Cầu toàn

Hơn 30 năm chung sống, có với nhau hai mặt con đều đã trưởng thành, bỗng một ngày, ông đòi ly hôn vì cho rằng lối sống, cách sinh hoạt của hai con người ở hai vùng miền là không hợp!

Hòa giải không thành, TAND Q.7, TP.HCM mở phiên xử, tuyên không cho ly hôn. Ông kháng án.

Cầu toàn



Phiên phúc thẩm diễn ra sáng 20/11. Những người dự khán rất ngạc nhiên bởi ông bà vẫn ngồi chung băng ghế trò chuyện thân tình, thỉnh thoảng bà đi ra nghe điện thoại, gửi giỏ xách cho ông. Vậy mà khi xử án, ông trở nên quyết liệt: “Tôi mệt mỏi lắm rồi. Va chạm vợ chồng giờ đã thành nỗi ám ảnh lớn. Xin tòa xử cho ly hôn để tôi được giải phóng khỏi con người này”.

Theo đánh giá của ông, bà là người hời hợt, không thấu hiểu, chia sẻ cùng chồng và là một phụ nữ… ghê gớm. Hai người có suy nghĩ và lối sống rất khác biệt vì người xuất thân ở quê, người là dân thành phố. Có lần cha ông bệnh, ông đưa về thành phố chạy chữa nhưng bà chỉ hỏi han cho có lệ chứ không chăm sóc tận tình như những người con dâu khác ở quê. Muốn “rủ” vợ về quê, với ông là điều không tưởng, vì bà thường viện cớ không quen nếp làm dâu ngoài đó như dậy sớm thức khuya, nấu nướng cho cả họ tộc ngày giỗ lễ...

Lý giải chuyện bà "ghê gớm", ông nói: “Có lần gây nhau, tôi lỡ tay đánh vợ. Sau đó, tôi hối hận đã dùng dao… rạch hai đường lên tay để tự nhắc nhở mình. Nào ngờ, bà ấy coi đó là điểm yếu của chồng, ngày càng lấn lướt. Mỗi lần cãi vã là bà khích bác cho tôi nổi nóng, đánh đập. Tôi bỏ đi, bà ấy nhắn tin chửi bới, xúc phạm. Lâu dần, tôi miễn nhiễm, không thèm xem tin nhắn của vợ, lòng đầy chán ngán”. Mới đây, mẹ đổ bệnh, ông đưa về thành phố nhưng bà tỏ thái độ lạnh nhạt, bỏ mặc, không hỏi han. Giận vợ, ông cùng mẹ ra ngoài thuê một phòng trọ sống. Không kiếm ra ông, bà lại nhắn tin từ trách móc chuyển sang miệt thị. Như giọt nước tràn ly, ông quyết tâm bỏ vợ. “Tôi thương bà ấy nhưng sống với sự im lặng chịu đựng này còn khổ đau hơn” - ông kết luận.

Bà nghe, mếu máo vừa khóc vừa trình bày rằng chồng là người cầu toàn, đòi hỏi vợ không sao biết đủ. Thời còn khó khăn, bà được cha mẹ cho một con heo, coi như tài sản duy nhất của vợ chồng lúc đó. Khi cha ông bệnh, bà đã bán đi để lo viện phí. Những khoản vay mượn âm thầm lo cho gia đình chồng, bà tự tính toán rồi xoay xở trả, cũng không muốn nói với ông. Bà thừa nhận mình có cái lỗi lớn nhất là biết chồng dễ tổn thương, tự ái nên thường xúc phạm, cố để ông… thua. Bà còn yêu chồng, vợ chồng sống với nhau đã mấy chục năm, bà không muốn mái ấm tạo dựng bấy lâu tan nát. Khi mẹ ông vào thành phố, bà cũng đang bận bịu cha mẹ già nên có thiếu chu toàn. “Bề ngoài, ông ấy rất tử tế với vợ con nhưng bên trong lại không vừa lòng với bất kỳ điều gì tôi làm. Tôi như con thoi mà ông ấy không hiểu!”.

Vị chủ tọa phân tích, sự khác biệt lối sống giữa người quê và người thành phố không phải là lý do, vì đã mấy chục năm ông bà là vợ chồng bên nhau. Phần ông, vợ đã cố gắng mà luôn đòi hỏi sự hoàn hảo thì biết sao cho đủ. Bà cũng nên rút kinh nghiệm, chồng không muốn cãi vã, chửi bới, xúc phạm nhau thì phải tôn trọng, sao lại thách thức ông làm gì? Nhận định mâu thuẫn giữa hai người chỉ là tạm thời bùng phát, có thể khắc phục được nếu cả hai cùng biết nhìn nhận và tìm hướng giải quyết nên tòa lại tuyên bác yêu cầu ly hôn của ông.

Họ lại ân cần hỏi han nhau trước khi rời phòng xử. Ông đi trước vài bước, bà theo sau, nói một mình nhưng như thể cho ông: “Để em cố gắng sửa sai”… Lẽ nào, hơn 30 năm chung sống và vẫn còn thương yêu mà ông bà lại không thể nắm tay vượt qua chút sóng gió bất hòa?

Theo Nguyễn Dân
PNO