Bù đắp
Một mình trong căn phòng bên cạnh tờ đơn ly hôn đã được vợ ký sẵn, anh vẫn không tin đó là sự thật. Trái tim quặn thắt mỗi khi nghĩ đến ngôi nhà ba tầng khang trang, dịch vụ internet với hàng chục máy tính cùng chiếc xe Jupiter đời mới. Tất cả đều là số tiền vợ anh gửi về từ Đài Loan sau những năm xa cách, giờ chúng lại là thứ gọi là để "bù đắp" cho anh.
Còn nhớ năm năm về trước, ở cái làng quê nhỏ bé của anh bắt đầu xuất hiện trào lưu đi Đài Loan làm người giúp việc. Những người phụ nữ trong làng tuổi từ 40 trở xuống chỉ cần học thêm ba tháng đào tạo cùng một khoản tiền dành cho chi phí học và vé máy bay sau khi được ký hợp đồng thì họ có thể "xuất ngoại" với một mức lương... như mơ.
Ai cũng nghĩ: "Thôi thì chịu khó xa gia đình vất vả mấy năm nhưng bù lại khi về có chút vốn làm ăn thoát khỏi cái nghèo, rồi có đồng ra đồng vào cho con cái ăn học". Dân trong làng bắt đầu đổ xô đi thế chấp nhà cửa vay ngân hàng để cho vợ đi xuất ngoại. Và anh chị cũng vậy, nhà chẳng có gì đáng giá đành lấy tấm giấy đỏ ra thế chấp để có tiền ra đi.
Quả đúng như dự định của anh, ngay năm đầu tiên chị đã gửi được một số tiền kha khá đủ để anh trả nợ, ngoài ra còn mua thêm cho anh một chiếc xe máy "xịn" mà anh là người có sớm nhất trong làng. Ngày ấy, xóm giềng ai cũng mừng nhưng cũng xen lẫn phần ghen tỵ với anh chị. Sau khi hết hợp đồng hai năm, chị gọi điện về nói rằng vừa ký thêm một hợp đồng mới, ở thêm vài năm nữa.
Anh cũng đồng ý vì thời gian đầu lương chưa được cao lắm, càng những năm sau mức lương sẽ được tăng dần. Anh bụng bảo dạ: "Đã cố được hai năm rồi thì ba năm nữa cũng nhanh thôi". Và đúng là lần sau này số tiền chị gửi về có nhiều hơn hẳn. Mỗi khi gọi điện về, chị vẫn động viên anh sắp xếp thời gian phá bỏ nhà cũ để xây nhà mới. Thấy vậy anh lại phấn khởi thuê thợ thầy về làm và quán xuyến mọi việc.
Bấy giờ trong làng có gia đình anh P., vợ cũng đi Đài Loan, anh này ở nhà chăm sóc đứa con gái đang học lớp 1 và gánh vác hết công việc đồng áng kiếm lại số tiền mà anh đã vay để cho vợ đi nước ngoài. Ngược lại, trong suốt hai năm cô vợ không những không gửi về cho anh này lấy một đồng nào, mà còn đòi ly hôn. Lại nghe phong thanh rằng cô này có một anh bồ trẻ hơn mình mấy tuổi ở dưới Hà Nội, họ mới quen nhau trong chuyến bay từ Đài Loan về VN.
Chuyện là thế, anh thấy thương và thông cảm với hoàn cảnh của anh P. Anh gọi điện sang Đài Loan tâm sự với chị chuyện quê nhà, kể cho chị nghe luôn chuyện anh P. Từ ngập ngừng đến cáu gắt, giọng chị sắt lạnh: "Chuyện gia đình người ta mà anh lại lắm điều quá đấy! Thôi hôm khác em gọi về sau...". Tiếng cúp máy nặng nề, đột ngột khiến lòng anh se thắt.
Căn nhà ba tầng đã làm xong nhưng trống trải quá, thấy vậy anh liền giục chị sớm về, vả lại hai đứa con anh cũng xa mẹ quá lâu rồi. Nhưng chị cũng xua đi, động viên anh cố gắng thêm một thời gian nữa vì mức lương còn cao chứ về quê thì mỗi tháng làm gì mà ra mấy triệu bạc.
Trước khi cúp máy, chị quay sang "dỗ dành" anh bằng cách gửi thêm một số tiền nữa để anh kinh doanh dịch vụ internet cho nhà cửa đỡ trống trải. Nén nỗi buồn vào trong lòng, anh lại tìm hiểu và mở dịch vụ internet. Nhà rộng anh mua hẳn 20 máy, khách đến cũng đông. Việc kinh doanh có vẻ thuận lợi, hay hơn nữa là thỉnh thoảng anh chị lại có thể gửi e.mail qua lại cho nhau.
Vào một đêm cách nay chưa lâu mà có lẽ anh chưa bao giờ vui như vậy, vừa đóng cửa hàng xong thì nhận đựơc điện thoại của chị. Thật ngắn gọn nhưng không gì có thể diễn tả cảm xúc của anh khi ấy, chị nói: "Mai em lên máy bay về VN anh à". Và tất nhiên đêm hôm ấy với anh thấy thật dài...
Ngày hôm sau chị về. Chị không mang nhiều đồ đạc. Một buổi tiệc nhỏ anh chị tổ chức để hàn huyên với bạn bè, anh em, xóm làng sau nhiều năm xa cách. Khách khứa ra về cũng là lúc đêm đã khuya.
Bước vào căn phòng ngủ mà anh tự thiết kế theo sở thích của vợ những tưởng bao nhiêu thương nhớ sẽ được chị bù đắp. Nhưng cũng chính cái lúc anh đợi chờ ấy, chị đưa ra cho anh một tờ giấy mà anh vẫn còn ngờ ngợ. Bất chợt anh nhắm nghiền mắt, bịt tai thật chặt để khỏi phải nghe những lời giải thích. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: "Không, mình phải nghe xem họ đã lừa dối mình như thế nào chứ?". Và chị nói: "Ở bên ấy em đã có một đứa con 1 tuổi, lần này em về để giải quyết các thủ tục pháp lý. Có như vậy em mới có thể nhập quốc tịch và kết hôn với anh ấy được. Mong anh hãy tha thứ, còn toàn bộ tài sản thì...".
Lặng người đi trong nỗi đau đến tột cùng, giờ thì anh đã hiểu người ta bù đắp cho anh bằng số tiền mà hằng tháng anh vẫn nhận. Nó thật lớn mà cũng thật nhỏ biết bao. Chị đi rồi, anh nghẹn ngào sau phiên tòa xử vắng mặt. Những đứa con anh vẫn ngơ ngác không hiểu sao mẹ lại bay vội vã thế? Quán internet bữa nay cũng không thấy anh mở. Căn nhà đã trống giờ lại càng trống trải hơn...
Theo T.V
Thanh Niên