“Cách ly toàn xã hội” để chúng mình gần nhau hơn
(Dân trí) - Nỗi lo lắng của người lớn về dịch bệnh, về thất nghiệp, về cơm áo gạo tiền hóa ra lại thành niềm vui của con trẻ. Bởi đơn giản thôi, chẳng bao giờ bố mẹ lại nghỉ ở nhà cùng con giữa ngày thường.
Từ tết, sau khi nhà trường thông báo con được nghỉ dịch, vợ chồng tôi gửi con về quê ở với ông bà. Con nghỉ học, nhưng bố mẹ thì vẫn phải đi làm. Nó còn quá nhỏ, không yên tâm để ở nhà một mình, gửi hàng xóm mãi cũng phiền hà lại không an tâm, cuối cùng chúng tôi quyết định đưa con về nội.
Con bé chưa bao giờ rời xa vòng tay bố mẹ quá hai ngày. Ngày nào gọi điện nó cũng khóc trong điện thoại: “Con muốn về nhà”. Nhớ con, tôi cũng nhiều đêm không ngủ.
Khi Thủ tướng ban bố chỉ thị “cách ly toàn xã hội”, cả hai vợ chồng tôi đều được cơ quan cho nghỉ làm việc ở nhà. Chồng tôi chạy xe máy về quê trong đêm để đón con lên trước giờ “cách ly toàn xã hội” có hiệu lực. Con bé gặp bố, cứ ôm bố mãi không rời.
Bình thường, bé con luôn dậy muộn nhưng hôm nay nó dậy sớm nhất nhà hỏi véo von. Cả nhà dậy làm vệ sinh cá nhân. Trong khi mẹ nấu mì tôm, hai bố con tập thể dục bằng cách nằm xuống sàn nhà chống đẩy. Tiếng chồng tôi hô vàng 1-2-1-2 corona biến xa, tiếng hô yếu ớt dần rồi anh đổ ập xuống nền nhà giơ tay “Bố thua con gái” khiến bé con cười đắc thắng.
Chồng tôi vốn đông bạn bè, bình thường rất ít thời gian dành cho con. Trước đây, kể cả ngày nghỉ, mở mắt ra là có người gọi điện rủ ăn sáng, cà phê, về chưa ngồi ấm chỗ là có người rủ đi đá bóng, uống bia. Trong suy nghĩ của tôi, chồng là một người ham chơi và vô tâm cao độ. Anh là con trai một, vốn được chiều, rất ít khi làm việc nhà. Thậm chí có lần chúng tôi còn cãi nhau to vì tôi cho rằng anh quan trọng các mối quan hệ bên ngoài hơn gia đình.
Từ khi dịch bùng phát tôi mới nhận ra, khi không có lý do để ra ngoài thì anh cũng làm việc nhà rất cẩn thận và bếp núc khá khéo. Những món ăn anh nấu tôi thấy rất ngon. Con gái thì luôn miệng nịnh bố “Bố nấu ngon quá, lần sau bố nấu món này nữa nhé”. Chồng tôi vui cười tít mắt, gắp hết cho vợ lại sang cho con.
Rồi trong khi tôi dọn dẹp, anh ngồi làm việc và học bài cùng con. Mỗi khi con đọc sai bài hay sai một phép cộng trừ anh không cáu như tôi thường làm. Anh còn kể “ngày xưa bố học kém hơn con bây giờ. Bố luôn làm bà nội buồn lòng. Nghĩ lại bố rất hối hận. Con gái bố cố gắng để mẹ không buồn nhé. Mẹ cáu không phải vì con học kém, mà là vì mẹ buồn quá đấy”. Con tôi gật đầu, ngồi cắm cúi sữa lỗi.
Những lúc tôi phơi đồ, chồng còn lấy móc phơi cùng. Tôi rất ngạc nhiên, việc ấy xưa nay anh vốn chưa từng làm. Tôi đùa:
- “Cô Vy này thật có sức mạnh, thay đổi anh nhiều đấy”
- “Ở nhà không làm, vợ ngứa mắt, cãi nhau, hết dịch rồi lại kéo nhau ra tòa thì nguy, nhỉ?”.
Bộ cờ vua tôi mua cho con về để ở xó bàn được lôi ra, hai bố con say sưa đánh. Rồi anh dạy con gái chơi cờ tướng. Thật may ngoài đam mê vẽ, con gái lại rất thích chơi cờ. Những món này tôi vốn mù tịt, con đòi mua thì mua, nhưng về tôi lại không biết chơi, chồng tôi thì luôn bận. Giờ này, không có lý do gì để bận nữa, là cơ hội vàng cho anh làm thầy dạy.
Sáng sớm nay, con gái tôi lay tay bố hỏi: “Bố ơi, hôm nay bố được nghỉ cách ly nữa không?”. Nhìn vẻ mặt háo hức chờ đợi của cô con gái nhỏ, tự nhiên lại thấy thương thương.
Lê Giang