Cách "xử lý" nhanh gọn các thực phẩm thừa sau Tết
Trước Tết bạn mua thực phẩm với tâm lý "thừa hơn thiếu", nên những ngày sau Tết, bạn đau đầu vì phải nghĩ cách xử lý rất nhiều thức ăn, thực phẩm thừa. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn cách "xử lý" nhanh gọn các thực phẩm thừa sau Tết.
Bánh chưng
Hầu hết các loại thức ăn còn thừa đem chế biến lại bằng cách chiên lên sẽ để được lâu hơn là để luộc. Bánh chưng để lâu một là sẽ bị lại gạo, cứng hoặc không sẽ bị mốc ở phần vỏ lá. Cách tốt nhất đối với bánh chưng chưa ăn hết nên để vào ngăn mát tủ lạnh. Bạn có thể mang đồ lại để bánh mềm, hoặc có thể cắt miếng mỏng đem chiên vàng giòn.
Một đĩa bánh chưng rán ăn kèm với hành kiệu muối chua hoặc chỉ là rưới nước tương cũng đủ hấp dẫn với mọi người rồi. Tương tự, bạn cũng có thể chiên thịt gà, giò rồi để nguội đặt vào tủ lạnh bảo quản.
Thịt gà
Phần xương và thịt trắng có thể dùng để nấu súp hoặc cháo đều rất ngon mà còn đổi vị cho cả nhà nữa. Hoặc có thể xé nhỏ trộn gỏi, thịt gà ăn kèm các loại rau sẽ bớt ngán.
Phần thịt có thể là ruốc. Bạn xé thịt gà thành sợi, ướp với bột nêm và chút nước mắm cho thơm, sau đó cho cả vào chảo, đảo đều với lửa nhỏ, vừa đảo vừa nêm nếm thêm cho vừa miệng. Ruốc thì rất dễ ăn và có thể ăn kèm nhiều loại thức phẩm khác nhau.
Hơn nữa, ruốc có thể bảo quản được rất lâu. Thịt gà và thịt heo, thậm chí thịt bò, bạn xé nhỏ, đảo qua với lửa cho khô thịt. Sau đó dùng chày giã nhỏ, thêm muối và bỏ vào hộp dùng dần. Tất nhiên, bạn có thể trộn lẫn cả 3 loại thịt này với nhau để làm ruốc hỗn hợp.
Rau củ quả tươi
Với các rau củ tươi, bạn cắt bỏ rễ, các phần một úa vàng, hư thối. Sau đó cho rau củ đã được làm sạch vào túi nhựa, bao bì, nhớ đóng kín miệng bao, túi và cho vào ngăn mát của tủ lạnh.
Làm tương tự với trái cây, nhưng trước khi cho trái cây vào túi đóng kín, bạn nên bọc trái cây lại với giấy báo sẽ giúp giữ trái cây tươi lâu, không bị chín hàng loạt, gia đình bạn sẽ không thể ăn kịp.
Thực phẩm tổng hợp các loại
Với cá, mực, tôm, thịt khô, bạn nên bọc giấy báo hay giấy bạc, cho vào túi nhựa và đặt vào tủ lạnh, để giữ thực phẩm lâu hơn. Các thực phẩm bất kỳ về cơ bản khi bảo quản trong tủ lạnh nên bao bọc kín và để riêng sẽ giúp đảm bảo chất lượng thực phẩm, nếu một thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hay hư thối sẽ không tác động đến các thực phẩm khác.
Bạn cũng nên phân loại, đặt các thực phẩm vào các khu vực riêng một cách khoa học. Ví dụ như, bạn đặt trứng, pho mát, sữa… thực phẩm nhẹ vào ngăn trên cùng, ngăn tiếp theo bạn đặt thực phẩm đã qua chế biến như bánh chưng, thịt kho, mắm các loại… Với rau củ quả, bạn cho vào bao, bọc kín và đặt vào ngăn kế tiếp…
Làm như vậy, khi bạn mở tủ lạnh ra, ngay lập tức bạn sẽ biết món nào mình cần giải quyết trước, món nào để sau được, món nào đã hư hỏng cần loại bỏ…
Các thực phẩm, món ăn khác
Với thịt bò, lợn, gà, vịt còn thừa sau Tết, bạn có thể cắt nhỏ, xay nhuyễn làm món thịt viên, đậu nhồi thịt, món xào với rau củ, vừa ít dầu mỡ, ăn không ngấy mà lại có lợi cho sức khỏe.
Xúc xích, lạp xưởng, giò, chả… bạn cắt nhỏ làm bánh mì nguội ăn buổi sáng hoặc xào nấu với cà chua, khoai tây, rau củ khác để tạo nên nhiều món ăn ngon làm đa dạng bữa ăn gia đình.
Với cá chiên, bạn không cần phải chiên lại và cố ăn tiếp, hãy cho thêm cà rốt, ớt đà lạt, hành tây cắt sợi và xào cùng cá, bạn sẽ có món cá xào rau củ cực lạ miệng mà ngon tuyệt.
Các thực phẩm thừa thay vì nấu lại và “ép” cả nhà cùng nhau ăn, bạn hãy kết hợp với rau củ, mì, bún cùng các cách chế biến khác để tạo món mởi đổi vị cho gia đình. Với các cách làm này, các thực phẩm thừa sau Tết sẽ nhanh chóng được nhà bạn giải quyết hết.
Theo Nguyên Thảo
Dân Việt