Bỏ về nhà ngoại - lối thoát “cụt”

Khởi đầu đời sống vợ chồng gặp khó khăn mâu thuẫn, không ít cô dâu đã bỏ về nhà mẹ đẻ và coi như đó là một cách giải quyết mâu thuẫn. Thực tế cho thấy đây không phải là sự lựa chọn khôn ngoan và đôi lúc do thương con các "ông bà ngoại" cũng lâm vào cảnh khó xử.

Vội giận mất khôn

 

Là con gái duy nhất trong gia đình có ba anh em lại là con út, L được cả nhà chiều từ nhỏ. Lấy chồng được hơn 1 năm thì vợ chồng cô có cu Tý. Lần đầu tiên đối mặt với cuộc sống bề bộn và vất vả, L thực sự thấy mệt mỏi. L bắt đầu cáu gắt, tỵ nạnh với chồng trong cả những việc mà thiên chức phụ nữ dành cho cô. 

 

Mâu thuẫn nảy sinh, hai vợ chồng to tiếng, thất vọng tràn trề vì cứ nghĩ gia đình chỉ là một tổ ấm lúc nào cũng đầy ắp những yêu thương mà người ta không cần phải cố gắng gì. Uất ức, vỡ mộng, cho rằng chồng "thay lòng đổi dạ", nhân lúc C đi làm, L ôm con thuê taxi về nhà mẹ đẻ.

 

Thương đứa con gái duy nhất phải chịu khổ sở, giận thằng con rể trông thì rõ tử tế mà bạc bẽo, cha mẹ L giữ con gái và cháu ngoại lại, rồi thuê cả ô-sin về chăm sóc mà không thèm nói gì với con rể.

 

Tháng đầu, L thấy thoải mái vì được cả nhà chiều chuộng. Ông bà ngoại cũng thấy vui vì có đứa cháu ê a cả ngày. Sang tháng sau, L bắt đầu thấy nhớ cái tổ ấm của mình. Càng ngày cô càng sốt ruột vì không thấy chồng đến đón cô về. Ông bà ngoại cu Tý cũng bắt đầu ái ngại vì họ hàng làng xóm đến chơi ngạc nhiên vì cháu ngoại đã cứng cáp mà không thấy bố nó đến đón. Sang tháng thứ tư thì mọi chuyện không thể tiếp diễn được nữa. L liên tục bắn tin qua mấy người bạn, hy vọng chồng đến đón vợ con về, nhưng C vẫn không đến vì giận cách cư xử của vợ và bố mẹ vợ.

 

Tương tự như L, H cũng là một cô gái trẻ mới xây dựng gia đình với Đ. Là con trai duy nhất trong nhà, cưới nhau xong, Đ đưa H về ở chung với bố mẹ mình.

 

Cuộc sống chung vốn đa dạng và phức tạp, H đòi chồng tách ra ở riêng. Thương bố mẹ già, sợ có lúc trái gió trở trời, Đ khuyên vợ cố thích nghi với nếp sinh hoạt của cà nhà để anh làm tròn chữ hiếu. Không được theo ý mình, cô buồn bực và cáu gắt cả ngày với chồng.

 

Sau một lần cãi nhau, H tự ý bế đứa con mới 1 tuổi về nhà mẹ đẻ. Giận vợ nhưng thương con, Đ nuốt giận đến nhà bố mẹ vợ xin đón mẹ con H về. Nghĩ rằng mình ở thế mạnh, H làm cao xưng xỉa kể tội Đ. Đã không khách quan ở giữa khuyên giải đôi vợ chồng trẻ, bố mẹ H còn lớn tiếng chê trách bố mẹ đẻ của Đ là bạc, là hành hạ H. Thấy bố mẹ mình bị xúc phạm vô lý, Đ bỏ về, nhất định không đến nhà ngoại đón vợ con về nữa...

 

Hậu quả không đáng có

 

Quá giới hạn, chịu đựng, cha mẹ bị xúc phạm, Đ viết đơn xin ly hôn. Tưởng Đ chỉ dọa, H và bố mẹ cô vẫn bình chân như vại. Đến khi tòa án gửi giấy triệu tập mời H lên giải quyết chuyện ly hôn, cả nhà H mới hoảng hồn.

 

Bát nước đổ xuống đất không lấy lại được, Đ một mực giữ nguyên quan điểm. Bố mẹ đẻ của H dù biết mình quá lời nhưng nghĩ mình đã già không lẽ lại đi xin lỗi thằng con rể. Vậy là vợ chồng họ mỗi người một ngả. Giờ mỗi lần nhìn thấy con gái một mình một bóng, bố mẹ H cũng không khỏi thở dài ngao ngán và hối hận.

 

Còn L, sau 3 tháng đẫy đà ở nhà bố mẹ đẻ, đành ôm con quay về nhà chồng. Từ ngày vợ bỏ về nhà mẹ đẻ, C cũng khóa cửa nhà riêng về ở với ông bà nội cu Tý. Đi thì dễ về thì khó, không biết làm thế nào, L đành phải bế con vào nhà bố mẹ chồng. Ông bố chồng ngày thường độ lượng không chấp nhặt con cháu, giờ thành ông già nghiêm khắc.

 

Không còn cách nào khác, L đành nước mắt ngắn dài về nói lại với bố mẹ đẻ. Lúc trước trót dung túng cho con gái bỏ về nhà, giờ không lẽ để nó có chồng mà như không, ông bà ngoại cu Tý đành phải cắn răng sang nhà thông gia... xin cho con gái được về lại nhà chồng.

 

Bỏ về nhà mẹ đẻ bao giờ cũng rất dễ nhưng quay trở lại thì luôn rất khó. Thương con gái nhưng “ông bà ngoại” không nên dung túng, càng không nên bênh con một chiều. Trong mọi trường hợp các bậc sinh thành, dù bên nội hay bên ngoại, đều nên là những trung tâm hòa giải mâu thuẫn cho các cặp vợ chồng trẻ.

 

 

Ttheo Phụ Nữ Việt Nam