Cái lồng đèn trung thu
(Dân trí) - Đến sống ở thành phố mới, cả mẹ lẫn con đều bối rối với rất nhiều chuyện. Không kể những lúc lạc đường, mỗi lần ra khỏi nhà lại trở về theo một lối khác, chuyện khẩu vị ăn uống, chuyện giao tiếp nói năng, tất tật đều phải học.
Khu nhà trọ có vài đứa trẻ. Đứa bập bẹ nói, đứa lẫm chẫm đi, đứa còn đang ẵm ngửa. Thằng bé thành ra lớn nhất. Giống như nhiều dịp lễ tết khác, khái niệm “trung thu” với thằng nhỏ thật ra không nhiều. Có lẽ nó quen với việc “nhà chỉ có mình mẹ, không nên đòi hỏi quá nhiều”.
Mấy ngày rồi chắc nghe bạn bè, cô giáo bàn chuyện tết trung thu, cu cậu cũng hỏi han ra chiều quan tâm hơn. Hỏi thì hỏi vậy chứ tuyệt nhiên không nhắc gì chuyện đèn lồng hay bánh trái. Nó không thích ăn vặt, còn đồ chơi lâu lắm mới dám nài nỉ mẹ cái nọ cái kia.
Rất nhiều khi mẹ thương sự nhạy cảm, nhẫn nhịn của thằng bé. Chỉ thoáng nghe câu trả lời của mẹ, nó biết ngay đòi hỏi nào nên dừng lại. Phải chăng sự nhạy cảm đó luôn rất rõ ở những đứa trẻ nhà nghèo?
Trung thu năm nào cũng kề cận với năm học mới. Thế nghĩa là trước khi nghĩ tới bánh trái, đồ chơi, mẹ phải lo toan sách vở, quần áo mới và bao khoản đóng góp đầu năm khác. Có những cái không thể không mua, mà số tiền thì có hạn.
Chiều nay hai mẹ con trở về nhà sau một ngày làm việc và học tập. Ba cô gái thuê phòng tầng dưới gõ cửa mang tặng chiếc lồng đèn rất xinh. Thằng bé vui sướng ngỡ ngàng. Nó ngước nhìn mẹ ra chiều xin ý kiến. Sau cái gật đầu nhẹ nhõm của mẹ là những bước nhảy cà tưng cà tưng của con.
Trung thu này con đã có đồ chơi sớm. Mẹ không biết giữa mình và con, ai là người vui hơn. Món quà bình dị đã đến thật đúng lúc. Ba cô gái ríu rít ra về từ lúc nào mà mẹ vẫn để cánh cửa mở rộng rất lâu sau đó. Cánh cửa đó bao lâu nay luôn đóng kín khi có hai mẹ con ở nhà.
Đỗ Dương