Căng thẳng, lo âu về cả thể chất và tâm lý sẽ ảnh hưởng đến các mẹ bầu
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, căng thẳng, lo âu là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến bà mẹ và thai nhi.
Bên cạnh quan niệm "con cái là của trời sinh" thì không ít các gia đình muốn được sinh con theo ý muốn. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, việc lựa chọn giới tính có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó, phổ biến là muốn sinh con trai để nối dõi tông đường, làm trụ cột cho gia đình. Có trường hợp chọn giới tính cho... hợp phong thủy, tốt cho bố mẹ. Cũng có trường hợp do lo ngại những căn bệnh di truyền (di truyền khác biệt giữa nam và nữ) nên phụ huynh buộc phải lựa chọn giới tính cho thai nhi.
Tuy nhiên, do có nhiều hệ lụy như làm tăng tỷ lệ phá thai, chênh lệch nghiêm trọng giới tính của một thế hệ... nên việc chọn giới tính thai nhi ở nhiều quốc gia bị cấm.
Trên thực tế, nhiều cặp đôi sử dụng những phương pháp tự nhiên như căn thời gian rụng trứng của phụ nữ để tăng tỷ lệ có thai như mong muốn. Song đôi khi, càng mong muốn nhiều lại càng khó thụ thai. Áp lực của việc sinh con đúng mong muốn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tâm lý của các bà mẹ.
Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng, căng thẳng, lo âu, những áp lực trong cuộc sống hàng ngày ảnh hưởng không chỉ ảnh hưởng đến các bà mẹ mà thậm chí ảnh hưởng đến thai nhi.
Theo đó, trang Brightside cho biết, nghiên cứu trên các bà mẹ sinh con tự nhiên thì tỷ lệ là khoảng 105 bé trai/100 bé gái. 1/3 số bà mẹ có con trai từng trải qua căng thẳng, dẫn đến nồng độ hormone tăng cao, lượng đường trong máu biến động, trọng lượng cơ thể thay đổi, thậm chí có dấu hiệu viêm nhiễm.
Các bác sĩ chuyên khoa quan sát thấy rằng, những phụ nữ gặp căng thẳng thì ít có cơ hội sinh con trai. Một nghiên cứu khác cho thấy, có 56% các bà mẹ khỏe mạnh sẽ sinh con trai, 40% bà mẹ căng thẳng, lo âu về mặt tâm trí sinh con trai và chỉ có 31% các bà mẹ ốm yếu thể chất sinh con trai.
Do vậy, không chỉ các bà mẹ muốn sinh con trai mà mọi bà mẹ đều phải chú ý nhiều hơn về việc bồi bổ sức khỏe. Ăn uống khoa học, tập luyện thể dục hợp lý, tránh đi lại quá nhiều cũng như tránh ngồi làm việc quá lâu. Ngoài ra cần phải bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình mang thai.
Ở khía cạnh khác, phụ nữ mang thai cũng cần giữ một tâm lý thoải mái, vui vẻ, tránh căng thẳng, lo âu. Chồng và các người thân trong gia đình hoặc bạn bè có thể giúp đỡ các thai phụ bằng cách nói chuyện, dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ thai phụ.
Bản thân việc mang thai cũng rất vất vả và tạo áp lực không nhỏ về mặt thể chất cho phụ nữ. Chỉ có khi tinh thần vui vẻ, thì cơ thể mới có thể gánh được áp lực trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai.
Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp do quá áp lực nên các bậc phụ huynh không thể có thai và phải sử dụng các phương pháp hiếm muộn như thụ tinh nhân tạo. Điều đó cho thấy, tâm lý rất quan trọng trong việc thụ thai.
Các nhà nghiên cứu cũng mong muốn rằng các vị phụ huynh hãy có cái nhìn thoáng hơn, dù là con trai hay con gái thì hãy đối xử với con cái một cách công bằng với tình yêu thương.