Bủ già và tết

(Dân trí) - Bủ Huynh, Bủ Tính vốn nổi tiếng khắp làng vì là hai chị em gái đã ngoài tám mươi mà vẫn khỏe khoắn, minh mẫn, cùng làm ruộng phăm phăm. Hai Bủ còn lừng danh vì sự chịu thương chịu khó.

Hai ông qua đời sớm, hai Bủ (*) phải một thân gồng gánh nuôi đàn con lít nhít, ít cũng bốn năm đứa. Ấy thế mà giờ chẳng kém ai.

 

Cứ đầu tháng bảy Bủ Tính lại đi dò la xem giống lợn nhà ai tốt để tầm tháng tám thì bắt về, Bủ nuôi hai con mong chúng tranh nhau ăn cho mau lớn. Để tết sẽ thịt một con chia cho con cháu, một con bán, lấy vốn sang năm nuôi tiếp.

 

Con cháu tụ tập ở nhà Bủ để mổ lợn, chuyện trò râm ran, trêu đùa Bủ già đang cười khì: “Năm nay Bủ Tính được tuyên dương là làm ăn chân thật không điêu toa, cho lợn ăn chục cân ngô non như năm ngoái, khả năng là Bủ Huynh đứng canh ngoài chuồng lợn suốt hai hôm không cho Bủ Tính lảng vảng gần đó cũng nên”. Bủ cười móm mém, chửi, “Cha mày, ai biết chúng bây đến bắt lúc nào, cũng phải cho nó ăn tí chứ”.

 

Rồi bủ thường hãnh diện khoe, cỗ tết nhà tao to chẳng kém nhà chúng bay đâu nhá, mùng một đến chơi với Bủ, ăn bữa cơm cho biết, tao dành dụm từ trong năm cơ mà.

 

Bủ có năm người con, mọi người đều phương trưởng cả, cho tiền Bủ toàn giấu ở đâu chẳng ai hay. Hồi ông con Bủ Huynh bị vỡ nợ, BủTính chìa ra hai cây vàng giúp, mà ai nấy ngã ngửa, tất cả ngã lăn thêm phát nữa khi Bủ còn cho ông cháu hai chỉ để ăn tết. Ai giấm giúi cho tiền Bủ cho tất cháu đang học đại học, “Tao làm tao ăn chả phải ngửa tay xin đứa nào”. Đoạn bủ làm ruộng, trồng màu, rồi nuôi lợn chăm gà đủ cả. Nghe ai rền rĩ “Nhưng Bủ ơi, già rồi tham làm cái gì”. Bủ lại chẹp miệng: “Không làm tay chân ngứa ngáy lắm, đang thấy nhức xương, chạy cuốc ít đất lại thấy khỏe ra”. Con cháu chỉ còn nước “bó tay”, Bủ lại cười rồi hào hứng “bồi” cho thêm nhát nữa “Có chết cũng chả đứa nào phải lo hộ tao đâu nhé, tao đã mua sẵn áo quan và dành được mớ tiền rồi!”

 

Tết đến chẳng bao giờ Bủ quên “phát vốn” cho bọn trẻ. Đứa nào mua xe, xây nhà Bủ lại có tí ti gọi là cho cháu nó mừng. Mấy đứa trêu Bủ cứ như là Rôbinhút ấy nhỉ, lấy của kẻ giàu chia cho người nghèo.

 

Còn Bủ Huynh giờ đã có tuổi, nhà cửa lại neo, nên “gác kiếm” để lại ruộng cho đứa cháu làm, Bủ quay về mở tủ hàng con tí bán đồ lặt vặt phục vụ dân làng. Hôm mùng hai tết, có thằng bé đến mua hàng, phải trả lại hai mấy nghìn, Bủ lần lần mở túi, mắt kém, trong đó có tờ năm trăm nghìn hôm qua ông con cả mừng tuổi, Bủ cũng có biết nó là tờ nào đâu, đem trả cho thằng bé, đi được một lát thì nó quay lại trả Bủ, nghe thủng ra, Bủ giương đôi mắt nhăn nheo nhìn lại tờ tiền rồi mừng tuổi luôn thằng bé thật thà “năm mới học giỏi con nhé”. Thằng bé ngần ngừ cảm ơn rồi chạy đi.

 

Ra nó là cháu nội ông Huề cạnh nhà, bố mẹ nó liền sang chơi với Bủ, mừng tuổi lại cho Bủ và mấy đứa cháu, tình làng nghĩa xóm càng thêm thân.

 

Họp xóm lần nào mấy bô lão cũng phát biểu: “Trong nhà có người già như có được cả kho báu, nhờ họ mà con cháu được chỗ dựa tinh thần để phấn đấu, nhờ các Bủ mà những giá trị tinh thần, đạo đức, nề nếp gia phong cho mỗi gia đình được duy trì, để thế hệ sau nâng niu gìn giữ”.

 

Và câu kết bao giờ cũng khẳng định, niềm vui lớn nhất của con cháu là mỗi dịp lễ tết về quê được thấy các Bủ khỏe mạnh, nhai trầu bỏm bẻm, cười vui, mang đến một năm mới nhiều may mắn.
 
TSL
 
* (Bủ có nghĩa là cụ, theo tiếng địa phương Phú Thọ)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm