Các pha "chọc gậy" xứng tầm "đi vào lòng đất" của… những bà hàng xóm

Hải Đường

(Dân trí) - "7 triệu, ít thế? À chắc học dốt nên lương được thế thôi hả? Con Hoa nhà bác có học hành gì đâu, tháng kiếm vài chục triệu vừa sửa cái nhà cho bác đấy…", hàng xóm nói.

Nhiều câu nói, câu hỏi chọc ngoáy của bà hàng xóm đã "đi vào huyền thoại" và trở thành đề tài bàn tán rất hot trong giới trẻ, giống như một kiểu đại diện cho cái "vô duyên vô tội", không kể ra thì tức mà kể mãi thành nhàm, nhưng không bao giờ thay đổi được.

Như mới đây trên mạng xã hội lại lưu truyền một câu chuyện về bà hàng xóm hỏi thanh niên gần nhà "đi làm lương tháng được bao nhiêu?".

- "Dạ cháu đủ sống ạ", khổ chủ trả lời tế nhị.

- "Đủ sống là bao nhiêu?", bà hàng xóm vẫn không hề muốn… tế nhị.

- "Dạ, 7 triệu ạ".

- "Trời ơi, vậy hả? Con cô nó làm một tháng được mấy chục triệu, sắp mua nhà trên Sài Gòn rồi. Cứ hết một tháng là nó gửi cho cô vài triệu xài chơi…".

Hay một câu chuyện tương tự:

- Đi làm chưa cháu, làm gì thế?

- Dạ cháu viết báo ạ.

- Ừ, mày bán chữ thế lương tháng được mấy đồng? Có nổi 10 triệu/1 tháng không?

- Dạ 7 triệu.

- 7 triệu, ít thế? À chắc học dốt nên lương được thế thôi hả? Con Hoa nhà bác có học hành gì đâu, tháng kiếm vài chục triệu vừa sửa cái nhà cho bác đấy…

Hoặc một câu chuyện khác:

Một cô gái mới mang bạn trai về nhà giới thiệu nên bố mẹ muốn tìm hiểu thêm gia cảnh của anh ta. Mẹ cô gái lân la đến hàng nước đầu ngõ nhà anh để hỏi thăm. Vừa nói tên, nói nhà, bà hàng nước đã nhanh nhảu: "Thằng T. con nhà ông D. hả. Thằng đấy mới đi tù về đấy. Nó đi biệt 2 năm sau khi bỏ vợ, mới về mà. Có một đứa con riêng rồi. À, tôi là tôi không định nói ra chuyện của hàng xóm đâu nhưng thấy nhà chị cũng hiền lành tử tế nên nói cho mà biết…".

Chuyện tình mới chớm tất nhiên sau đó đã ngay lập tức kết thúc. Người ta bảo trong cái tọc mạch thôi thì cũng có cái may, tránh được cho cô gái một lựa chọn mạo hiểm. Nhưng đối với nhà ông D., có một bà hàng xóm như vậy thật không khác gì bị sao quả tạ chiếu ngay từ đầu ngõ vào nhà.

Giới trẻ cho rằng những bà hàng xóm như vậy thường là kiểu đã có tuổi một chút, vẫn quen nếp sống tọc mạch, nhiều chuyện như các cụ thời xưa với lối sống quần thể làng xã, ai có chuyện gì thì trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường nhờ các "dư luận viên" đưa tin đánh tiếng.

Cách sống đó được một điểm đáng yêu là nhiều khi người ta vì thế mà biết nhiều vấn đề của nhau hơn, sống gần gũi tình cảm, giúp đỡ nhau kịp thời hơn, nhưng phần lớn thì nó gây ra sự phiền toái và khó chịu khi bí mật đời tư bị xâm phạm, bị đem ra bàn tán hoặc bị trở thành cái cớ để bà hàng xóm "dìm hàng" kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy, hàng xóm càng có lúc thích hơn thua".

Đa phần các kiểu đưa chuyện, "chọc gậy" của bà hàng xóm không mang nhiều ác ý hay hậu quả nặng nề nhưng ở "trình cao" vẫn có thể chia rẽ nội bộ, khiến một gia đình bị xào xáo.

Nhiều người trẻ cho rằng cũng nên thẳng thừng đối đáp với họ để lần sau họ đừng vô duyên như vậy nữa. Ví dụ trước câu nói chê con nhà hàng xóm học hành lắm mà lương ít, tôn con mình chẳng học gì mà có thu nhập cao, có thể nói lại: "Con các bác các chú không học hành làm nghề gì lương cao thế"" hoặc "Lương con cô tháng vài trăm củ (triệu - PV), lái xế hộp các kiểu sắp về quê xây cái nhà nho nhỏ, chắc nhà lớn của cô nó bán chơi tiền ảo rồi phải không ạ?".

Nhưng đa phần cho rằng cách sống đó không còn lại mấy người, và không cần thiết phải chấp nhặt với người lớn, tự những người hiểu chuyện sẽ không muốn nghe, không quan tâm lời của họ nói vì biết họ là "hàng xóm xấu tính, xấu bụng".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm