Bị vợ chê... dốt

Hễ nói chuyện công ty chậm tăng lương là anh Đức bị vợ so sánh: “Giờ đàn ông phải kiếm vài chục triệu/tháng mới đủ tiền ăn học cho con. Ai như cái công ty “chết rét” của anh. Con người ta học trường mầm non quốc tế, còn con mình, mẫu giáo công lập còn loay hoay”

 

Bị vợ chê... dốt - 1


Kể chuyện vượt đèn đỏ, rẽ phải thì bị cảnh sát “tóm”, anh Định nghe vợ bĩu môi: “Trời ơi, có ai dốt như anh không? Biết chỗ ấy lúc nào cũng có cảnh sát đứng mà còn cố vượt”.
 

Anh còn nghe vợ ca cẩm một hồi vì xót tiền phạt, trong khi cái chân “cà nhắc” (do bất ngờ ngã) của anh khi ấy không thấy vợ nói tới.

 

Kể bất kỳ chuyện bị ngã xe, rơi mất (dù là 10 nghìn đồng) trong siêu thị hay ý tưởng mới bị sếp bác bỏ, anh Định cũng bị vợ cắt ngang bằng thói cằn nhằn. Rồi lâu lâu, anh lại bị vợ bới lại chuyện cũ để dăn dạy cu con 4 tuổi: “Con đi xe đạp phải thận trọng, lại ngã như bố thì khổ” hoặc: “Cầm tiền mua mỳ tôm cho mẹ. Nhét vào túi quần rồi kéo khóa lại. Đừng để rơi mất như bố”. Có lần, cậu con trai làm mất 5 nghìn đồng mà vợ anh không tiếc lời mắng cả chồng lẫn con.

 

Rút kinh nghiệm, chuyện gì liên quan đến mất mát là từ đó, anh Định “ỉm đi” cho xong. Thế mà có lần anh bị vợ phát hiện trót bỏ quên di động ở nhà người bạn mà không chịu “báo cáo”, anh đã bị vợ dỗi: “Vợ chồng có gì phải chia sẻ với nhau. Anh có còn coi em là vợ không?”.

 

Ở cơ quan, nghe cô bạn đồng nghiệp an ủi chồng vừa bị mất xe máy qua điện thoại: “Thôi anh, mất rồi thì thôi. Của đi thay người mà”, anh Định chạnh lòng. Anh ước gì một lần sơ sảy cũng được vợ thông cảm như thế.

 

Trường hợp của anh Pháp (Từ Liêm, Hà Nội) hơi khác một tý. Số là chuyện gì anh đem kể với vợ thì một loáng sau là được vợ “tua” lại cho bố mẹ và bà chị gái ngay.

 

“Vừa lúc sáng kể chuyện ‘đánh quả’ với thằng bạn được chia 10 triệu, chuẩn bị sắm bộ đệm mới. Đến trưa online đã thấy bà chị vợ ‘nhảy’ vào bắt khao: ‘Chú giỏi thế, tháng được năm ‘quả’ như thế là ổn đấy’. Tối gặp mẹ vợ đã nghe khuyên: ‘Sắm đệm làm gì vội. Đổi máy giặt đi cho đỡ hại quần áo”, anh Pháp tâm sự. Kể cả chuyện anh đi khám và bốc thuốc bắc chữa “yếu” cũng bị vợ “bô bô”. Thành thử, về nhà vợ lần nào là anh ngại lần đó hoặc mất công giải thích này nọ. Từ đó, những chuyện cần nói với vợ cũng được anh Pháp “sàng lọc” rõ ràng. Trước khi kể anh phải cân nhắc xem, nếu cả nhà vợ biết thì có ngại không. Chứ chuyện nào riêng tư, anh Pháp quyết giữ lại bên mình cho an toàn.

 

Còn anh Đức (Long Biên, Hà Nội) hễ đề cập đến chuyện công ty chậm tăng lương là anh bị vợ so sánh: “Giờ đàn ông phải kiếm vài chục triệu một tháng mới đủ tiền ăn học cho con. Ai như cái công ty “chết rét” của anh. Con người ta học trường mầm non quốc tế, còn con mình, mẫu giáo công lập còn loay hoay”.

 

Kể chuyện là mong được vợ thông cảm, mong vơi bớt nỗi canh cánh với đồng lương nhưng anh Đức chỉ nhận lại ức chế. Từ đó trở đi, dù vợ có hỏi về chuyện tăng lương, lĩnh thưởng, anh cũng trả lời qua quýt hoặc lờ đi.

 

Bí kíp ‘khai thác’ chồng

 

Nhiều người vợ phàn nàn chồng mình lạnh lùng. Nhưng đôi khi, vấn đề khiến các anh ngại mở lời lại nằm ở chính chị em. Có vài lưu ý mà người vợ tham khảo khi giao tiếp cùng chồng như sau:

 

- Đừng giễu cợt chồng. Cái tôi ở đàn ông nhạy cảm hơn nhiều so với cái tôi ở phụ nữ. Bị vợ chê bai, chế giễu, anh ấy sẽ tự động khép mình lại.

 

- Đừng bới lại chuyện cũ: uống rượu bỏ quên di động, bị ngã xe, bị trừ lương... chỉ là những sự cố ngoài mong muốn. Khi kể, đàn ông chỉ mong được cảm thông nhưng ngược lại, họ chỉ nhận được sự bới móc. Nếu là chuyện không may đã qua thì không nên khơi lại nữa, bởi ai cũng có lúc nọ lúc kia.

 

- Đừng so sánh chồng với người khác.

 

- Đừng chuyện gì chồng kể cũng đem kể lại với bố mẹ, anh chị...

 

Theo Me&be