Búp bê không tình yêu

Bố mẹ yêu thương, lo lắng, dạy dỗ con gái là chuyện đáng hoan nghênh. Thế nhưng, đôi khi sự kìm kẹp quá mức ấy lại tạo ra những tâm hồn bất động. Các cô như những con búp bê hiền lành, an phận và buồn tẻ trong tủ kính, thật khó đi tìm hạnh phúc.

Hương rơm rớm nước mắt khi điện thoại bỗng dưng tắt ngúm. Câu nói cuối cùng mà cô nghe được trước khi Nghĩa dập máy: “Tùy em thôi, có người yêu cũng như không”.

 

Không phải trong thâm tâm cô muốn như vậy mà là vì bố mẹ cô không thích cô có quan hệ yêu đương nhăng nhít. Ngay từ nhỏ Hương đã được bố mẹ bao bọc và cung phụng từ đầu đến chân.

 

Sự yêu thương chăm sóc của các các cụ được thể hiện bằng việc đi đâu cũng có người đưa đón, bất cứ bạn nào đến nhà chơi đều được gia đình điều tra lý lịch. Đặc biệt, nếu chàng trai nào đủ bản lĩnh để đến “thăm hỏi con gái” thì cũng phải “chào bác cháu ngược” trong vòng 15 phút.

 

Tuy đã bước sang tuổi 21, nhưng Hương chưa có một mảnh tình nào vắt vai. Đối với cô, đó là thứ đồ xa xỉ. Cô chưa hề biết đến cái cảm giác hồi hộp khi hẹn đi chơi riêng với bạn trai. Bất cứ khi nào đi đâu ra ngoài cô đều phải trả lời một loạt những câu hỏi: đi đâu, đi với ai, số điện thoại, mấy giờ về...

 

Chính điều đó khiến Hương cảm thấy e ngại và dần dần cô không còn ham muốn đi ra ngoài chơi với chúng bạn. Một lần, hai lần rồi ba lần, bạn bè quá chán với điệp khúc: “tao không đi được đâu” của cô mà lần lượt rút lui và chẳng muốn nhớ tới cô trong mỗi cuộc vui.

 

Chưa bao giờ Hương dám thích một người con trai nào. Lúc nào trong thâm tâm cô cũng lo sợ sự tra hỏi của cha mẹ cũng như những phiền toái mà người con trai đó gặp phải khi có quan hệ với cô. Đến khi gặp Nghĩa, cô thực sự rung động.

 

Nhưng thật phũ phàng, khi Nghĩa “đơn phương độc mã” đến nhà Hương gặp ngay cái nhìn đầy soi mói của bố mẹ cô. Sau đó, phụ huynh phán: “Con phải chú tâm vào học, cậu bạn đó chẳng thích hợp với con đâu”.

 

Từ đó cô không được thoải mái gặp Nghĩa, mọi cuộc điện thoại của cô đều bị kiểm tra gay gắt. Nhiều lần Nghĩa đến, mẹ cô từ chối thẳng thừng. Anh phải buồn bã ra về.

 

Những cô gái có lối sống như Hương không phải là hiếm. Họ luôn phải làm theo lời khuyên, tuân thủ theo mọi nguyên tắc “Là con gái thì phải giữ lấy danh giá”. Thậm chí nhiều cô gái luôn luôn bó hẹp mối quan hệ của mình trong nhà trường hoặc gia đình, cơ quan.

 

Chiếc tủ kính bao bọc bên ngoài những cô búp bê ngoan này là rào cản khiến cho họ khó khăn trong việc tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là người khác phái. Dưới sự quản lý chặt chẽ từ những người thân, họ chẳng có một cơ hội nào thể hiện tình cảm.

 

Bảo Dung, 25 tuổi đang làm nhân viên hành chính của một cơ quan nhà nước. Công việc được cha mẹ sắp xếp cứ thế đưa đẩy cô từ ngày ra trường cho đến tận bây giờ. Cô không muốn thay đổi vì cha mẹ cô không thích. Mọi sự sắp đặt Dung đều tuân theo răm rắp. Bằng tuổi cô, bạn bè đã xúng xính lấy chồng và có con, còn cô vẫn một mình lẻ bóng.

 

Không phải cô chưa từng yêu ai, mối tình đầu kết thúc khi cha mẹ cô mắng vào mặt cậu bạn trai học cùng đại học năm thứ nhất rằng: “Cậu đừng hủy hoại con gái tôi bằng tình yêu trẻ con của mình. Đũa mốc mà chòi mâm son”.

 

Cô tâm sự: “Nói yêu làm gì, ngay cả đi chơi với bạn gái cũng khó khăn”. Bố mẹ không bao giờ cho phép cô về nhà sau 18h30. Mỗi lần đi đâu với bạn, cô luôn nhìn đồng hồ đòi về.

 

Nhiều hôm “ham vui” với chúng bạn mà cô về muộn thể nào cũng bị một trận mắng xối xả. Khóc lóc vật vã một hồi rồi lại chẳng có gì thay đổi. Nếu hôm nào chưa thấy con gái rượu về nhà đúng giờ là bố mẹ lại gọi điện giục về.

