Bóc củ hành

Thời con gái, Trinh yêu Tuấn, bạn học cùng khóa, từ quê lên thành phố, ở ngay phòng trọ nhà Trinh cho thuê. Điều kiện thuận lợi, hai người đã cho nhau tất cả. Vậy mà lúc ra trường, Tuấn lại về quê cưới vợ. Người Tuấn cưới là một cô bạn hàng xóm thuở thiếu thời, với lý do “vì chữ hiếu”.


Làm lại từ đầu



Làm lại từ đầu

Bạn bè cứ tưởng Trinh sẽ “gục ngã”, nhưng không ngờ Trinh rủ cả nhóm bạn hùn nhau đi du lịch cuối tuần. Tối hôm ấy còn bày tiệc “nhậu” bên bờ biển, vừa khóc vừa cười bên nhau đến quá nửa đêm. Trên đường về, Trinh tuyên bố: “Biển đã gội sạch ký ức về tên ấy và cuốn hết ra đại dương luôn rồi. Mình sẽ bắt đầu lại!”. Cứ tưởng Trinh nói để tự an ủi, để bạn bè yên tâm về mình nhưng Trinh đã làm được điều ấy. Trinh xin việc làm, học lên thạc sĩ rồi yêu và lấy chồng, cũng là một thạc sĩ, đồng nghiệp với Trinh.

Khi Trinh chuẩn bị cưới, có bạn thân lo lắng: “Rủi Nghi (chồng sắp cưới của Trinh) biết Trinh “không còn” thì sao?”. Trinh cười: “Mình đã nói hết rồi! Nghi nói: “Chuyện đó thuộc về quá khứ. Ai cũng có quá khứ. Từ giờ anh và em hãy sống cho hiện tại, chung lo tương lai. Chỉ cần khi em về với anh, em là chính em với tình cảm dành cho anh cùng gia đình nhỏ của mình trọn vẹn, là đủ”. Cũng chính vì thế nên mình mới quyết định chọn anh ấy. Đàn ông như vậy mới ra đàn ông chứ! Mình không muốn lấy phải một ông chồng ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ đòi hỏi ở người vợ sự trinh nguyên, trong khi anh ta còn “trong trắng” hay không thì chẳng nghe nói đến”.

Bạn bè lại lo tiếp… chẳng biết sau những ngày mặn nồng trăng mật, Nghi có “trở cờ”, lật lại chuyện cũ, chì chiết, nặng nhẹ với Trinh, như nhiều phụ nữ khác cùng trường hợp ấy từng bị hay không. Nhưng, cuộc hôn nhân êm đềm hạnh phúc ấy đã tồn tại đến bây giờ, con gái Trinh vào cấp III, con trai nhỏ lên lớp 9. Hai vợ chồng mới mua đất, xây nhà và mời bạn bè đãi tiệc tân gia vào đầu năm 2013.

Tư duy tích cực

Cách đây 5 năm, khi Trinh biết Cẩm vừa bị chồng đánh sưng mắt, liền đến thăm. Nghe Cẩm nức nở tâm sự chuyện vợ chồng, thật xót xa! Tình yêu của Cẩm và Minh ngày xưa đẹp như tiểu thuyết. Minh phải đấu tranh với gia đình để cưới cho được Cẩm, bởi không cùng tôn giáo. Vậy mà giờ đây, vì mê một cô sinh viên đến nhà máy thực tập, cả sáu tháng trời, Minh cứ kiếm chuyện mắng mỏ, đánh đập vợ. Cẩm nói: “Hai vợ chồng từ tay trắng làm nên nhà cửa, cả hai đều có vị trí đàng hoàng trong xã hội và quan trọng nhất là hai đứa con đang tuổi lớn, cần được sống bình yên để học hành. Phần vì nghĩ ngày xưa Minh từng cãi lời cha mẹ để đến với mình, nên mình cố gắng nhịn nhục, chịu đựng hết lần này đến lần khác, hết chuyện này đến chuyện kia. Mà toàn chuyện không đáng, ông ấy cứ kiếm chuyện bé để xé ra to mà hành hạ, đánh đập mình”.

Suốt nửa năm Minh không đưa tiền phụ giúp, bỏ mặc chuyện nhà, đưa đón con cái cho mình Cẩm lo. Minh còn trở mặt nói: “Tại vì cô mà tôi thành đứa con bất hiếu với cha mẹ. Chắc hồi đó tôi bị cô bỏ bùa. Giờ thì tôi sáng mắt ra rồi!”… Nghe xong, Trinh “phán”: “Bỏ ổng đi! Đừng có luyến tiếc gì hết. Chồng như vậy có ra chồng đâu. Cha như vậy có đáng làm cha không? Vậy thì giữ làm gì. Bồ còn trẻ chán. Dư sức làm được tập hai. Nếu bồ đeo theo níu kéo ổng, cả đời bồ tàn tạ luôn vì ổng, mà con cái cũng khổ sở, sao yên ổn học hành như bồ nghĩ? Chưa kể bữa nào bị đánh lỡ mang thương tật, sức khỏe đâu đi làm nuôi thân? Còn con cái nữa, ai lo?”. Cẩm do dự mãi. Trinh kiên nhẫn phân tích thiệt hơn. Cuối cùng, thấy Minh ngày càng tệ bạc, Cẩm mới chịu nghe lời Trinh, ra tòa ly hôn.

Sau đó, Trinh mai mối cho Cẩm một ông anh họ xa, cũng ly hôn vợ. Cả hai tìm hiểu, rồi quyết định tiến tới hôn nhân bằng một đám cưới giản dị, ấm cúng. Giờ bạn bè gặp lại nhau trong tiệc tân gia nhà Trinh, hai vợ chồng tay trong tay đến chúc mừng và cảm ơn cô bạn đồng môn, cũng là cô em gái của họ. Ai thấy Cẩm hạnh phúc cũng mừng cho Cẩm và phục lăn Trinh. Nếu không có Trinh đốc thúc, chắc gì Cẩm đủ can đảm dứt bỏ, có thể đến giờ vẫn phải chịu khổ sở vì sự phản bội và bị bạo hành vì Minh.

Chia sẻ tuổi già

Cũng trong buổi tiệc ấy, bạn bè lại thắc mắc… khi nhìn thấy mẹ chồng của Trinh đi bên cạnh một người đàn ông lạ, không phải là ba chồng Trinh, người mà các bạn từng gặp trong ngày cưới của Trinh. Đứa này đưa mắt nhìn đứa kia, ngầm hỏi. Tranh thủ lúc mọi người say sưa hát karaoke, Cẩm thủ thỉ: “Mẹ chồng Trinh khổ với bố chồng cũ lắm! Ông chẳng những trăng hoa, mà còn mê cờ bạc nữa. Mẹ chịu đựng gần suốt đời với ông. Bà giỏi kinh doanh, nhưng cũng chỉ đủ nuôi con và lo trả nợ thua bài của ông. Bà giấu các con. Mãi sau này làm ăn khó khăn, bà hết khả năng gánh vác, che giấu, mọi chuyện mới vỡ lở… Biết rõ chuyện mẹ chồng, Trinh là người quyết liệt khuyên bà ly hôn, để được sống cuộc đời thanh thản. Sau khi ly hôn hai năm, người yêu cũ của mẹ chồng Trinh từ Mỹ về ghé thăm. Trinh và chồng tìm đủ cách để “nối lại tình xưa” cho mẹ và bác ấy, khi Trinh hỏi thăm, biết bác đã chia tay vợ. Ban đầu, mẹ chồng Trinh cương quyết không chịu: “Mẹ gần 60 tuổi rồi! Lấy chồng làm gì nữa, thiên hạ họ cười cho”. Trinh nhỏ nhẹ: “Mẹ càng lớn tuổi, càng cần có người bầu bạn. Bác ấy là người tốt, vẫn còn nghĩ đến mẹ nên mới tìm thăm. Tụi con lớn lên đều có cuộc sống riêng. Nếu mẹ không có bác ấy, thì mẹ vui buồn tụi con cũng đâu chia sẻ được. Sau này mẹ và bác đều già, ốm đau bệnh tật thì lo lắng, đỡ đần cho nhau có phải tốt hơn là sống thui thủi một mình không? Mẹ đừng quan tâm tới thiên hạ lời ra tiếng vào. Mẹ sống cho chính mẹ, mẹ phải lo cho cuộc đời của mẹ. Mẹ sống tốt thì tụi con mới yên tâm về mẹ được”. Cuối cùng mẹ chồng Trinh cũng xiêu lòng, bà nhận lời “quen lại người quen”. Khi bác ấy về nước, mẹ Trinh bắt đầu đi học vi tính, tập gửi email để trao đổi vui buồn, chat chit, điện thoại... Giờ thì họ đã đăng ký kết hôn, để tuổi già “anh ở đâu em ở đó”!

Thấy bạn bè xầm xì, Trinh sà vô nghe rồi cười sảng khoái: “Sống là phải vậy. Cuộc đời mình, cứ ví như một củ hành, có rất nhiều lớp. Thấy chớm hư lớp nào, phải nhanh tay bóc bỏ lớp ấy, đừng để nó hư lây qua lớp khác, có khi thúi cả củ, là vứt cả cuộc đời đấy”.

Bạn bè mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Quan niệm sống theo cách “bóc củ hành” nghe sao đơn giản quá! Vậy mà biết bao người không can đảm, khư khư ôm giữ cái phần “vỏ hành hư” ấy, để nó cứ ăn dần, ruỗng nát cả củ hành…

Theo Trúc Anh
PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm