Bình Định: Xây dựng mô hình nhà tạm lánh bạo hành gia đình

(Dân trí) - Thời gian qua tình trạng bạo lực gia đình tại huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng đời sống văn hóa cộng đồng, an ninh trật tự gây bức xúc dư luận.

  

Theo khảo sát, trong 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn huyện An Lão đã xảy ra 18 vụ bạo hành gia đình gây mất an ninh trật tự khiến dư luân bức xúc. Trong đó, xã An Dũng số trường hợp bạo lực gia đình nhiều nhất với 6 vụ, tiếp đến là xã An Tân có 5 vụ… Hầu hết, các trường hợp bạo hành gia đình đều bắt nguồn từ nạn say rượu dẫn đến chửi bới, đánh đập vợ con.

 

Đơn cử như trường hợp anh Đinh Văn Côn (SN 1977), vợ là chị Phạm Thị Dét (SN 1977) ở xã An Dũng. Bình thường vợ chồng sống rất hòa thuận nhưng mỗi khi uống rượu vào anh Côn về nhà đem vợ ra mắng nhiếc, ghen tuông dẫn đến đánh đập vợ không chịu được vợ phải bỏ vào Nam làm thuê.

 

Hay như trường hợp ở anh Đinh Văn Thiên (SN 1963)và chị Định Thị Hạnh (1983) ở xã An Dũng lại bắt nguồn từ ghen tuông chuyện trai gái. Chồng già vợ trẻ nên mỗi khi uống rượu vào nhớ đến người ngoài nói vợ trai gái nên anh Thiên lại nổi máu ghen, chửi, đánh vợ thập chí đồ đạc trong nhà đem đập phá sạch.

 

Theo anh Đinh Văn Lờ, chủ tịch UBND xã An Dũng, cho biết: “Phần lớn các trường hợp bạo hành đều phát sinh từ rượu mà ra. Có người lúc bình thường không xảy ra chuyện gì nhưng khi có rượu vào thì xảy ra nhiều vấn đề ghen tuông rồi đánh đập vợ. Hiện xã mới chỉ dừng lại ở biện pháp tuyên truyền giáo dục bà con chứ chưa đem ra xử phạt. Trường hợp vi phạm nhiều lần thì xử phạt hành chính”.

 

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ, hạn chế tình trạng bạo hành gia đình xảy ra trên địa bàn huyện. Theo chủ trương của tỉnh, huyện An Lão đang tiến hành triển khai xây dựng nhà tạm lánh nhằm hỗ trợ ngăn chặn nạn bạo lực gia đình.

 

Theo đó, dự kiến, trong năm 2012, huyện An Lão sẽ chọn ra, thị trấn An Lão và 2 xã gồm: An Hòa, An Tân để xây dựng thí điểm về nhà tạm lánh và Câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững. Do chưa có kinh phí nên bước đầu sẽ chọn Trạm Y tế các xã, thị trấn làm địa điểm xây dựng nơi tạm lánh.

 

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Phó văn phòng huyện An Lão cho biết: “Bước đầu huyện đã triển khai về địa phương thống kê số trường hợp bạo lực gia đình để triển khai thí điểm một số xã nếu mô hình hiệu quả sẽ tiếp tục nhân rộng. Tuy nhiên, cơ bản vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bà con đồng bào”.

 

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm