Cha mẹ xúi con trộm đồ, không chỉ hại con mà còn làm hại chính mình
Clip dài 48 giây ghi lại cảnh mẹ xúi giục bé trai trộm túi đựng tiền của người phụ nữ bán cafe trên vỉa hè lan truyền trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận mấy ngày qua.
Theo các chuyên gia tâm lý, mẹ xúi con ăn trộm không chỉ hại con mà còn làm hại chính bản thân mình.
Cha mẹ dạy con ăn trộm
Trên mạng xã hội mấy ngày nay xuất hiện đoạn clip dài 48 giây ghi lại cảnh một bé trai trộm túi đựng tiền của người phụ nữ bán cafe trên vỉa hè gây bức xúc dư luận. Trong đoạn clip, người phụ nữ đi xe máy chở theo con trai đến mua nước đã có hành động xúi con trộm tiền. Lợi dụng lúc người phụ nữ lớn tuổi đang khom lưng lấy hàng, đứa trẻ đã nhanh tay trộm lấy túi đựng tiền rồi lên xe tẩu thoát.
Một sự việc đau lòng khác về việc cha mẹ dạy con ăn trộm cũng đã xảy ra ở Đà Nẵng. Một người bố thất nghiệp đã xúi bậy con gái 11 tuổi trộm cắp tiền không chỉ của mẹ mà còn lấy cả tiền của nhà bà nội. Tổng cộng hai cha con 19 lần trộm với số tiền 580 triệu đồng tiền bà nội giữ giùm bác dâu.
Liên quan đến những câu chuyện đau lòng xúi con trộm đồ, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc) cho rằng, trong xã hội không hiếm những người dạy con sống theo kiểu ăn cắp, làm đồ dởm, giả ăn mày xin tiền… Cha mẹ chính là người nuôi nấng, giáo dục con cái những điều hay lẽ phải. Việc có những phụ huynh lại lợi dụng con trẻ và dạy trẻ những mánh khóe, trộm cắp tài sản như vậy thực sự cần phải lên án, xử lý nghiêm.
Giáo dục trẻ không chỉ gia đình, nhà trường và xã hội nhưng quan trọng nhất vẫn từ gia đình có tác động lớn đối với việc hình thành nhân cách của trẻ. Một đứa trẻ còn rất nhỏ có thể lấy một thứ gì đó kích thích sự quan tâm của chúng là điều bình thường. Điều này không nên được coi là ăn cắp cho đến khi trẻ đủ lớn, thường là từ ba đến năm tuổi để hiểu rằng việc lấy thứ của người khác là sai. Cha mẹ sẽ là hình mẫu. Nếu bạn trở về nhà với văn phòng phẩm hoặc bút từ văn phòng hoặc khoe khoang về một sai lầm ở quầy thanh toán trong siêu thị, bài học về tính trung thực của bạn sẽ khó làm gương với con trẻ.
Xưa nay, ông bà ta vẫn có câu "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Nếu đứa trẻ sống trong một gia đình có bố mẹ hay người lớn có hành vi thiếu văn hóa hay thường xuyên đánh chửi nhau, trộm cắp, nghiện ngập… thì những gương xấu này sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Những đứa trẻ rất dễ bị nhiễm các thói hư tật xấu, bị lôi kéo vi phạm pháp luật.
Khi một đứa trẻ mới vài tuổi đã được người thân, lại chính là mẹ hướng vào con đường trộm vặt, mai sau lớn lên chúng rất có thể thành một tên trộm chuyên nghiệp hơn.
Hại con hại cả chính mình
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, việc cha mẹ dạy con trộm đồ của người khác không chỉ ảnh hưởng đến trẻ mà còn hại chính mình. Giáo dục con cái không phải đợi đến lúc trẻ lớn mới uốn nắn và nền tảng giáo dục là giáo dục đạo đức làm người. Người đạo đức sẽ kiếm việc tử tế, trưởng thành theo cách lành mạnh hợp với quy luật của xã hội, biết sống biết ơn xã hội và người thân, làm điều tốt đẹp cho xã hội. Khi trẻ được dạy lớn lên sống bằng nghề "móc túi", giành giật miếng cơm từ người khác sẽ chẳng đối xử tốt với bố mẹ. Thực tế, có những đứa trẻ vì quen thói trộm vặt ở bên ngoài mà thường xuyên trộm đồ của bố mẹ.
"Các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ lễ phép, kính trên, tôn sư trọng đạo, nhường nhịn lẫn nhau để khi trưởng thành biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng chăm sóc ông bà, cha mẹ" - chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho hay.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, trong cuộc sống hàng ngày, trẻ có thể sẽ có hành vi trộm cắp. Có thể có nhiều lý do khiến trẻ lớn ăn cắp, bao gồm cả việc chúng không chịu nổi áp lực của bạn bè, rằng chúng không có tiền để mua những thứ chúng muốn, chúng đã nhìn thấy người lớn hoặc những người khác ăn cắp, chúng chưa bao giờ bị kỷ luật vì ăn cắp hoặc họ có vấn đề về tinh thần hoặc cảm xúc tiềm ẩn dẫn đến hành vi này.
Tùy vào lứa tuổi và hoàn cảnh gia đình sẽ dẫn đến những hành vi, mục tiêu khác nhau. Khi trẻ lớn ăn trộm, cha mẹ nên nói chuyện với trẻ để xác định lý do tại sao trẻ lại làm như vậy. Giải quyết nguyên nhân của hành vi sẽ giúp trẻ không tái diễn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên kỷ luật trẻ lớn hơn mỗi lần trẻ ăn trộm để củng cố rằng hành vi đó là không phù hợp và sẽ không được dung thứ. Điều quan trọng hơn hết, cha mẹ vẫn là tấm gương trong việc giáo dục trẻ sự trung thực.