Các kiểu bắt nạt chồng
“Trả em điều khiển, phim đang xem dở” - Ngoan lớn tiếng với chồng. Tức thì, chồng cô cố giữ lấy cái điều khiển tivi, nài nỉ: “Để kênh này xem bóng rổ”. Ngoan phụng phịu rồi nhào tới, cuối cùng cũng “cướp” được cái điều khiển.
Còn Hồng (Đông Anh, Hà Nội) có “quyền” sai chồng cái gì cũng phải được. “Anh, đổ hộ em chậu nước lau nhà” - Hồng yêu cầu khi anh xã đang dán mắt vào màn hình máy tính. “Để đấy, lát đổ” - chồng cô nhăn nhó. Ngay lập tức, Hồng chạy tới rút “bịch” cái phích cắm ra khỏi ổ điện. Chồng cô nhảy dựng lên: “Điên à?”. Hồng lườm chồng, dọa: “Anh không đổ, em còn điên nữa đấy”.
Theo Hồng, nếu không nghiêm khắc từ đầu, “mấy bố” ấy rất dễ hư hỏng. Hồng “đành hanh”, còn chồng cô thì dễ tính. Thành thử, nhờ gì mà chồng chần chừ là cô không để yên. May anh xã cũng chỉ cười biết lỗi hoặc hơi cáu nhưng vẫn làm theo “phép vợ”.
Lan (quận 1, TPHCM) có kiểu bắt nạt chồng “gậy bà đập lưng bà”. Hễ bực chồng là Lan tức tốc bắt taxi ôm con về bên ngoại. Mà đã đi là không mang theo thứ gì, ngoài tiền taxi. Bởi chỉ một loáng sau, chồng cô thể nào cũng phải “hạ mình” nhờ người mang quần áo cho hai mẹ con hoặc chí ít là mang đồ đến gửi ông bà ngoại.
Tuy nhiên, đến lần thứ 5 thì chồng cô “làm mặt cứng”. Thắc thỏm ngóng mà chồng không chịu sang, tự về thì ngượng vì trước khi đi, Lan đã hùng hổ tuyên bố: “Anh không đón, đừng mong tôi về”, thế nên dù gần một tuần trôi qua, Lan vẫn “cố thủ” ở bên ngoại.
Không “độc tài” như Ngoan và Hồng, Ánh (Mỹ Đình, Hà Nội) có kiểu “bắt nạt” chồng đáng yêu hơn nhiều. Đang dở tay nấu nướng lại hết dầu ăn, Ánh gọi lớn: “Anh ơi, cầm tiền mua cho em can dầu 5 lít”. Chồng Ánh cộc lốc: “Tự mua đi. Đang bận”. “Nói lần cuối, anh có mua không?” - Ánh “gào lên”. “Không” - chồng cô cục cằn. Thấy tình hình có vẻ căng, Ánh liền đổi giọng: “Không chứ gì, được thôi. Không thì... em tự đi”.
Ánh kể, những lúc vui, cô tha hồ bắt nạt chồng. Tuy nhiên, khi thấy tâm trạng của đối phương có vẻ “bất thường” thì cô đành chọn kế “rút”. Nhờ thế, hai vợ chồng tránh được những cãi cọ không cần thiết. Bởi vì nếu chồng cô đang “điên”, cô cố thách thức thì chỉ chuốc lấy thất bại.
Cũng kiểu “nạt nộ” chồng vui vui là Yến (Long Biên, Hà Nội). Một lần, thấy con trai 10 tháng tuổi được bố trông mà vẫn bị vập đầu vào bàn đến u trán, Yến “tru tréo”: “Giời ơi, anh trông con thế à? Nó mà có làm sao thì anh chết với tôi”. Chồng Yến cười nhận tội và từ đó, việc chăm con của anh tốt hẳn lên.
Còn Minh (Gia Lâm, Hà Nội) nhờ chồng việc gì không được là làm mặt dỗi. Nhưng đấy là lúc chỉ có hai vợ chồng với nhau. Khi nhà có bạn bè của chồng hay của vợ đến ăn cơm, nếu Minh nhẹ nhàng: “Anh ơi cắm hộ em cái quạt” nhưng chồng đáp gọn lỏn: “Không cần cắm” thì Minh lại cười, chứ không giận.
“Chồng chứ có phải rôbôt đâu mà nghe lời vợ tăm tắp được. Ở trước mặt người khác thì cũng cần giữ thể diện cho chồng tý. Đàn ông vẫn thích thế mà” - Minh chia sẻ.
Thế mới biết bắt nạt chồng cũng cần tâm lý, tế nhị. Nếu không sẽ thành “xôi hỏng bỏng không”.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé