phải nói gì. Kể cả khi chị là người bắt đầu trước bằng một câu hỏi hoặc một thông báo nào đó, tôi cũng chỉ biết câm nín. Phát hiện thái độ bất thường của tôi, chồng tôi phàn nàn: "Sao em không chịu bắt chuyện với chị dâu? Khi chị nói chuyện, dù không thích thì ít nhất em cũng phải xã giao vài câu chứ?". Tôi giải thích: "Anh xem, chị ấy luôn nói chuyện kiểu áp đặt, giọng điệu thì trịch thượng, em biết nói gì đây?".

Tôi không có ý chống đối chị dâu nhưng cũng không thể chối bỏ được cảm giác khó chịu mỗi khi chạm mặt chị. Cuối cùng, tôi đành tìm cách tránh mặt chị, dù biết rằng đây không phải là cách cư xử đúng mực, đặc biệt là trong bữa ăn. Điều này đã đặt chồng tôi vào tình huống khó xử. Anh thừa nhận chị dâu cũng mang lại cho anh cảm giác khó chịu nhưng anh vẫn ra sức khuyên can tôi: "Em đừng cười nhạo chị dâu, cũng đừng tìm cách đáp trả những điều khó nghe. Chị ấy có thể sẽ cảm thấy tổn thương".

Chồng tôi cũng có xu hướng đứng về phía anh của mình. Tôi thực sự thông cảm cho anh về điều này nhưng đây là vấn đề giữa tôi và chị dâu, không liên quan đến bất cứ ai khác. Tôi không muốn tạo ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình nhưng tôi không chịu đựng nổi cách cư xử thiếu tế nhị của chị dâu.

Một lần vào dịp Tết, chị xộc thẳng vào phòng tôi, thấy tôi ngồi trong phòng nhưng chị "bỏ qua" rồi nhìn thẳng vào chồng tôi. Tưởng có chuyện gì quan trọng muốn bàn với chồng tôi, ai dè chị lên để... đòi quyền lợi cho con: "Chú thím mừng tuổi cho cháu đi ạ". Chồng tôi lúc ấy khá sốc nhưng vẫn gắng cười và ứng biến rất nhanh: "Ôi, hôm nay cu Bi dậy sớm nhỉ? Vào đây chú thím mừng tuổi nhá". Dù chị là chị dâu của tôi và cùng sống dưới một mái nhà nhưng một ngày chị ra vào phòng tôi không biết bao nhiêu lần, mà lần nào cũng có những hành động khiến tôi "nhức mắt". Chưa kể mỗi ngày có 3 bữa ăn, hễ chạm mặt chị là tôi thấy ức chế vô cùng.

Quá bức bí, tôi gọi điện cho mẹ đẻ, than thở: "Mẹ ơi, con phải cố gắng dành dụm tiền để mua nhà và dọn ra ở riêng". Mẹ tôi cười: "Ở riêng không đơn giản như con nghĩ đâu. Khi con bận công việc, ai sẽ giúp con chăm sóc bọn trẻ?". Tôi quả quyết: "Con thà gắng thêm chút nữa để thuê người giúp việc cũng được. Con không thể chịu đựng nổi chị dâu nữa".