Bị phản bội
Sau cơn choáng váng, đau khổ vì phát hiện mình bị phản bội, những “khổ chủ” bắt đầu con đường “tìm và diệt” kẻ thứ ba. Tuy nhiên, không phải khi nào kết quả tìm kiếm cũng như mong đợi.
Chồng của phở, vợ của nem
Sau cơn đau sét đánh, sau trận khẩu chiến với chồng kết thúc bằng rất nhiều nước mắt và viễn cảnh bùng nhùng đe dọa ly hôn, M. nhất quyết tìm bằng được cái ổ của con chuồn chuồn, tìm cho biết gia cảnh, tính tình, mức độ lậm nặng lậm nhẹ của chồng và “phở”, rồi để tính phương án tiêu diệt toàn bộ cho thỏa lòng căm hận. Chồng của “phở”, té ra là một người đàn ông trông cũng không đến nỗi, làm nghề xây dựng, có vẻ phong trần, xa nhà thường xuyên nên mới bị vợ cắm sừng như thế. “Phở” lăng nhăng với chồng M. như một thứ “lấy ngắn nuôi dài”, chỉ đong đưa với chồng M. từ thứ hai đến thứ sáu, còn đến thứ bảy, chủ nhật thì cấm túc ở nhà chăm con, đợi chồng chính thức trở về.
Khác với M., anh H. không bình tĩnh đợi được. Khi phát hiện vợ mình trên mức tình cảm với một người đàn ông làm chung công ty, anh này cũng đã có vợ, anh H. đã tìm đến nhà của tay kia nói chuyện phải quấy. Đến nơi, “nem” của vợ mình đâu không thấy, trước mắt anh là một người đàn bà hiền lành, có lẽ cả đời quanh quẩn trong nhà chăm con. Chị gầy mảnh, tội nghiệp, rúm ró khi anh lớn tiếng hỏi chồng chị: “Dạ thưa, ảnh đi làm tới 10g - 11g đêm mới về”. Chừng như chỉ cần anh lớn tiếng chút nữa thôi, chị sẽ vỡ ra làm mấy mảnh. Rốt cuộc anh chỉ nói chồng chị có nợ tôi một khoản, nay tôi tới hỏi, công chuyện làm ăn đàn ông với nhau chứ cũng không có gì, rồi anh về.
Trước khi bước vào đời sống hôn nhân, có lẽ ít ai hình dung mình lại vướng vào những mối quan hệ chằng chịt đến như thế: nặng trĩu với nỗi đau bị phản bội, lại thêm biết rằng ở bên kia chiến tuyến không hẳn chỉ có kẻ thù, mà còn có cả những người cũng đang trong cảnh bầm gan tím ruột như mình. Dội bom tàn phá, châm lửa đốt nhà hẳn là thỏa cơn oán hận của mình, nhưng những kẻ vô tội đau khổ kia thì sao?
Tìm đồng cảnh gặp đồng cảm
Khi M. quyết định gặp chồng - của - “phở” - của - chồng - mình nói chuyện, cô cứ nghĩ anh ta sẽ sốc ghê lắm. Nhưng bất ngờ, người đàn ông ấy rất bình tĩnh. Anh bảo, mình xa nhà thường xuyên, có xảy ra chuyện này cũng là do lỗi của mình. Anh bảo, anh buồn lắm, nhưng giờ hai đứa con biết tính sao, ai sẽ chăm lo cho chúng nếu gia đình anh tan vỡ? Anh biết làm thằng đàn ông mà bất lực trong chuyện này là hèn, nhưng ngay bây giờ anh không thể làm gì khác. Anh khóc. Những giọt nước mắt cay đắng và thô mộc của người đàn ông dầu dãi, mạnh mẽ có thừa đang ngồi trước mặt làm M. xúc động mạnh. Bao nhiêu ẩn ức, buồn tủi trong lòng cô cũng tan ra thành nước mắt. Họ gần nhau hơn trong nỗi đau chung của những người bị lừa dối, bị phản bội.
Khi vượt qua được những đau đớn dễ khiến người ta mù quáng trong thời gian đầu, người ta sẽ dễ dàng nhận ra đồng minh đắc lực của mình trong việc ngăn chặn sự phát triển của mối quan hệ giữa chồng và "phở", hoặc giữa vợ và "nem", chính là phần nửa còn lại của "phở" hay "nem" ấy. Đó là người cùng chung cảnh ngộ, chỉ khác ở chỗ họ có thể đã biết hoặc chưa biết mà thôi. Thời buổi các phương tiện liên lạc dễ dàng, việc tìm gặp chồng, vợ của kẻ thứ ba là một biện pháp càng ngày càng phổ biến. Gặp để điều tra, để yêu cầu giúp đỡ, hoặc tệ hơn là để “mắng vốn” về cái tội không chịu giữ chồng giữ vợ cho kỹ càng.
Tùy vào mục tiêu, gia cảnh, tình cảm của từng người, những tập 2, tập 3 sau lần gặp gỡ này cũng sẽ có nhiều lối rẽ. Có thể, hai bên sẽ cùng chung tay đưa những kẻ lầm đường lạc lối về lại đúng nhà của mình. Kịch bản nhân ái này đòi hỏi lòng trắc ẩn và chỉ diễn ra khi cả "phở" và "nem" chưa “vi phạm nghiêm trọng” gì mấy. Khi mọi việc đã không thể cứu vãn được nữa, khi sự đổ vỡ của mỗi gia đình đã khó có thể hàn gắn lại, khi trong lòng người ta chỉ còn oán ghét, chỉ còn thù hận, những cuộc gặp gỡ đó có thể dẫn đến sự trả đũa sâu cay, khi thông tin được cung cấp đầy đủ, chính xác bởi những nguồn tin gần gũi kẻ phạm tội. Thậm chí còn có thể được tiếp tay để đánh ghen.
Cũng không phải không có những trường hợp phát sinh tình cảm giữa hai “người cùng khổ”. Từ đồng cảnh đến đồng cảm chỉ một bước. Cùng chung một chiến hào, họ cùng chia sẻ với nhau nhiều thứ. “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”, một bờ vai để nương tựa, một động lực để tiếp tục sống… là những điều gắn bó họ với nhau. Có lẽ, khi biết điều này, những kẻ hay ăn "phở", ăn "nem" cũng phải dè chừng: thêm một lần ăn hàng vặt là mở thêm một “cửa sau” nhà mình, tự tạo điều kiện để vợ mình hay chồng mình tìm được một người đồng cảm sâu sắc và có chung mục tiêu sống. Đó là chưa kể đến tâm lý trả đũa theo kiểu “mày đã dụ dỗ vợ tao, tao cũng cho mày mấy cái sừng cắm trên đầu, cũng là lẽ công bằng!”.
Nhiều người dễ gật đầu cái rụp khi nghe kết luận: “Đàn ông bây giờ hư lắm”. Không hẳn vậy, vì “đàn bà bây giờ cũng hư”! Cuộc sống mở ra nhiều cơ hội cho mỗi giới, trong đó có những cơ hội để vươn lên, nhưng cũng không ít những đường ngang ngõ tắt dễ khiến người ta sa ngã. Điều cơ bản nhất là phải biết giữ lấy mình. Biết quý giá nâng niu điều mình đang có cũng đồng nghĩa với việc biết sợ đánh mất, sợ làm rơi vỡ nó đi. Khi đã vung tay tát vào mặt người khác, không thể bảo người khác có tát lại cũng hãy nhẹ tay, đừng làm mình đau. Trước khi là "phở", trước khi là "nem", hay trước khi ăn "phở" ăn "nem" ở đâu đó, có lẽ cũng cần nhớ, những mối quan hệ xung quanh cuộc đời của mỗi con người chưa bao giờ đơn giản, chưa bao giờ là những mối quan hệ thuần túy một chiều…
Theo Hoàng Mai
PNO