Góc tâm hồn

Bóng áo dài năm xưa

(Dân trí) - Huế nhỏ và buồn tênh như hạt mưa tan vào kẽ tay. Chiều xuống người ta thường thấy một ông già đuổi theo bóng hoàng hôn. Nói là đuổi nhưng ông chỉ ngồi im, ngồi im trên ghế đá rồi mông lung ngó mặt trời lê bước chân nặng trĩu.

 
Bóng áo dài năm xưa


Thế là thành một cuộc tiễn đưa, chiều nửa muốn đi nửa muốn ở, sông Hương vì thế mà tím ngẩn ngơ. Bên kia bờ, ông nhìn thấy con ngõ nhỏ dẫn vào một ngôi chùa cũ xưa. Nhiều người ngỡ ngàng khi nghe ông kể vậy bởi nửa bên kia sông là loang lổ hoàng hôn, là nỗi xanh xao của hàng cây, của phố phường nằm thao thức, sao nhìn ra được một con ngõ tí xíu.

 

Ngõ vắng ấy, ngôi chùa ấy nhiều năm rồi ông không dám đi qua. Kể cũng lạ, cái tuổi đời này trái tính trái nết dữ, càng về già người ta có thể quên một ngày mình ăn mấy bữa, quên đã để cặp kính ở đâu nhưng không thể quên đi mối tình đầu, càng không quên được lần cuối gặp lại giai nhân. Lần cuối cùng buồn chi lạ. Cô gái Huế năm xưa đã không còn, đôi mắt buồn xao xác cũng không còn. Sư cô Diệu Quang thản nhiên nhìn ông, ông không dám nhìn vào mắt sư, sợ bắt gặp miền quên lãng - quên một cuộc tình, quên một người tình, quên hết một đời người nhớ nhung.

 

Mấy tiếng “ông về cho, từ ni xin đừng ghé nữa” nghe nhẹ tênh mà sâu thẳm như mũi kim đâm. Ông già lẩn thẩn ra về, nợ trần gian có người đã trút bỏ, từ đó ông nhận về mình phần gấp đôi. Năm tháng cứ nối nhau vụt qua tay người, nhiều ngày như thế, nhiều chiều như thế, ông đi loanh quanh Huế rồi ra bờ sông Hương ngồi nhớ, không biết nhớ chi.

 

Chắc nhớ cổng trường Đồng Khánh của hơn nửa thế kỉ trước. Tan trường, mấy o nữ sinh Huế chân đi guốc mộc, tay vén tà áo dài lặng lẽ rời trường về nhà, lặng lẽ thế mà vẽ ra cả một trời xốn xang. Áo trắng chập chờn như hư như thực.

 

Thuở ấy có anh học trò Quốc Học, tan trường thường đi theo một bóng áo dài về đến tận nhà. Nhà o ở tít Vỹ Dạ, ngôi nhà cổ nhìn ra con đường có nhiều cây ô môi. Bữa đầu tiên đến thăm, anh vừa uống trà một mình vừa xem tụi con nít nhảy lò cò trước ngõ, lâu lâu nge thấy tiếng me o giục và tiếng đáp lại thỏ thẻ “con dị lắm không ra tiếp mô”.

 

Rồi nhớ Huế của một ngày xa lắc, nắng vàng ươm khắp nẻo về. Bữa đó bên Vỹ Dạ có đám cưới to. Nhiều người mãi xuýt xoa “cô dâu đẹp dễ sợ, hèn chi cưới được chồng danh giá”. Anh học trò nghe xong cười chua xót “đẹp dễ sợ thiệt”. Ở xứ này thứ chi cũng dễ sợ, thứ chi cũng mong manh, ở xứ này “nắng còn buồn hơn mưa!”. Chàng trai Huế sau đó tốt nghiệp Quốc Học rồi rời đi biền biệt, qua tận trời Tây. Ngày đi, Huế đổ nắng chang chang, anh đem lá thư người yêu cũ ra hong, mấy dòng chữ trên tờ giấy thơm cứ run rẩy như sợ bị nhạt phai. Lá thư từ đấy theo anh đi mãi, thời thiếu nữ mơ mộng của cô gái Vỹ Dạ cũng theo đó mà đi xa.

 

Ngót bốn chục năm sau, kẻ xa xứ tìm về quê nhà, tóc đã điểm hai màu và người đã qua nhiều hỉ nổ ái ố của một đời lận đận, lân đận kết hôn rồi li hôn, lận đận nuôi con khôn lớn rồi về quê sống một mình. Người đàn ông Huế lúc đi xa từng nuôi mộng mang cả Huế theo cùng nhưng quá nửa đời người thấy Huế rơi rụng gần hết nên nhớ quá, phải quay về tìm lại. Thứ đầu tiên ông tìm là bóng áo dài năm xưa. Nhưng ở xứ này đến đẹp cũng dễ sợ nên cuộc đời người đàn bà đẹp thường lắm truân chuyên. Con gái Huế từ thuở thiếu thời đã mơ nhiều đến chữ an yên, o cứ đi giữa cuộc đời phụ rẫy, cứ gặt khổ đau, mất mát rồi cuối cùng dừng lại trước cửa Phật, tìm an yên. Nhưng có người không chịu tin, cứ phải tìm đến nhìn lần cuối, rồi nhận về một trời thương nhớ.

 

Bình Tâm