Chạy xe máy gần trăm cây số về quê, tôi xúc động khi mẹ chồng nói một câu
(Dân trí) - Nhìn cha mẹ chồng cặm cụi chặt gà, nấu canh, dọn sẵn mâm chờ các con mà lòng tôi thắt lại. Cha mẹ luôn là vậy, yêu thương các con, các cháu, không lời nào có thể diễn tả hết được.
Dịp lễ 30/4 này, như mọi năm, vợ chồng tôi lại thu xếp đưa hai con về quê. Chuyến đi không ngắn, gần trăm cây số, bằng chiếc xe máy cũ đã theo chúng tôi suốt những năm tháng sinh nhai nơi thành thị.
Ai đó có thể chọn đi chơi xa, đi nghỉ dưỡng sang trọng. Còn với tôi, ước mơ giản dị chỉ là được chạy thật nhanh trên con đường bụi nắng này, chỉ để đưa con về quê với ông bà.
Thành phố bon chen cho chúng tôi cơ hội mưu sinh nhưng cũng lấy đi không ít tháng ngày bình yên. Vợ chồng tôi thuê nhà, vừa làm, vừa lo cho con cái. Cuộc sống chật vật nên chúng tôi không dám ao ước có một mái nhà cho riêng mình.
Cuộc sống vốn dĩ chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng mỗi lần mệt mỏi, tôi lại nhủ lòng chỉ cần nghĩ đến cha mẹ đang đợi ở quê, lòng sẽ bình yên hơn một chút.
Vì nghỉ dài, chồng dự tính về nhà nội hai ngày rồi sẽ sang nhà ngoại. Nhà chúng tôi chỉ cách nhau 40km, đi lại không quá khó khăn.

Câu nói của mẹ làm tôi xúc động vô cùng (Ảnh minh họa: Sina).
Chuyến đi lần nào cũng vậy, lỉnh kỉnh đồ đạc, con nhỏ ngồi sau lưng, mồ hôi chảy đầm đìa dưới cái nắng đầu hè. Đường xa, xe máy ì ạch, thỉnh thoảng phải dừng lại cho các con nghỉ ngơi.
Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ mẹ quay quắt. Nhớ bát cơm canh cà mẹ nấu, nhớ con gà mẹ nuôi tẩn mẩn dành để đón con cháu về. Nhớ cả dáng mẹ cặm cụi dưới bếp, dáng cha lặng lẽ chờ trước hiên nhà. Tất cả đều giản dị đến đau lòng.
Chúng tôi chẳng có ô tô như người ta. Những ngày cuối tuần hay dịp lễ, cả nhà cứ thế mà xếp chồng nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ. Với chúng tôi, đó là chuyến đi hạnh phúc nhất. Bởi lẽ đích đến của chúng tôi không phải một nơi xa hoa, mà là vòng tay ấm áp của cha mẹ, là ngôi nhà thơm mùi rơm rạ.
Những chuyến xe nối tiếp nhau, lấp đầy tuổi thơ của các con tôi bằng tình yêu thương hai bên nội ngoại.
Có những lúc mệt mỏi vì hành trình xa xôi, nắng gió táp vào mặt, tay lái rã rời nhưng chỉ cần bước chân vào cổng nhà, thấy mẹ từ xa vẫy gọi, thấy bóng cha già chờ đợi, tất cả mệt nhọc đều tan biến. Chỉ cần được ngồi quây quần bên mâm cơm mẹ nấu, chỉ cần được nghe mẹ hỏi han dăm ba câu chuyện đời thường, lòng tôi đã ấm lại.
Lần nào về, mẹ chồng cũng căn dặn: "Con ở chơi với ông bà nội trước rồi lại sang nhà ngoại cho trọn đạo làm con". Dù đã tính toán trước như vậy, câu nói của mẹ làm tôi xúc động vô cùng. Tôi là con dâu nhưng được mẹ coi như con gái, chưa từng khiến tôi khó xử, luôn dạy tôi đạo hiếu nghĩa với cha mẹ.
Chuẩn bị sang nhà ngoại, mẹ chồng lại biếu thông gia rất nhiều đồ. Dù đều là quà quê, những món mẹ cho, quê ngoại lại không có nên vô cùng quý hóa.
Lúc về đến cổng, bà ngoại đứng đợi sẵn, lại thịt gà, thịt lợn bày ra mâm. Hai bên gia đình gọi điện thoại mở video chào nhau, thông gia xa nhưng tình cảm gần gũi biết bao nhiêu. Cứ như thế, vợ chồng tôi trân trọng, quý mến bố mẹ hai bên, chưa từng có sự phân biệt đối xử.
Có lẽ, ai từng đi xa mới thấm thía, quê hương không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, mà còn là sợi dây neo giữ tâm hồn mỗi người giữa bộn bề cuộc sống.
Mỗi năm, mỗi kỳ nghỉ lễ, vợ chồng tôi đều dốc hết sức để trở về. Đôi khi chỉ là vài ngày ngắn ngủi nhưng với chúng tôi, đó là món quà lớn nhất dành cho cha mẹ và cho chính bản thân mình.
Về để được ôm mẹ, để được nghe cha thủ thỉ bên hiên nhà, để cảm nhận rằng, dẫu đời có trăm ngàn nỗi vất vả, chỉ cần trở về, chỉ cần có gia đình đón đợi, thế là đủ.
Dẫu có đi đâu, làm gì, tôi cũng chỉ mong còn được nhiều dịp như thế này.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.