Cha mẹ dù hiểu biết đến mấy cũng dễ làm hại con bằng 10 câu nói này
Dưới đây là những câu nói tưởng chừng như vô hại nhưng tuyệt đối không nên áp dụng với con.
1. “Con làm tốt lắm!”
Việc thường xuyên lặp đi lặp lại lời khen này sẽ khiến con trở nên phụ thuộc vào sự công nhận đó, thậm chí làm xuất hiện tính tự thỏa mãn với kết quả của mình và không còn muốn sự nỗ lực cao hơn thế nữa.
Thay vào đó hãy nói rằng "Con đã thực sự cố gắng". Bằng cách tập trung vào nỗ lực của một đứa trẻ, bạn sẽ cho chúng thấy nỗ lực quan trọng hơn là kết quả. Điều này rèn luyện cho trẻ khả năng kiên trì trước một khó khăn và xem thất bại như là một bước tiến tới thành công.
2. “Con đúng là một em bé ngoan!”
Lời khen này tưởng rằng là điều tốt, như một cách để nâng cao lòng tự trọng của một đứa trẻ nhưng thực tế mang lại những hiệu quả trái ngược mong đợi của bạn.
Nếu nhận được câu tán dương này sau khi thực hiện một nhiệm vụ mà bạn yêu cầu, trẻ sẽ cho rằng chúng chỉ "ngoan" khi làm những gì bạn muốn. Điều đó khiến trẻ sợ làm bạn thất vọng và động lực của chúng khi hành động chỉ là để nhận được phản hồi tích cực mà chúng đang mong đợi từ bạn.
Từ đó, gây áp lực lên trẻ phải trở thành những đứa con ngoan, giỏi và lo sợ rằng những ấn tượng tốt của cha mẹ về mình sẽ mất đi nếu trẻ phạm sai lầm hoặc mắc lỗi gì đó. Điều này vô hình chung khiến trẻ dễ lâm vào trạng thái áp lực và không thể tự do phát triển mình. Thay vào đó, cha mẹ có thể nói rằng “Cha/mẹ đánh giá rất cao về việc con đã làm”… Hãy để cho trẻ hiều trẻ làm điều gì là tốt cho bản thân và tốt cho mọi người chứ không phải là để làm hài lòng một ai đó.
3. "Bức tranh thật là đẹp!"
Tập trung vào tác phẩm của trẻ đồng nghĩa với việc bạn đã làm mất đi cơ hội giúp trẻ cảm thấy nỗ lực của chúng được đánh giá.
Ngoài ra, trẻ lúc này chưa hiểu một bức tranh mình vẽ là đẹp hay xấu, bởi thế, khi cha mẹ muốn khuyến khích con mà khen bức tranh ấy đẹp, sẽ hình thành nếp nghĩ trong trẻ về một giới hạn về cái đẹp, từ đó dễ dàng làm mất đi khả năng sáng tạo của trẻ trong những tác phẩm về sau.
Vì thế, thay vì đánh giá đẹp hay xấu, cha mẹ khi quan sát bức ảnh xong có thể nói rằng mình nhìn thấy những sắc màu nào và hỏi con ý nghĩa và nhận xét về chính “tác phẩm” của mình. Hãy để trẻ tự sáng tạo và tự nói lên ý nghĩa của những sản phẩm sáng tạo của riêng mình.
4. “Con hãy ngừng việc đó lại ngay!”
Đe dọa một đứa trẻ không bao giờ là một ý tưởng tốt. Trước hết, bạn đang tạo cho trẻ nhận thức về khả năng sử dụng bạo lực để có được những gì mình muốn, ngay cả khi người khác không sẵn sàng hợp tác. Và như vậy, bạn không chỉ không nhận được kết quả mong muốn mà còn làm hỏng sự gắn kết với con.
Thay vì lớn tiếng quát nạt và dọa đánh con, cha mẹ hãy bình tĩnh đánh giá vấn đề. Trước hết là giảng giải cho con điều hay lẽ phải, như thế nào là đúng là chưa đúng để trẻ hiểu. Trong trường hợp, trẻ mắc lỗi, hãy đặt mình vào trường hợp của trẻ để hiểu mình sẽ lo sợ thế nào nếu bị cha mẹ mắng và tệ hơn là dùng roi nạt.
Ví dụ, khi trẻ đánh bạn, bạn hãy ngồi lại và nói rằng, con không nên đánh bạn vì bạn có thể bị đau và nếu như bạn đánh lại con cũng sẽ bị đau, và tình bạn giữa hai con có thể bị sứt mẻ… Cha mẹ nên nhớ, đừng tức giận mà trút giận lên con cái, và cũng không nên to tiếng và dùng roi vọt để dạy con.
5. “Nếu con làm được điều này, bố mẹ sẽ thưởng cho con”
Khuyến khích trẻ bằng vật chất là cách làm phổ biến nhưng lại có tác hại xấu đến trẻ nhất mà các bậc cha mẹ ngày nay thường mắc phải. Nếu cha mẹ luôn thực hiện cách khuyến khích này, trẻ sẽ sớm hình thành nên thói quen phải nhận được lợi từ việc mình làm. Nghĩa là sau này trẻ không dễ gì làm một điều gì đó mà không được đáp lại.
Thay vào đó hãy thử nói rằng: "Cám ơn con rất nhiều vì đã giúp mẹ dọn dẹp!" Khi bạn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình, trẻ sẽ có động lực để tiếp tục giúp đỡ. Và nếu sau đó con bạn không còn thực hiện, hãy nhắc chúng về thời gian trước. "Tuần trước con mang rác đi đổ, điều này đã giúp mẹ rất nhiều. Cảm ơn con!". Những câu nói như vậy cho phép trẻ tiếp tục phát huy những hành vi tốt.
6. “Con thật thông minh!”
Cha mẹ thường cho rằng khi mình khen con thông minh sẽ khiến con có thêm sự tự tin và đầy tự hào về bản thân. Trên thực tế, điều này hoàn toàn ngược lại. Khi bạn khen con mình thông mình, vô hình chung đã gửi một thông điệp cho con rằng con chỉ thông minh khi hoàn thành một việc gì đó.
Từ đó, khiến trẻ bị áp khi cố nghĩ làm sao cho tốt, sao cho cha mẹ hài lòng và được khen, nếu không sẽ bị cho là kém thông minh. Và chẳng may thất bại hay thất vọng vì kết quả không như mình mong muốn, trẻ rất dễ bị tự ti, chán nản và không muốn phấn đấu về sau.
Vậy nên, cha mẹ nên khéo léo nói với con rằng, đánh giá cao nỗ lực của con, để nhấn mạnh vào quá trình và sự nỗ lực mà không phải kết quả mà con đạt được.
7. “Con đừng có khóc!”
Khóc là một trong những dạng thể hiện cảm xúc mà bất cứ ai trong chúng ta đều có và đã trải qua. Nếu cha mẹ dỗ con bằng cách nói con đừng khóc thì đã khiến trẻ phải kìm nén cảm xúc và khiến trẻ nghĩ rằng khóc là điều không thể chấp nhận được.
Khi con gặp chuyện không hay và muốn khóc, cha mẹ hãy lặng lẽ ngồi bên con và cứ để cho con khóc
Sự kìm nén này nếu để lâu ngày sẽ khiến trẻ dễ bị trầm cảm và rơi vào trạng thái vô cảm về sau. Vì thế, khi con gặp chuyện không hay và muốn khóc, cha mẹ hãy lặng lẽ ngồi bên con và cứ để cho chúng khóc.
Sau đó, cha mẹ hãy lắng nghe tâm sự của con. Điều này không những giúp trẻ hiểu được cảm xúc của mình mà còn biết cách điều chỉnh những cảm xúc ấy. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng trong cuộc đời trẻ sau này.
8. “Bố mẹ hứa…”
Chỉ vì muốn con làm điều gì mà chúng ta dễ dàng nói lời hứa với trẻ rồi một lúc nào đó lại quên không thực hiện lời hứa đó, điều này sẽ khiến trẻ đi từ trạng thái hào hứng đến thất vọng, chán nản. Bởi, trẻ luôn tin lời người lớn và đặt hết hi vọng vào, một khi niềm tin không được đáp trả, trẻ dễ dàng xa lánh cha mẹ, thậm chí không còn tôn trọng nữa.
Do đó, cha mẹ nên cẩn thận và có trách nhiệm với những gì sẽ nói với trẻ, một khi đã hứa thì cha mẹ nên cố gắng thực hiện đến cùng.
9. “Chuyện này không có gì là to tát”
Trẻ em thường đánh giá cao những thứ có vẻ nhỏ bé và không quan trọng đối với người lớn. Vì vậy, hãy cố gắng nhìn những điều đó từ quan điểm của con bạn, thấu hiểu cảm xúc của trẻ.
"Mẹ biết con thực sự muốn làm điều đó, nhưng sẽ không có kết quả trong ngày hôm nay đâu" hoặc "Mẹ xin lỗi đã làm con thất vọng nhưng mẹ phải nói rằng “không được” là những cách nói sẽ khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng hơn nhiều so với việc cố gắng thuyết phục chúng rằng việc chúng làm không quan trọng.
10. “Sao con lại làm thế?”
Nếu con bạn chẳng may làm điều gì đó mà bạn không hài lòng, hãy dành một khoảng thời gian riêng tư và nói về chuyện đó một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng. Không nên phản ứng ngay và phản ứng một cách gay gắt với những gì trẻ đã làm và gây phật lòng bạn.
Hãy trò chuyện cùng con để hiểu con đang nghĩ gì và tại sao lại làm việc ấy. Trẻ sẽ có cơ hội được bộc lộ suy nghĩ của mình thay vì đóng cửa ngồi trong phòng một mình đầy tức giận và ấm ức khi nghe bạn quát mắng “Vì sao con lại làm thế?”… Đây là cách cha mẹ vừa hiểu con, vừa có thể phân tích, giảng giải cho con hiểu để không mắc lại sai lầm, đồng thời để trẻ có cơ hội bộc lộ cảm xúc của mình.
Theo Minh Anh
Dân Việt