Cha mẹ lúc trẻ bớt "yêu" con, về già được tự do, hạnh phúc

Sự việc cô con gái ở Long An đánh đập mẹ già xôn xao báo chí mấy ngày qua chắc chắn là một hành vi đáng lên án cả về góc độ luật pháp lẫn đạo đức.

Tuy nhiên, tôi cho rằng câu chuyện này cũng đặt ra một vấn đề khác trong văn hoá gia đình Việt.

Lâu nay, người Việt luôn sống theo lối suy nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con”, tức là khi còn nhỏ, đứa con sẽ phải trông đợi vào sự chăm sóc của cha mẹ, còn khi cha mẹ về già, sẽ phải nhờ cậy đến sự phụng dưỡng của các con.

Mặc dù, xã hội đã thay đổi rất nhiều, không ít quan điểm đã bị đào thải vì không còn phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội hiện đại. Nhưng quan điểm này vẫn còn khá nặng nề trong xã hội ta, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Việc người con trai không sống chung với bố mẹ để phụng dưỡng tuổi già vẫn bị coi là chuyện khó hiểu, đặc biệt là khi người con đó lại đang sống gần bố mẹ.

Không ít cặp vợ chồng trẻ ngày nay tâm sự rằng, họ khá “đau đầu” với chuyện phải xin phép bố mẹ chồng cho ra ở riêng. Câu chuyện lẽ ra là quyền tự do cá nhân của một người trưởng thành bỗng dưng trở thành câu chuyện đạo đức, hiếu thuận.

Nếu như ở phương Tây, các bậc cha mẹ coi việc một đứa trẻ 18 tuổi dọn ra sống riêng là chuyện hoàn toàn bình thường, thì ở một số nước Á Đông, nhiều "đứa trẻ" 18 tuổi vẫn được bố mẹ lo từng bữa ăn, giấc ngủ.

Thậm chí, nhiều phụ huynh phương Tây còn không hề giấu giếm chuyện mong chờ con mình đủ 18 tuổi để “đuổi” ra khỏi nhà, để họ có thể sống một cuộc đời tự do và thảnh thơi. Ở những nền văn hoá đặc biệt đề cao tính tự lập, những người trưởng thành vẫn sống cùng bố mẹ thậm chí còn bị kỳ thị bởi bạn bè, đồng nghiệp.

Cha mẹ lúc trẻ bớt yêu con, về già được tự do, hạnh phúc - 1

Tôi có một người bạn người Mỹ, năm nay đã gần 70 tuổi. Ông có 2 người con gái với người vợ cũ đã ly hôn. Khi còn trai trẻ, ông là lao động tự do và từng làm đủ các công việc chân tay để có tiền duy trì cuộc sống ở quốc gia phát triển nhất thế giới này.

Rất may, ông có bảo hiểm để lo cho mình những năm tháng cuối đời. Nhưng chi phí ở Mỹ quá đắt đỏ, ông bảo sẽ phải sống khá chật vật với số tiền lương hưu đó. Vì thế, ông đi đến một quyết định táo bạo ở tuổi thất thập: bán nhà và toàn bộ tài sản ở Mỹ để đi du lịch khắp thế giới.

Ông nói, quyết định này vừa cho ông cơ hội được trải nghiệm những vùng đất mà ông chưa từng đặt chân tới khi còn trẻ, lại vừa giúp ông có một cuộc sống đỡ chật vật hơn ở Mỹ.

Có lẽ để giải đáp cho thắc mắc mà tôi đang đặt ra trong đầu mà không tiện nói ra, ông bảo: “Hai con gái sẵn sàng hỗ trợ tài chính để tôi tiếp tục sống ổn định ở Mỹ nhưng tôi không muốn làm như vậy. Tôi không muốn phiền tới chúng”.

Chọn cách sống này đã 3-4 năm nay, mỗi lúc tôi hỏi thăm lại thấy ông đang ở một đất nước khác nhau. Ông vừa đi vừa xin làm một số công việc nhẹ nhàng ở nước bản địa để kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí. Thỉnh thoảng, ông lại về Mỹ để thăm con cháu.

Có thể, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Trong điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam, nhiều ông bố bà mẹ là lao động tự do, không có lương hưu, họ sẽ sống bằng gì khi về già?

Theo tôi, thực ra, cha mẹ Việt có rất nhiều cơ hội để tích luỹ tài sản cho tuổi già, nhưng chính họ đã tước bỏ nó.

Khi con bước vào bậc đại học, thay vì đẩy con ra đường để đi làm thêm kiếm tiền tiêu vặt, hay cho con vay nợ tiền học phí, thì cha mẹ Việt vẫn tiếp tục “bao cấp” toàn bộ chi phí ăn học 4-5 năm đại học, thậm chí là cả các bậc học cao hơn nếu con có khả năng.

Khi con tốt nghiệp, cha mẹ lại tiếp tục tài trợ nốt cho con chiếc xe máy để con có phương tiện đi làm cho bằng bạn bằng bè. Nhiều đứa trẻ to xác sống chung cùng bố mẹ mà không hề có trách nhiệm đóng góp các khoản sinh hoạt phí cho bản thân. Đến khi lập gia đình, phụ huynh nào cũng lại lo chạy đôn chạy đáo mua cho con căn nhà, mảnh đất, hoặc chí ít cũng đóng góp đến phân nửa số tiền “an cư lập nghiệp” ấy.

Rồi đến khi chúng sinh con, ông bà nào cũng khăn gói lên thành phố bế cháu nội, cháu ngoại cho con yên tâm xây dựng sự nghiệp.

Từng ấy thời gian và tiền bạc, nếu cha mẹ biết sống cho riêng mình nhiều hơn, họ sẽ có một khoản tích góp không hề nhỏ để lo cho cuộc sống lúc về già.

Nhưng với suy nghĩ lối mòn lâu nay, họ dốc hết lòng dạ cho con cái, rồi đến khi về già lại trông mong vào sự hiếu thuận của chúng, chẳng phải là một lựa chọn mạo hiểm và đầy phụ thuộc hay sao?

Hiếu thuận không phải là sống chung cùng nhau suốt đời, hay ở cạnh nhau mỗi ngày về mặt địa lý. Hiếu thuận là khi đứa con luôn nghĩ đến niềm vui, sức khoẻ của cha mẹ dù chúng có ở đâu đi chăng nữa.

Và việc của mỗi ông bố bà mẹ chúng ta phải chăng chính là thả sợi dây diều để đứa trẻ của mình được bay tự do hết khả năng mà chúng có. Đừng quàng vào chúng thứ trách nhiệm xưa cũ, khiến chúng phải bay luẩn quẩn quanh mình. 

Để làm được điều đó, các bậc cha mẹ làm ơn hãy bớt “yêu” con ngay khi chúng đã đủ tuổi để tự lo cho mình.