 

Trong quan niệm của cha mẹ Dung, không có khái niệm đi chơi buổi tối, cứ về nhà là phải ở tiệt trong nhà. Ngay cả khi bạn bè bất chợt rủ cô đi uống cà phê tối cũng là điều không tưởng. Nhiều lần như thế, không bạn nào muốn rủ rê nữa.

 

Chuyện của Yến Ly còn bi đát hơn nhiều. Mẹ cô không bao giờ để cô tự làm bất cứ điều gì. Cô bị kiểm soát chặt chẽ mọi việc từ mua sắm quần áo đến các mối quan hệ hiện thời. Ngay từ bé cô đã được dạy bảo là phải biết sợ cha mẹ và không bao giờ được phép cãi lời.

 

Từ khi còn học cấp 3, Ly đã nổi tiếng là xinh đẹp và học giỏi, thế cho nên đã có nhiều cậu bạn theo đuổi cũng như viết thư làm quen. Mẹ Ly đã dẹp hết mọi đối tượng đó bằng cách tịch thu tất cả các lá thư và tiếp chuyện mọi cuộc điện thoại của các chàng gọi đến.

 

Với lý luận: “Điện thoại chỉ để trao đổi thông tin không phải là nơi buôn chuyện” nên bạn nữ nói chuyện nhiều nhất cũng chỉ được 15 phút còn bạn trai thì phải qua vòng sát hạch của “mẫu hậu”.

 

Anh nào gọi tới, cũng nghe những câu giống nhau như: “Anh tên gì, ở đâu, gọi có chuyện gì không”. Cậu nào kiên nhẫn lắm gọi đến lần thứ ba cũng chào thua.

 

Không những thế, tuy sống trong một gia đình nhưng Ly không bao giờ được bày tỏ quan điểm của mình. Cô chỉ nghe theo sự chỉ dẫn của cha mẹ. Hôm nào muốn đi chơi với ai thì cô phải nhờ cô bạn thân nhất bảo lãnh ra khỏi nhà và lại đưa về tận nhà khi cô hẹn hò với người ấy xong.

 

Buồn tủi mà không thể khóc, cô như một con chim bị kìm hãm trong lồng, không có cảm xúc lẫn khát vọng khẳng định mình.

 

Dù được “ép plastic” cỡ nào, những cô con gái này cũng đến lúc biết yêu thương, rung động. Đây là lúc họ phải đối diện với nhiều mâu thuẫn nhất. Không ít người muốn yêu như ý mình nhưng không thể. Bố mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống tình cảm khiến họ gần như thụ động.

 

Thái Anh, 25 tuổi, thuộc tuýp con ngoan, không dám tự do yêu đương, chỉ biết đi làm rồi về nhà.

 

Từ nhỏ, suốt ngày cô nghe những bài giáo huấn: Là con gái phải biết giữ thân, đừng thấy con trai là vồ vập thì chỉ mất giá, hay mày đừng làm việc gì mang tai mang tiếng đến gia đình này

 

Nghe lời, cô luôn luôn làm cha mẹ hài lòng bằng những câu khen ngợi về một cô con gái ngoan, hiền lành, ý tứ và đặc biệt là rất chính chuyên. Tất cả những lời khen đó trở thành nỗi ám ảnh đối với cô, cô không dám làm gì để “đánh mất” danh hiệu đó.

 

Năm 18 tuổi, trái tim Thái Anh loạn nhịp với một chàng sinh viên cùng lớp. Tình cảm ấy giống như tiếng chuông đồng hồ báo thức lôi cô ra khỏi giấc ngủ tẻ nhạt. Dù không dám công khai, nhưng cô cảm thấy yêu đời hơn.

 

Bỗng một hôm, mẹ bắt được lá thư cô viết cho cậu bạn. Sự tức giận của mẹ khiến cô run lên. Bà tát cô một cái và thuyết giáo: “Đồ con gái vô duyên, lại còn dám viết thư cho trai à. Việc quan trọng bây giờ là học chứ không phải mấy chuyện yêu đương vớ vn”.

 

Sau lần ấy, stop yêu, đúng hơn là không dám yêu, cứ sống khép kín như thế cho đến tận bây giờ. Mỗi khi bắt đầu tiếp xúc với người đàn ông nào, nghĩ đến việc mẹ sẽ “lật tẩy”, tim cô co rúm lại.

 

Bố mẹ yêu thương, lo lắng, dạy dỗ con gái là chuyện đáng hoan nghênh. Thế nhưng, đôi khi sự kìm kẹp quá mức ấy lại tạo ra tâm hồn bất động. Ngày nay, quan điểm về cô gái “ngoan” thoáng hơn nhiều.

 

Công - dung - ngôn - hạnh vẫn được đề cao nhưng không còn là tiêu chuẩn cứng nhắc. Nó đã được biến thành kiểu mẫu phù hợp với lối sống hiện đại. Một phụ nữ có công việc ổn định, lối sống lành mạnh, năng động và biết giao tiếp, thế là “ngoan” rồi.

 

Nếu bạn vẫn bị “cấm cung” nghiêm ngặt, hãy đem đến làn gió mới cho cuộc sống của bản thân. Cởi mở giao tiếp với mọi người, nhất là các bạn khác giới. Tiếp đến, bạn nên mạnh dạn lên tiếng nếu bố mẹ có những cấm đoán không phù hợp.

 

Theo Chi Anh

Ngôi Sao