Bố chồng "quái tính"
Tốt nghiệp lớp 12 loại xuất sắc, V. từ Bắc Ninh lên HN học đại học và sau đó lấy chồng định cư luôn trên thành phố. Gia đình V. và hàng xóm không ngớt lời ca ngợi V. may mắn vì đã lấy được chồng HN. Bởi trong mắt họ, cứ lấy được trai thành phố là sướng rồi, người HN chắc hẳn phải giàu có và lịch sự.
Thế nhưng một lần gặp V. đang ngồi ăn cơm tối một mình ngoài quán cơm bụi, thì tôi vô cùng ngạc nhiên và hỏi cô sao không về nhà ăn mà lại ngồi đây. V. nước mắt ngắn dài kể: Từ ngày về làm dâu đến giờ cô chưa bao giờ được ăn một bữa cơm nào ngon lành, tử tế cả. Tôi giật mình “Sao thế, chồng V. có vấn đề gì à?”, cô không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu. Ngồi một lát V. mới nói rõ ngọn nguồn câu chuyện.
Hôm đầu tiên về nhà chồng, quan khách về hết, lại cũng đã khá muộn, nên hai vợ chuẩn bị thu xếp để hưởng đêm tân hôn bên nhau. Như đã dự định từ trước, không đi nghỉ tuần trăng mật ở đâu thì hai vợ chồng sẽ nghỉ lại khách sạn nơi tổ chức tiệc cưới đêm đầu tiên. Nhưng khi hai vợ chồng đang thủ thỉ âu yếm nhau, thì bỗng nghe thấy tiếng đập cửa thình thịch như có cháy nhà. Chồng V. chạy ra mở cửa, thấy ông bố đứng lù lù ngoài ấy hỏi: “Chúng mày còn quên cái gì mà ở lại lâu thế?”.
Chồng V. trả lời bố là hai vợ chồng ở lại đến mai mới về, và bảo bố cứ về nhà trước. Nhưng ông đã đứng ở cửa “xả” thẳng vào rằng: “Nhà cửa có thì không ngủ, đi ra đây để người ta tưởng là mày đi phò phạch à? Về ngay!”.
Nghĩ là bố chồng say rượu, nên V. giục chồng đi về kẻo ông phật ý. Thế nhưng hóa ra ông không hề say chút nào, bởi ông bố chồng cô là người không bao giờ biết đến một giọt rượu nào cả. Không phải ông không biết uống mà vì “Uống cái thứ vô bổ ấy làm gì, cho thêm bệnh mà lại tốn tiền” - ông bảo vậy.
Những ngày sau đó, ông liên tục “soi” xem V. làm việc như thế nào. Việc gì cô làm cũng khiến ông bố chồng không vừa ý. Ông luôn chê cô chậm chạp, làm ăn luộm thuộm… nhưng điều dễ làm ông bực mình nhất là việc chi tiêu của cô.
Đi chợ mua mớ rau, ông cũng hỏi xem mua hết bao tiền, mua nước mắm thì ông bảo sao mua loại đắt tiền thế… V. đi làm thì ông bắt đi bằng xe buýt hoặc là đi cùng chồng vì ông cho rằng hai người đi hai xe thì quá tốn xăng. V. không dám mua quần áo đẹp mặc nữa, chỉ sợ sẽ chạm đến “cơn thịnh nộ” của ông bố chồng khó tính.
Mẹ chồng và chồng của V. cũng không dám động đến ông. Hễ ai làm trái ý ông là y như rằng ông quát mắng cho từ sáng đến tối, rồi khi nào có dịp ông lại “tua” lại những “lỗi lầm” của người ấy cho mà nghe.
Mọi chuyện trở nên nghiêm trọng, khi V. có thai. Cô cần ăn uống tẩm bổ cho bản thân và đứa con trong bụng. Chồng V. đi mua cho vợ mấy hộp sữa bà bầu thì ông bắt mang đi trả hết. Ông bảo: “Ngày xưa các cụ có cần sữa gì đâu mà đẻ ra đứa nào đứa nấy đều khỏe mạnh, chúng mày bây giờ chỉ vẽ vời lắm chuyện, từ nay mua gì thì phải hỏi tao một tiếng”.
Ông còn bắt cô con dâu làm việc nhà bằng hết, để cho mai sau dễ sinh theo như lập luận của ông. Đã làm việc vất vả như vậy, mà hễ thấy cô con dâu ăn nhiều lên trong mỗi bữa cơm một chút là ông lại khó chịu, ông thường nói rằng ăn nhiều thì chỉ béo mẹ chứ con nó đã ăn được gì đâu…
Vẫn biết là bố chồng chẳng có ác ý gì với con dâu, mà thật ra chỉ vì tính ông quá hà tiện nhưng nhiều khi V. vẫn phải ứa nước mắt vì tủi thân. Nhà thì ở xa, bố mẹ không chăm sóc con cái được thường xuyên, chồng V. dù yêu vợ nhưng cũng không dám làm gì trái ý bố nên cô cảm thấy mình cứ như người giúp việc trong nhà chồng vậy.
Hôm nay đi làm về, cô tạt luôn vào hàng cơm bụi ăn cho thỏa thê và cũng là ngồi tự thư thái.
Tôi hỏi: “Thế ông xã V. cứ để mặc vợ như vậy à?” thì V. bảo là trước đây khi mới cưới về ông xã cũng tâm lý lắm, vợ thích gì là chiều. Chăm vợ từng li từng tí một. Nhưng sau thấy anh ấy bị bố mắng nhiều quá vì cái tội chăm vợ thì cô thấy thương chồng, rồi cũng tự tìm cách thích nghi theo kiểu khác. Giờ nghỉ trưa ông xã nói dối bố mẹ là ăn cơm ở cơ quan, rồi lặng lẽ đưa vợ đi ăn ngoài hàng, chứ không về nhà ăn nữa.
V. cười buồn buồn nói: “Chẳng biết người ta khổ vì mẹ chồng thế nào, chứ mình thì chỉ mong sao thà mẹ chồng cứ ghê gớm đi còn hơn là chịu cảnh bố chồng hà tiện kiểu này”.
Bố chồng là “yêu râu xanh”
Một chị bạn hàng xóm của tôi có người thân ở bên Đức kể rằng. Người bạn thân của chị tên H. lấy chồng người Việt, nhưng vì gia đình chồng định cư tại nước ngoài, nên cô dâu sau khi lấy chồng cũng phải khăn gói theo chồng sang bên ấy làm ăn.
Gia đình chồng cô có một gian hàng bán quần áo ở chợ trời Berlin. Mẹ chồng cô hàng ngày ở nhà nghỉ ngơi, đêm đến mới đi lấy hàng cùng mấy người cùng buôn bán trong chợ. Chồng và bố chồng H. thì đứng bán hàng, còn các công việc nhà là do con dâu quán xuyến cả.
Bố chồng chị không phải người ghê gớm, cũng tâm lý với con cái. Nhưng ông có một cách “quan tâm” kiểu khác, khiến cho người con dâu nhiều phen hết hồn.
Chị H. có thân hình quyến rũ với những đường cong gợi cảm. Chị lại cười rất duyên, nên mỗi khi đàn ông nhìn thấy đều phải mê mẩm. Và ông bố chồng chị cũng nằm trong số đó.
Mỗi tối, ông T. bao giờ cũng về trước con trai khoảng 1 tiếng, để tắm rửa và nghỉ ngơi, để cho người con trai ở lại dọn dẹp và đóng quầy hàng.
Một lần, khi về đến nhà ông T. không thấy vợ mình ra đón như mọi khi, liền chạy đi tìm bà. Khi đi ngang qua nhà tắm trên lầu hai, nghe thấy có tiếng nước chảy bên trong, ông liền dừng lại ghé mắt nhìn qua, thấy con dâu đang đứng tắm thế là ông cứ thế trân trân đứng nhìn.
Sau đó, ông T. hay để ý đến con dâu hơn. Ông hay nhìn cô mỗi khi cô mặc áo hơi trễ cổ, hoặc là mặc những bộ quần áo mỏng ở nhà.
Cứ khi nào thấy không có con trai ở nhà, là ông hay kiếm cớ lại gần cô con dâu nói chuyện hỏi han, cố tình động chạm vào tay hoặc vai, làm cho H. vô cùng bối rối và lo sợ. Tuy chưa có chuyện “động trời” gì xảy ra, nhưng cô đã phải nói chuyện đó cho chồng biết và tìm cách giải quyết. Cuối cùng thì hai vợ chồng cũng phải thống nhất ra thuê nhà ở riêng thì mọi chuyện mới bình thường trở lại.
Người cha thứ hai
K. sinh viên năm thứ nhất trường ĐH N. tại HN, vốn xinh đẹp, trắng trẻo nên có rất nhiều người theo đuổi. Và trái tim K. đã không cưỡng lại nổi sự ga lăng và tấn công mạnh như vũ bão của Q. một sinh viên cùng khóa. Thế là K. nhận lời làm bạn gái của anh ta. Tình yêu và sự bồng bột không kiểm soát được đã khiến cho K. mang bầu chỉ vài tháng sau kể từ ngày Q. ngỏ lời yêu đương.
Những tưởng khi báo tin cho Q. thì anh ta phải vui vẻ, hoặc chí ít là lo lắng cho cô và cùng cô tìm cách tháo gỡ, nhưng Q. đã không làm như vậy. Q. bỏ mặc K. và ngay lập tức bỏ đi tán tỉnh người con gái khác.
Quá đau đớn K. định bỏ cái thai rồi bảo lưu kết quả học để về quê một năm, cho vết thương lòng được lành hẳn. Nhưng trong một buổi sáng đang ở nhà trọ, thì K. thấy có một người đàn ông khoảng ngoài 50 đến gặp mình.
Đang bỡ ngỡ, thì người đàn ông tự giới thiệu tên là Đ. bố của Q. Không như K. liên tưởng ông bố từ “ông con”. Bác Đ. khá điềm tĩnh và nói năng rất dịu dàng. Bác nói là bác đã biết chuyện của con trai mình gây ra, ông cũng biết là mình không giáo dục con được tốt, để cho Q. trở thành một con người vô tâm như vậy. Sau đó bác hỏi K. định tính như thế nào. Trước lời hỏi han ân cần như của một người cha nói với con gái như vậy, K. đã không giấu được nước mắt và nghẹn ngào kể cho người đàn ông đó nghe những dự định của mình.
Bác Đ. chăm chú lắng nghe tất cả và nhẹ nhàng nói: “Con nỡ lòng nào giết chết đứa bé vô tội ấy ư? Nó có tội gì đâu, hai đứa mà không nuôi được thì giữ lại để bác nuôi nó”.
Hết sức ngạc nhiên và cảm động, K. đã hứa sẽ giữ lại đứa bé và chờ tính tiếp. Thế rồi hàng ngày cô vẫn cắp sách đến trường mà lòng rối bời chưa biết cuộc đời mình sẽ đi đến đâu.
Thế rồi một hôm, bác Đ. dẫn con trai của mình đến. Bác bảo hai đứa ngồi nói chuyện nghiêm túc trước sự chứng kiến của bác, và sau đó thì cả ba sẽ cùng tìm cách giải quyết. Kỳ lạ thay trước mặt bố Q. tỏ ra rất nghiêm túc và nói năng có trách nhiệm hơn. Cuối buổi nói chuyện, mọi người thống nhất là sẽ tổ chức đám cưới ngay trong tháng, và cả hai phải thu xếp mọi việc để hai hôm sau về nhà K. tận trong miền Trung thưa chuyện với bố mẹ cô.
Đến khi đứa trẻ ra đời, K. vẫn không thể ngờ được mình lại có thể may mắn thế và tất cả cứ như là một giấc mơ đến với cô vậy. Bây giờ cô đã được làm mẹ và có một gia đình đầm ấm hạnh phúc.
Hóa ra Q. từ nhỏ đã sống thiếu vắng tình cảm của mẹ khi bà qua đời vì một tai nạn lao động. Nên từ đó Q. khó lòng yêu quý được người con gái nào, bởi trong lòng Q. mẹ là người phụ nữ dịu dàng, tuyệt vời nhất. Q. chỉ biết có bố, cậu làm tất cả vì bố và không bao giờ dám làm điều gì phật ý ông.
Biết chuyện trót “ăn cơm trước kẻng” của con trai mình và còn gây nên hậu quả, ông Đ. đã tìm bằng được chỗ ở của K. và đến tận nơi nói chuyện với cô để bọn trẻ không làm điều gì dại dột nữa.
Về làm dâu nhà chồng, K. mới thấy thấm thía thế nào là hạnh phúc đích thực. Tuy không phải là gia đình quyền thế, giàu có, nhưng bố chồng cô là một người tuyệt vời. Ông là bác sĩ của một bệnh viện tư nhân, hàng ngày sau giờ làm việc ông về nhà ngay. Ông chỉ dẫn cho cô cách thức chăm sóc khi mang thai, nên ăn gì, uống gì và tập luyện như thế nào. Ông còn chỉ bảo cho cô cách nấu những món ăn ngon miệng mà cô chưa biết… Việc gì ông cũng biết, bao giờ ông nói với con cái cũng rất nhẹ nhàng và ân cần.
Cũng chính ông đã làm thay đổi thái độ của Q. đối với K. Không hiểu ông đã khuyên bảo gì con trai, chỉ biết rằng anh đã dành cho cô sự quan tâm, chăm sóc chân thành và lấy lại tình yêu như thủa đầu mới yêu. K. thật sự cảm động vì tất cả những gì bố chồng đã làm cho mình. Trong blog của K. cô đã viết “… sao người ta lại không bao giờ nhắc đến mối quan hệ bố chồng - nàng dâu nhỉ? Phải chăng đối với nhiều người nó quá tẻ nhạt? Nhưng với mình thì khác, bố Đ. chính là người thứ hai sinh ra mình, bố đã cho mình cuộc sống hạnh phúc với chồng và con như bây giờ. Nếu không có bố, chẳng biết giờ này cuộc đời mình sẽ trôi về đâu…”.
Xưa nay chuyện bố chồng - nàng dâu thường không mấy ai đề cập tới. Nhưng đằng sau mối quan hệ đó là vô vàn những chuyện bi hài. Trong mối quan hệ nào cũng thế, nếu các thành viên trong gia đình tôn trọng và yêu thương lẫn nhau, thì gia đình đó sẽ luôn ấm êm và hạnh phúc.
Theo Hoàng Tuấn
Phununet